Chỉ trong vòng 2 giờ từ khi thông báo thủy điện xả lũ, hàng trăm hecta lúa ở các cánh đồng hạ du sông Bồ trắng xóa nước. Lãnh đạo đài khí tượng thủy văn khẳng định thủy điện xả với lưu lượng quá lớn. Đến ngày 30/3, đã 4 ngày đêm kể từ khi cơn lũ bất ngờ ập về nhưng cánh đồng lúa ở các xã Quảng Vinh, Quảng Thọ, Quảng An và thị trấn Sịa của huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn ngập nước. Hiện chưa thể thống kê được thiệt hại về lúa do huyện đang tập trung cứu 232 ha lúa bằng biện pháp tập trung bơm tiêu úng. Trong đó, 213 ha có khả năng cứu được nhưng sẽ giảm 30%-40% năng suất, số còn lại có nguy cơ mất trắng.
Một vụ động đất lại vừa xảy ra ngày 30/3 tại huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế), nâng tổng số trận động đất tại đây lên 5 lần kể từ đầu năm 2014. Theo tin từ Viện Vật lý địa cầu cho biết, lúc 10h29’5’’ngày 30/3/2015, tại huyện A Lưới đã xảy ra động đất 2,2 độ richter. Hiện chưa có thông tin cụ thể từ chính quyền địa phương huyện A Lưới về ảnh hưởng của trận động đất này. Tuy nhiên người dân cho rằng việc liên tiếp xảy ra động đất ở đây cần có sự quan tâm, sát sao hơn của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, bởi đây chắc chắn là một điều bất thường.
Ngày 30/3, Người phát ngôn Cơ quan Phát triển Nhân lực thuộc Bộ Lao động Đài Loan (Trung Quốc) Tsai Meng-liang cho biết, có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm tuyển dụng các giúp việc gia đình, trong đó có hộ lý và lao động ngư nghiệp đến từ Việt Nam. Trước đó, Đài Loan từng hai lần ra lệnh cấm tuyển dụng lao động người Việt trong năm 2004 và 2005 nhằm hạn chế số lượng người trốn việc và trở thành những người nhập cư trái phép. Hiện Đài Loan đang thuê khoảng 20.000 giúp việc gia đình và 110.000 công nhân người Việt.
Người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, ông Alexander Zakharchenko ngày 30/3 đã ban bố sắc lệnh yêu cầu tất cả những đối tượng không thuộc các cơ quan sức mạnh của DPR giao nộp vũ khí từ nay tới ngày 4/4 nhằm duy trì trật tự và luật pháp. Những người trong thời hạn quy định không giao nộp vũ khí và đạn dược sẽ được xem là thành viên các băng nhóm, theo đó "họ sẽ bị giải giáp theo các chiến dịch đặc biệt và phải chịu trách nhiệm hình sự theo luật hiện hành của DPR".
Ngày 30/3, các quan sát viên Phái bộ giám sát đặc biệt (SMM) của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã phát hiện pháo của lực lượng vũ trang Ukraine ở gần thành phố Volnovakha (thuộc khu vực Donetsk). Trong báo cáo đăng tải trên website của mình, SMM cho biết đã phát hiện 5 pháo tự hành MSTA-S vi phạm thỏa thuận Minsk mà phía Ukraine không thông báo.
Các Công tố viên Hà Lan cho biết họ đang tìm kiếm các nhân chứng ở miền Đông Ukraine có thể đã nhìn thấy tên lửa Buk do Nga sản xuất, đã bắn hạ máy bay hành khách MH17 của Malaysia Airlines hồi tháng 7/2014. Các chính phủ phương Tây và Kiev đã nhiều lần đổ lỗi cho lực lượng ly khai miền Đông Ukraine với sự hậu thuẫn của Nga là nguyên nhân gây nên vụ tai nạn. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ các cáo buộc này, và cho rằng chiếc máy bay hành khách bị hạ bởi tên lửa không-đối-không từ một máy bay chiến đấu Ukraine. (Xem chi tiết)
Các nhà điều tra cho biết, cơ phó chuyến bay rơi ở Pháp, Andreas Lubitz “như sống bên bờ vực thẳm” vì lo sợ sẽ không còn khả năng nhìn bởi chứng bong võng mạc. Chứng bệnh làm cho thị lực của Lubitz suy giảm nặng, chỉ còn 30% so với bình thường. Nếu không điều trị và để lâu có thể dẫn đến mù lòa, Lubitz có thể bị mất việc, tước bằng lái máy bay. (Xem chi tiết)
Ngày 30/3, Công tố viên thành phố Duesseldorf ra thông cáo báo chí về kết quả điều tra các tài liệu liên quan đến cơ phó người Đức Andreas Lubitz, người bị nghi có chủ đích trong vụ tai nạn máy bay A320, cho biết nhiều năm trước đối tượng này đã bị xem là người có nguy cơ tự tử. Từ trước khi nhận được chứng chỉ phi công, trong một thời gian dài, Lubitz đã có biểu hiện muốn tự vẫn và phải trị liệu tâm lý vì điều này.
Ngày 30/3, một máy bay chở khách của hàng không Thổ Nhĩ Kỳ đang trên đường từ Istanbul đến Sao Paulo (Brazil) đã phải hạ cánh khẩn cấp ở Casablanca (Ma Rốc) vì đe dọa có bom. Lời đe dọa được phát hiện trong toilet máy bay với dòng chữ “Bom”, thông báo của hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ cho biết. Chiếc máy bay lập tức phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Casablanca của Ma rốc. Tại đây, một nhóm nhân viên rà soát bom mìn đã đợi sẵn để kiểm tra, nhưng không phát hiện có bom. (Xem chi tiết)
Các nhân viên thực thi pháp luật liên bang Mỹ cho biết sáng 30/3, hai đối tượng đã lao một chiếc xe vào cánh cổng dẫn vào trụ sở Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), nơi được bảo vệ an ninh cực kỳ nghiêm ngặt, buộc cảnh sát phải nổ súng. Vụ việc xảy ra vào sáng 30/3 tại một trong những cổng ra vào của NSA ở Fort Meade (Maryland), song cách khá xa khu văn phòng làm việc. Cảnh sát đã bắn chết một đối tượng, người thứ hai bị thương nặng.