Báo động bạo lực gia đình bùng phát: Vì sao cái ác trỗi dậy?

Đối tượng Nguyễn Văn Đông (trái) và Bùi Xuân Hồng
Đối tượng Nguyễn Văn Đông (trái) và Bùi Xuân Hồng
TP - Theo nhiều chuyên gia, một phần nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực gia đình, thậm chí án mạng là do đạo đức  suy đồi, phần khác bắt nguồn từ sự thờ ơ của các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội.

Xuất phát từ mâu thuẫn đất đai không được giải quyết triệt để, sáng 1/9, ông Nguyễn Văn Đông (SN 1966, trú xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội) vác dao bầu sang truy sát cả gia đình người em ruột là Nguyễn Văn Hải (SN 1969, ở sát nhà Đông). Hậu quả, ông Hải cùng vợ và 2 người khác tử vong, trong đó có cháu bé 14 tháng tuổi. Theo lời khai ban đầu, Đông định chỉ chém em dâu và cháu ruột là Doãn Thị Việt (SN 1971) và Nguyễn Văn Hiệp (SN 1993) nhưng do không kiềm chế được bản thân nên đã gây ra vụ thảm án. Đông định tự tử nhưng không thành.

Chiều tối 14/9, ông Bùi Xuân Hồng (SN 1958, trú tại phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đi xe đạp tới nhà em gái là Bùi Thị Hà (SN 1959, ở phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên) để đòi món nợ 3,6 tỷ đồng. Khi rời nhà, ông này mang theo dao nhọn trong túi quần, dao bầu, súng có 3 viên đạn và chai xăng cất trong bao đựng vợt cầu lông. Trong lúc nói chuyện, ông Hồng bất ngờ rút dao đâm Nguyễn Thành Vương (SN 1981, con rể bà Hà) gục tại chỗ. Thấy con rể bị tấn công, bà Hà cùng chồng là Nguyễn Văn Thành (SN 1954) lao vào ngăn cản và bị ông Hồng dùng dao đâm. Hậu quả, vợ chồng bà Hà tử vong, anh Vương nhập viện.

Ngoài tranh chấp tài sản, người trong gia đình còn có thể  lấy mạng nhau chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt. Chỉ vì bất đồng quan điểm trong việc mang điếu cày lên chùa cúng 49 ngày cho bố, hai anh em Nghiêm Văn Thắng (27 tuổi ở Thái Bình) và Nghiêm Văn Thành (20 tuổi) xảy ra cãi vã, đánh nhau. Trong lúc nóng giận, Thành lấy dao đâm chết anh mình.

Chỉ vì vợ di chuyển tivi trong phòng khách sang phòng ngủ mà Nguyễn Xuân Vinh (SN 1987, ở Hà Nội từng là người dạy võ) đã thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ, trong khi cô này đang bế con nhỏ hai tháng tuổi. Chưa dừng lại đó, Vinh liên tục nhắn tin đe dọa, đòi đốt cả gia đình vợ. Theo lời nạn nhân, đây không phải lần đầu tiên hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn.

Ðạo đức xuống cấp…

Trung tá - TS Hà Thị Hồng Lan - PGĐ Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm trực thuộc Viện Khoa học Cảnh sát - Học viện Cảnh sát nhân dân, nhận định nhiều vụ án xảy ra không hẳn do bộc phát mà do mâu thuẫn âm ỉ từ lâu, khi tới đỉnh điểm mà không được giải quyết thì biến thành hành động dã man, bất chấp luân thường đạo lý, quy định của pháp luật.

“Những vụ việc trên phản ánh thực tế hiện nay đạo đức xã hội đang bị xuống cấp ở một bộ phận nhất định. Sự xuống cấp này bắt nguồn từ nhận thức còn hạn chế, không có kiến thức, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống. Thêm vào đó, một phần tác động của cuộc sống thực dụng, đạo đức tình cảm bị lu mờ, nhường chỗ cho lối sống thực dụng, vì vật chất, tiền bạc, sẵn sàng phủ nhận đạo đức, tình cảm gia đình cũng như lề lối phong tục tập quán, tình nghĩa yêu thương của gia đình từ trước đến nay”, TS Lan nói.

Theo TS Lan có vụ án xảy ra một phần do lỗi của nạn nhân - những người có lối hành xử không đúng, hoặc có kỹ năng ứng xử trong gia đình rất yếu dẫn đến nhận thức lệch lạc về pháp luật, cuộc sống...

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên Đội trưởng Đội Thanh tra Pháp luật, PC01 - Công an Hà Nội, cho rằng,  nguyên nhân còn là sự thờ ơ của các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội. Như trong vụ án xảy tại Đan Phượng, mâu thuẫn giữa hung thủ và gia đình em trai đã âm ỉ từ lâu, họ từng đưa nhau lên chính quyền giải quyết, nếu những thành viên trong gia đình và chính quyền địa phương quan tâm, tìm cách hoà giải hiệu quả hơn thì liệu có xảy ra vụ án thương tâm đến vậy?

“Thậm chí là do sự thiếu chủ động và kém hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ của các cơ quan chức năng nên khi con người rơi vào hoàn cảnh bế tắc trong giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn về tiền bạc, tài sản… mà dẫn đến những hành động mất nhân tính”, ông Hùng nói.

Trong vụ việc người chồng đánh vợ dã man trước mặt con tại Long Biên (Hà Nội) vừa qua, TS Lan cho rằng, hành vi của người cha cho thấy nhận thức của họ rất hạn chế, thể hiện lối sống  ích kỉ, không nghĩ đến con trẻ.

Bố mẹ chính là tấm gương để trẻ soi vào và môi trường gia đình là nơi đầu tiên đứa trẻ tiếp cận, hằn sâu vào trong tâm trí trẻ suốt đời. Nếu những vụ việc như vậy cứ tiếp diễn trong thời gian dài rất dễ hình thành những phẩm chất, suy nghĩ tiêu cực của trẻ vì môi trường tác động đến tâm lý, tình cảm đầu tiên đến trẻ là gia đình.

“Sự thiếu nghiêm khắc, xuê xoa, hời hợt trong xử lý các hành vi vi phạm như vụ võ sư đánh vợ cũng là mầm mống dẫn đến những mâu thuẫn, hành vi vi phạm pháp luật” , ông Hùng nhận định.

MỚI - NÓNG