Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định hỗ trợ 284,5 tỷ đồng cho 19 địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2015 để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân năm 2014 - 2015 và vụ Hè Thu năm 2015. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ trên thực hiện theo quy định hiện hành. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin và số liệu báo cáo.
Chiều 2/11, một trận mưa lớn kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ khiến hàng loạt các tuyến đường trên địa bàn TPHCM ngập sâu trong nước. Nhiều nơi kẹt xe kéo dài hàng km khiến các phương tiện đứng chôn chân nhiều giờ liền. Vietnam Airlines cho biết, do ảnh hưởng của trận mưa dông lớn, 22 chuyến bay của Vietnam Airlines đã bị ảnh hưởng trực tiếp và ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều chuyến bay khác. Sau khi hết mưa dông, các chuyến tiếp theo đến và đi Tân Sơn Nhất cũng tiếp tục bị ảnh hưởng do tình trạng ngập đường, tắc đường vào sân bay cũng như trùng vào thời gian cao điểm cất/hạ cánh tại sân bay. (Xem chi tiết)
Ngày 2/11, tuyến xe buýt Tam Kỳ - Hiệp Đức (Quảng Nam) đã tạm ngừng hoạt động vì giữa Cty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam và đội tài xế, phụ xe bất đồng ý kiến trong các điều khoản của hợp đồng giao khoán, chế độ bảo hiểm… Tháng 8 vừa qua, tuyến xe buýt này được chuyển qua cho Cty CP Đầu tư phát triển hạ tầng, tuy nhiên sau 2 tháng hoạt động, mới đây Cty này đã tổ chức họp và yêu cầu chủ quản lý xe phải đóng nhiều khoản tiền mà họ cho là vô lý và quá sức nên không chấp nhận thì liền bị công ty “cấm” hoạt động bằng việc không cấp lệnh cho phép xuất bến. (Xem chi tiết)
Ngày 2/11, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Mỹ sẵn sàng hỗ trợ cuộc điều tra vụ máy bay Airbus A-321 của hãng hàng không Nga Kogalymavia bị rơi ở Ai Cập hồi cuối tuần qua. Hôm 31/10, máy bay xấu số của hãng hàng không Kogalymavia đã rơi tại bán đảo Sinai của Ai Cập, toàn bộ 224 người trên máy bay được xác nhận đã thiệt mạng trong một vụ thảm họa hàng không dân dụng lớn nhất trong lịch sử nước Nga.
Việc IS tuyên bố đứng sau vụ máy bay Nga rơi tại Ai Cập làm bùng lên nỗi lo Moscow bị trả thù vì chiến dịch không kích tại Syria. Ngay từ khi chiến dịch không kích của Nga tại Syria mới được khởi động, giới chuyên gia đã cho rằng Tổng thống Vladimir Putin mạo hiểm khi làm vậy, vì nó có thể kích động các chiến binh trả thù bằng cách tấn công các mục tiêu Nga hoặc trên đất Nga. Nếu vụ rơi máy bay tại Ai Cập được kết luận là do khủng bố trả thù, điều đó có thể khiến công chúng Nga phản đối chiến dịch quân sự của Moscow tại Syria. (Xem chi tiết)
Ngày 2/11, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov thông báo, máy bay của Không quân Nga đã phá hủy hầm ngầm trú ẩn dưới lòng đất và trận địa pháo phòng không của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở tỉnh Homs, miền Trung Syria. Tướng Konashenkov nêu rõ: "Tại khu vực Tadmor ở tỉnh Homs, chiến đấu cơ Su-25 đã giáng đòn tấn công vào cứ điểm kiên cố của IS. Kết quả là bom đã ném trúng, phá hủy khu công sự và hầm ngầm trú ẩn dưới lòng đất, cũng như trận địa pháo của bọn khủng bố, nơi chúng đặt hai dàn pháo tự hành ZSU-23".
Phe nổi dậy áp dụng những chiến thuật mới chống lại quân đội chính phủ Syria, khiến cuộc chiến có nguy cơ kéo dài và trở nên khốc liệt hơn. Các chuyên gia phân tích cảnh báo rằng mặc dù được sự yểm trợ hỏa lực của Nga từ trên không và sự hậu thuẫn rất lớn của Iran trên mặt đất, những gì mà quân đội chính phủ Syria thu được từ chiến dịch này là quá ít so với quy mô của nó, nhất là khi phe nổi dậy đã áp dụng những chiến thuật mới để kháng cự. Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở London, gần đây, phe nổi dậy đã chiếm lại được một số vị trí, và rất nhiều binh sĩ quân đội chính phủ đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh. (Xem chi tiết)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Hàn Quốc Han Min-koo ngày 2/11 thúc giục CHDCND Triều Tiên ngừng ngay các hoạt động liên quan chương trình hạt nhân và tuyên bố sẽ không dung thứ cho bất cứ hành động khiêu khích nào của Bình Nhưỡng. Mỹ và Hàn Quốc cho rằng, hành động nguy hiểm của Triều Tiên tiếp tục là mối đe dọa đối với an ninh trên bán đảo Triều Tiên và khu vực. Trong cuộc họp báo, ông Carter nhắc tới căng thẳng giữa hai nước mới đây và vụ tấn công tàu hải quân Hàn Quốc năm 2010. Triều Tiên luôn bác bỏ việc dính líu vụ bắn chìm tàu Cheonan mà Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng là thủ phạm. (Xem chi tiết)
Lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản hôm qua đồng ý đẩy nhanh đàm phán giải quyết vấn đề nô lệ tình dục thời chiến để sớm đạt được đột phá, mở ra triển vọng cải thiện quan hệ song phương sau nhiều năm băng giá. Theo các nhà quan sát, bà Park có vẻ đang gây sức ép để ông Abe đưa ra lời xin lỗi thích hợp về những hành động của quân đội Nhật trong quá khứ để tạo nền tảng xây dựng quan hệ song phương hướng về tương lai. (Xem chi tiết)