Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
Bảo đảm chủ quyền lãnh thổ trong mọi tình huống
> Kiên quyết phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam
> Phối hợp bảo vệ biển, đảo
Ngày 19/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp gỡ, trò chuyện với đại diện Hội truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP Hải Phòng và khẳng định việc Việt Nam luôn chuẩn bị để "bảo đảm chủ quyền lãnh thổ trong mọi tình huống".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trò chuyện cùng đại diện Hội truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP Hải Phòng. Ảnh: Thân Hoàng. |
Gần 20 cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đang sinh sống tại Hải Phòng gửi đến Thủ tướng những tâm tư nguyện vọng về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh đất nước và những ý kiến liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp.
Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao và biết ơn sự đóng góp, hi sinh của các tướng lĩnh quân đội, cựu binh, lão thành cách mạng... trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Thủ tướng khẳng định: “Nếu không có các cuộc chiến tranh vĩ đại như Cách mạng Tháng Tám, chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Điện Biên Phủ trên không... thì không có thành quả của sự nghiệp đổi mới ngày hôm nay. Các thế hệ đi sau sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp, dốc toàn lực xây dựng, phát triển kinh tế đất nước và đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Sáng 11-3, tàu Trung Quốc mang số hiệu 841 có trang bị pháo chạy áp sát uy hiếp tàu QNg 96679 của ngư dân Bùi Tấn Thành tại khu vực đảo Lin Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN. |
Ngư dân Huỳnh Quang Vũ đến Đồn biên phòng cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) trình báo việc tàu Trung Quốc gây khó . |
Tàu Trung Quốc 1239 có trang bị pháo đang áp sát tàu của ngư dân Lý Sơn . |
Tàu hải giám Trung Quốc rượt đuổi tàu ngư dân VN trên vùng biển Hoàng Sa - Ảnh trích từ clip của Bùi Văn Chiến - Trà Giang. Tân Hoa Xã. |
Về tình hình biển Đông, Thủ tướng cho biết Đảng và Nhà nước vẫn không ngừng nỗ lực đấu tranh ngoại giao để bảo đảm chủ quyền quốc gia trên biển đảo. Việt Nam đã làm mọi việc để đấu tranh một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời luôn chuẩn bị để bảo đảm chủ quyền lãnh thổ trong mọi tình huống.
Cũng tại buổi gặp gỡ, đại diện Hội truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP Hải Phòng kiến nghị Chính phủ nghiêm khắc xử lý một số người lợi dụng việc đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp để yêu cầu xóa điều 4 Hiến pháp. Trao đổi với các cựu chiến binh, Thủ tướng nhấn mạnh việc góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp là để kêu gọi, tạo điều kiện cho người dân đóng góp trí tuệ, công sức... qua đó Đảng và Nhà nước chân thành tiếp thu trên tinh thần cầu thị để có được bản Hiến pháp tiên tiến phù hợp với điều kiện xã hội Việt Nam và hợp ý Đảng lòng dân. Đồng thời Thủ tướng cũng khẳng định: “Hơn lúc nào hết chúng ta đang cần sự đoàn kết toàn Đảng, toàn dân. Hơn lúc nào hết chúng ta đang cần sự ổn định xã hội... để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng”.
Trước đó vào sáng cùng ngày, Thủ tướng đã dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng mở rộng khu bay cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
Đề nghị Trung Quốc không cản trở ngư dân Việt Nam Ngày 19/3, Ủy ban Biên giới quốc gia Việt Nam đã lên tiếng trước một số động thái gần đây của Trung Quốc trên biển Đông và một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cụ thể, Trung Quốc vừa phê duyệt thành lập đài phát thanh và truyền hình “Tam Sa” và đài truyền hình vệ tinh “Tam Sa”; cử biên đội tàu hải giám 83 cùng trực thăng hải giám B-7103, các tàu hải giám 262 và 263 tiến hành tuần tra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, xua đuổi tàu cá Việt Nam (số hiệu QNg96417TS và QNg96382TS) đang hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp tại khu vực này. Gần đây nhất, Trung Quốc cử tàu khảo sát khoa học nghề cá Nam Phong đến điều tra tài nguyên nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo Ủy ban Biên giới quốc gia, các hoạt động nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam. “Việt Nam một lần nữa bác bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa” và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không có hành động cản trở hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp của các tàu cá và ngư dân Việt Nam” - đại diện ủy ban này cho biết. Trong những ngày qua, Trung Quốc liên tục có những động thái đơn phương xâm lấn biển Đông, bất chấp phản ứng và quan ngại của các nước xung quanh. Ngày 18/3, chính quyền tỉnh Hải Nam tuyên bố trong năm 2013 họ sẽ thành lập đài truyền hình vệ tinh Nam Hải và phát hành Nhật Báo Tam Sa. Đài truyền hình vệ tinh này, như Nhật Báo Trung Quốc cho biết, sẽ phát sóng các chương trình phát triển kinh tế cũng như các vấn đề liên quan đến môi trường biển của tỉnh Hải Nam để phục vụ binh lính và cư dân ở “thành phố Tam Sa”. Còn Nhật Báo Tam Sa sẽ chuyên đưa tin về tiến độ xây dựng, phát triển kinh tế ở “thành phố Tam Sa”, thành phố mà Trung Quốc đã thành lập trái phép từ tháng 7-2012, bất chấp phản ứng của Việt Nam và các nước xung quanh. Một ngày trước đó, Trung Quốc cũng đưa tàu khảo sát khoa học ngư nghiệp Nam Phong đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam để thực hiện trái phép việc “đánh giá và điều tra nguồn tài nguyên ngư nghiệp ở biển Đông”. Nam Phong là tàu do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo với tải trọng 1.500 tấn, được xem là tàu khảo sát ngư nghiệp lớn nhất châu Á. Tàu được trang bị các thiết bị tiên tiến như hệ thống định vị dưới nước nhằm thăm dò đáy biển và cung cấp thông tin chi tiết về số lượng, chủng loại, kích cỡ của các đàn cá dưới độ sâu hàng ngàn mét ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
Theo Tuổi Trẻ