Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng:

“Bán vốn Nhà nước phải công khai, chống lợi ích nhóm”

Tới đây, quá trình bán vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp sẽ diễn ra mạnh mẽ. Ảnh: TL.
Tới đây, quá trình bán vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp sẽ diễn ra mạnh mẽ. Ảnh: TL.
TP - Chính phủ đã quyết định thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp Nhà nước lớn; Thủ tướng cũng chỉ đạo trong phiên họp vừa qua, “Chính phủ không đi bán bia, bán sữa, lĩnh vực nào DN tư nhân làm tốt hơn thì để cho họ làm”. Câu chuyện thoái vốn DNNN đã tới hồi quyết liệt nhưng làm sao để thoái vốn có trật tự, công khai, minh bạch và chống lợi ích nhóm, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thẳng thắn chia sẻ.

Nhà nước cần rút vốn một cách trật tự

Cổ phần hóa và bán vốn nhà nước là vấn đề được Nhà nước chú trọng và nhân dân quan tâm. Khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong quá trình thoái vốn tại một số DNNN thời gian qua là gì khiến kết quả không đạt như mong muốn, thưa Bộ trưởng?

Thời gian qua, với sự chỉ đạo và triển khai quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN đã có những chuyển biến tích cực biểu hiện rõ nét qua các điểm: thể chế chính sách ngày càng được hoàn thiện, quá trình cổ phần hóa được đẩy mạnh. Giai đoạn 2011-2015 đã cổ phần hóa gần 500 DNNN, đạt trên 92% kế hoạch; thoái vốn nhà nước đầu tư tại DN thu về trên 21 ngàn tỷ, đạt gần 1,4 lần giá trị đầu tư.

Về số lượng cơ bản là được nhưng chất lượng chưa đảm bảo lắm. Ví như dư luận nói DN sau khi đã cổ phần hoá phải chuyển về SCIC gắn với đó là quá trình thúc đẩy niêm yết, tuy nhiên không phải tất cả bộ ngành, địa phương cơ quan chủ quản đã làm tốt, từ đó dẫn đến những nghi ngờ  thiếu minh bạch.

Ngoài ra, quá trình cổ phần hóa còn chậm so với mục tiêu kế hoạch đề ra do vướng mắc như: Kinh tế thế giới phục hồi chậm ảnh hưởng đến sức cầu của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán (TTCK)…

Nhiều DN sau cổ phần hóa không niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu trên TTCK dẫn đến hạn chế tính công khai, minh bạch và đổi mới quản trị... Nhận thức một bộ phận cán bộ đặc biệt là lãnh đạo DN về chủ trương tái cơ cấu còn e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa.

Chính phủ đã quyết định thoái vốn khỏi 10 DNNN; Thủ tướng cũng chỉ đạo trong phiên họp gần đây,“Chính phủ không đi bán bia, bán sữa, lĩnh vực nào DN tư nhân làm tốt hơn thì để cho họ làm”. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông nghĩ sao về vấn đề thoái vốn của SCIC tại các DN như Vinamilk, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh… Có dư luận cho rằng SCIC từng không muốn “buông” quyền nắm giữ?

Trước nhu cầu của thị trường, việc thoái vốn Nhà nước phải quyết liệt nhưng cũng cần có kế hoạch và trật tự. Việc thoái vốn tại 10 doanh nghiệp do SCIC nắm giữ như:  Vinamilk, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh… là phù hợp với chủ trương của Chính phủ về việc thoái vốn nhà nước tại các DN hoạt động trong ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ. Vấn đề này, SCIC đã chủ động báo cáo đề xuất với Bộ Tài chính và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lộ trình, phương thức thoái vốn tại 10 DN nêu trên.

Điểm nhấn của lần bán vốn Nhà nước này, như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, phải thực hiện theo quy định của pháp luật, thông lệ thị trường, bảo đảm minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước. 

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

Ví như hiện đã có lộ trình với Vinamilk là sẽ bán bao nhiêu, giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước thế  nào. Điểm nhấn của lần bán vốn này như Thủ tướng đã chỉ đạo, phải thực hiện theo quy định của pháp luật, thông lệ thị trường, bảo đảm minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước. Điều quan trọng, việc bán cổ phần của các công ty này phải được chào bán công khai trên thị trường để đạt hiệu quả cao nhất (cần thiết SCIC phải tổ chức cả rowshow như phát hành trái phiếu nếu cần).

Vừa rồi Thủ tướng đã giao, sắp tới có thể đấu giá lô công khai tránh tâm lý e dè trên thị trường. Nhiều khi nhà đầu tư họ chọn mua và chấp nhận giá cao vì thương hiệu. Vinamilk là một thương hiệu tốt nên càng cần công khai. Với 9 DN còn lại cũng thế.

Tựu trung, những DN có vốn nhà nước dự kiến thoái vốn trong thời gian tới đều là các DN lớn trong một ngành sản xuất, vì vậy khi Nhà nước thoái vốn cần có lộ trình phù hợp đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp và ổn định thị trường; hay nói cách khác, Nhà nước rút vốn khỏi DN một cách có trật tự.

“Bán vốn Nhà nước phải công khai, chống lợi ích nhóm” ảnh 1

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Thoái vốn Habeco, Sabeco để làm gì?

Ngoài 10 DN đã nằm trong danh sách từ cuối 2015, Chính phủ vừa quyết định đưa thêm 2 DN “khủng” là Habeco và Sabeco vào diện thoái vốn với ước tính sẽ thu về hàng chục ngàn tỷ. Cộng với 10 DNNN trên,  hứa hẹn ngân sách sẽ có khoản thu trông thấy để chi dùng. Nhưng cũng có ý kiến”không nên bán tài sản để đưa vào cân đối chi ngân sách”, quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?

Sabeco và Habeco là DN hoạt động trong ngành, lĩnh vực không thuộc diện nhà nước nắm giữ, do đó, việc thoái vốn nhà nước tại các DN này là cần thiết, phù họp với chủ trương của Chính phủ. Vừa qua, Thủ tướng đã có chỉ đạo về phương án thoái vốn, theo đó phải tiến hành niêm yết các DN này  trên TTCK trước khi bán vốn nhà nước để bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm có lợi nhất cho nhà nước. Noi chung, cả hai DN này sẽ cùng phương thức bán như 10 DNNN trên.

Về nguồn thu được từ việc thoái vốn, tiền thu về chắc chắn sẽ được sử dụng theo quy định của Chính phủ. Một phần sẽ được đầu tư trở lại các DN mà Nhà nước xác định cần nắm giữ theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN. Một phần khác sẽ được đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước để chi cho đầu tư phát triển theo đúng quy định của Luật NSNN.

Hay bổ sung cho chi đầu tư phát triển một số công trình quan trọng, có ý nghĩa lớn về xã hội như ‘’Gói 20 ngàn tỷ chống quá tải” cho 5 bệnh viện tuyến tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; bổ sung vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, hay hỗ trợ vốn dự án chống biến đổi khí hậu...

Câu chuyện bán vốn tới đây phải làm mạnh hơn căn cứ vào tiêu chí có những lĩnh vực đầu tư quan trọng của xã hội thì Nhà nước làm. Tới đây, sẽ xây dựng tiêu chí sắp xếp thu hẹp doanh nghiệp Nhà nước; Chính phủ cũng sẽ có cái nhìn tổng thể hơn về đầu tư và quản lý vốn.

Nhân nói về thoái vốn và quản lý vốn DNNN sau cổ phần hoá,  xin Bộ trưởng đánh giá về vai trò, hoạt động và hiệu quả của Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)? Với tư cách là Bộ ngành “coi sóc” việc quản lý vốn Nhà nước, trong đó có SCIC, Bộ trưởng thấy cần tăng cường năng SCIC thế nào để có lợi cho nền kinh tế và doanh nghiệp?

Qua 10 năm hoạt động, với kết quả trong tiếp nhận, tái cơ cấu và quản trị doanh nghiệp, bán vốn...tại gần 1.000 DN, SCIC góp phần quan trọng đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước từ cơ chế hành chính sang phương thức đầu tư, kinh doanh vốn tiên tiến.

Mô hình hoạt động SCIC cũng khẳng định tính đúng đắn, phù hợp với thông lệ quốc tế và đã từng bước là công cụ đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả tái cơ cấu DNNN, trong đó SCIC đã thực hiện được mục tiêu tách chức năng quản lý hành chính nhà nước với chức năng quản lý của chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại DN, thúc đẩy hiệu quả việc đổi mới quản trị DN tại các DN thuộc SCIC theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra.

Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, phát huy vai trò của SCIC là công cụ đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu DNNN; cần tiến hành đánh giá về kết quả triển khai Kết luận số 78-KL/TW ngày 26/7/2010 của Bộ Chính trị về Đề án “Tiếp tục củng cố, phát huy vai trò của SCIC”, qua đó khẳng định tính đúng đắn và chủ trương tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực, phát huy hiệu quả của mô hình SCIC trong thời gian tới.

Theo đó, SCIC sẽ là đầu mối thống nhất thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DNNN hoạt động kinh doanh bao gồm cả các Tập đoàn, Tổng công ty sau cổ phần hóa với nguyên tắc kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

Theo quy định của pháp luật, việc niêm yết trên TTCK là bắt buộc đối với các DNNN sau khi cổ phần hóa.  Trước việc nhiều DN sau khi hoàn thành cổ phần hóa trì hoãn không niêm yết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung chế tài xử lý hành chính đối với các DNNN sau cổ phần hóa không hoặc chậm thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 108/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán). Theo Bộ Tài chính, cổ phần hóa gắn với niêm yết trên TTCK sẽ giúp DN hoạt động công khai minh bạch và đổi mới quản trị DN theo thông lệ tiên tiến; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục thoái vốn nhà nước tại DN.

MỚI - NÓNG