Sau loạt bài: Ngẫm chuyện “Vua” khát đất định đô:

Bao giờ doanh nghiệp là tài sản quốc gia?

Khu công nghiệp Trà Nóc có từ trước năm 1975. Ảnh: Sáu Nghệ
Khu công nghiệp Trà Nóc có từ trước năm 1975. Ảnh: Sáu Nghệ
TP - Từ những vấn đề của ngành cơ khí đặt ra qua loạt bài Ngẫm chuyện “Vua” khát đất định đô, phóng viên Tiền Phong gặp ông Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp- Khu chế xuất Cần Thơ Võ Thanh Hùng.

Ông Hùng giải thích lý do doanh nghiệp của “Vua” vào khu công nghiệp Trà Nóc không được hưởng ưu đãi về thuê đất: Một số thủ tục cần phải có người quyết định nhưng cấp thẩm quyền còn chần chừ, chưa ký.

Cần đột phá

Ông đánh giá thế nào về ngành cơ khí của Cần Thơ và cả vùng nông nghiệp quốc gia?

Chưa có thương hiệu nổi tiếng. Xét về sản phẩm công nghiệp của các doanh nghiệp Cần Thơ chi phối hoặc tiêu thụ khu vực ĐBSCL thì đếm trên đầu ngón tay. Bên cạnh DNTN Cơ khí Sông Hậu của ông Tăng Hồng có thể kể thêm Cơ khí Thế Dân, Trí Tuệ hoặc Công ty CP Dược Hậu Giang. Nhìn cả ĐBSCL, ngoài doanh nghiệp cơ khí tư nhân Bùi Văn Ngọ chuyên sản xuất  dây chuyền xay xát gạo thì các doanh nghiệp tư nhân khác chưa trở thành ngành mũi nhọn như mong muốn. Trong các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cũng như các tỉnh ĐBSCL chưa có doanh nghiệp công nghệ cao.

Mấy chục năm qua, thu hút đầu tư nước ngoài được công nghệ gì?

Công nghệ thấp, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều diện tích đất và nhiều lao động phổ thông, suất tiêu hao nhiên liệu cao. Mức lương của công nhân thấp, bình quân 2 - 5 triệu đồng/tháng; các chế độ, chính sách về bảo hiểm y tế, xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, các tiêu chuẩn và phúc lợi xã hội khác cho người lao động cũng thấp như thiếu nhà ở công nhân, khu vui chơi, giải trí.

Theo ông bây giờ có thể thay đổi?

Khi chúng ta hiểu vấn đề thì không còn cách nào thay đổi hoặc điều chỉnh được, điển hình như giá thuê đất, công nghệ thấp sử dụng nhiều năng lượng, nước sạch, gây ô nhiễm môi trường. Hiện điện và nước vẫn còn phải trợ giá một phần; chờ đến khi nền kinh tế chuyển hẳn sang thị trường thì họ đã thu hồi hết vốn, vòng đời dự án đã kết thúc.

Coi trọng doanh nghiệp

Thế nào là đột phá, thưa ông?

Trước tiên, phải quan tâm đến doanh nghiệp nước nhà. Điều quyết tử nhất của một quốc gia là gieo mầm, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển những cá nhân, doanh nghiệp có công nghệ cao, cả doanh nghiệp tư nhân và nhà nước. Sẽ rất sai lầm và phiến diện nếu không coi những cá nhân, doanh nghiệp là tài sản quốc gia vì đây là nền tảng vững chắc của một nước.

Theo ông vùng nông nghiệp quốc gia cần chú trọng lĩnh vực nào?

Nên tiếp tục phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy hải sản, đặc biệt là ngành công nghiệp bao bì theo hướng thân thiện với môi trường. Lập dự án sử dụng vốn ưu đãi của quỹ đầu tư và phát triển để nhập các công nghệ của các nước tiên tiến, thay thế công nghệ hiện tại đã lỗi thời, lạc hậu.

Có cần phát triển công nghiệp nặng không, thưa ông?

Không nên phát triển công nghiệp nặng, chế tạo, công nghiệp nguồn mà nên tập trung đi theo hướng công nghiệp hàng tiêu dùng, gia công, lắp ráp, may mặc, v.v... Có thể nhập thép, phôi chất lượng cao, hóa chất cơ bản của các nước tiên tiến để gia công, sản xuất những chi tiết cho các tập đoàn đa quốc gia mà ta thường gọi là sản phẩm phụ trợ. Đẩy mạnh phát triển mạnh công nghiệp đóng xà lan, tàu sắt, gỗ, composite có trọng tải trung bình và vừa với công suất từ 100 - 1.000 tấn.

Nhiều năm qua, các địa phương đã hoạch định sản phẩm cơ khí mũi nhọn mà kết quả bây giờ gần như con số không?

Bây giờ cần giao doanh nghiệp hoạch định sản phẩm công nghiệp cho địa phương, kể cả việc chọn công nghệ, giải pháp kỹ thuật. Ngành cơ khí thì giao cho Hiệp hội Đúc và Luyện kim.

Các nước tiên tiến như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc có luật chuyển giao công nghệ ra nước ngoài. Chính phủ Nhật Bản chỉ cho phép doanh nghiệp chuyển giao các sản phẩm sản xuất ra nước ngoài như xe ô tô các loại, máy giặt, máy lạnh, máy tính… không quá 58% chi tiết trong tổng số chi tiết để lắp hoàn chỉnh một sản phẩm.

Lâu nay, chúng ta có bệnh thành tích; khi được khen là rất vui vẻ, thích thú, còn khi bị chê thì lấy làm khó chịu, thành kiến, định kiến nên không làm được việc gì thật sự khoa học.

MỚI - NÓNG