Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Plos One hôm 12/12 kết luận người cổ đại có thể sử dụng tơ tằm từ 8.500 năm trước, sớm hơn so với nhận định trước đây là 5.000 năm, theo Live Science.
Bí quyết tạo ra tơ được tìm thấy lần đầu tiên ở Trung Quốc. Theo truyền thuyết nước này, vợ của Hiên Viên hoàng đế, trị vì từ năm 2698-2599 trước Công nguyên, làm rơi kén tằm vào tách trà. Bà sau đó phát hiện cái kén có thể kéo thành sợi dài khoảng một kilomet.
Các nhà khoa học gần đây quyết định nghiên cứu tàn tích 9.000 năm tuổi ở khu di chỉ Giả Hồ, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc để tìm hiểu thêm về nguồn gốc của tơ.
"Truyện cổ kể rằng việc nuôi tằm, dệt lụa bắt đầu ở quanh khu vực này", Decai Gong, nhà khảo cổ học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Nhiều nghiên cứu trước đây cũng nhận định khí hậu ấm áp và ẩm ướt ở Giả Hồ thích hợp để cây dâu tằm phát triển. Lá của nó là nguồn thức ăn chính cho loài tằm.
Kết quả phân tích mẫu đất từ ba ngôi mộ 8.500 năm tuổi ở đây cho thấy có dấu hiệu của protein tơ trong mộ. "Đây là bằng chứng lâu đời nhất về sự xuất hiện của tơ lụa ở Trung Quốc cổ đại", ông Gong trả lời Live Science.
Nhóm nghiên cứu cho rằng chủ nhân của ngôi mộ có thể được chôn với quần áo lụa. Ngoài ra, họ cũng tìm thấy nhiều chiếc kim làm từ xương và công cụ dệt trong khu vực. Theo ông Gong, đây là bằng chứng chứng minh kỹ năng dệt may cơ bản của người dân ở Giả Hồ.