Báo động karaoke

0:00 / 0:00
0:00
TP - Quán karaoke ở Thuận An (Bình Dương) thời điểm xảy ra hỏa hoạn có khoảng 60 khách và nhân viên, thì bị chết cháy đến hơn một nửa, tới 32 người. Con số thiệt hại về nhân mạng khi đang vui vẻ ca hát ngang với một trận đánh lớn thời chiến tranh.

Đến lúc này, sau chỉ đạo khẩn của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, các địa phương cả nước mới rùng rùng tổng kiểm tra lại mạng lưới karaoke, vũ trường, quán bar trên địa bàn mình. Để rồi nhận ra hầu như quá nửa số này không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy!

Karaoke hiện là phương tiện chủ yếu giúp người Việt giải tỏa áp lực đời sống. Không ra ngoài ngao du thiên nhiên như người ta, mà thường chúi mặt vào bia rượu. Để rồi hát. Vừa hát vừa bia bọt. Hát ở nhà, vỉa hè bằng loa kéo. Và tập trung ở karaoke.

Thực ra bản thân karaoke hay chuyện hát hò không có tội tình gì. Mà là cách điều hành, quản lý, giám sát loại hình kinh doanh này mới thực sự đang báo động đỏ.

Vụ thảm kịch karaoke ở Bình Dương đã được khởi tố để điều tra những vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Kết luận chính thức rồi sẽ có, nhưng không ít câu hỏi đang được dư luận đặt ra. Đó là, nếu như ngành chức trách địa phương đã khẳng định, rằng thiết kế về PCCC cũng như trang bị phương tiện, hệ thống PCCC của cơ sở kinh doanh này đã được nghiệm thu, đảm bảo quy định, và thường xuyên được kiểm tra, thì hành vi phạm tội thuộc về ai?

Vì nhân viên không phát hiện cháy kịp thời? Vì điện chập? Do khách hát dù được báo cháy vẫn “chốt cửa phòng hát tiếp”(?!) như phát biểu của đại diện công an địa phương tại buổi họp báo, rồi sau đó được đính chính lại, là “chốt cửa phòng vệ sinh”? Hay là do quá nhiều vật liệu dễ cháy, biển bảng quảng cáo bít bùng xung quanh? Những vật liệu này, sự bít bùng không lối thoát này có thuộc diện kiểm duyệt cấp phép của cơ quan phòng cháy chữa cháy không? Luật và quy định về phòng cháy, chữa cháy có cần phải điều chỉnh bổ sung gì không, sau hàng loạt những thảm kịch đến từ lửa, không chỉ với karaoke, mà kể cả những chung cư cao cấp, cho đến mỗi nhà dân?

Nhớ lại ngày này 11/9 của 21 năm trước, tòa tháp đôi khổng lồ ở Mỹ bao trùm lửa khói, hoảng loạn, những thân người rơi như lá rụng. Đó đương nhiên là thảm họa bất khả kháng do những kẻ khủng bố với động cơ đê hèn gây ra.

Còn những cái chết thảm vì bị thiêu cháy giữa cuộc sống bình thường này không thể đổ lỗi cho lý do bất khả kháng nào. Từ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cấp phép, giám sát lĩnh vực cháy nổ, đến việc sợ chết, ý thức tự cứu mình, bảo toàn tính mạng tài sản của từng chủ cơ sở kinh doanh đến mỗi người dân.

Nhưng rồi, hỏa hoạn vẫn xảy ra khắp nơi, cướp đi biết bao sinh mạng mà chẳng thấy bài học xương máu nào được rút ra, vụ sau lặp lại y hệt vụ trước. Thì, có lẽ phải nhận ra thêm một điều rằng, với nhiều người chết cũng chẳng có gì ghê gớm!

MỚI - NÓNG