Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đợt không khí lạnh đang tiếp diễn ở miền Bắc những ngày qua sẽ kết thúc vào ngày hôm nay (30/11). Trong những ngày tới, nhiệt độ ở miền Bắc sẽ tăng dần lên 1-2 độ C, nhưng cũng không nóng như thời gian trước. Đến ngày 30/11 và 1/12 nhiệt độ miền Bắc nơi cao nhất khoảng 24-25 độ C. Tuy nhiên, đến ngày 3/12, miền Bắc lại đón 1 đợt không khí lạnh mới với cường độ mạnh và kéo dài hơn. Nhiệt độ ban ngày tại Hà Nội là khoảng 15-16 độ C, một số tỉnh khác khoảng 12-14 độ C. (Xem chi tiết)
Ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ được thông xe toàn tuyến vào ngày 5/12 tới. Đến nay cao tốc Hà Nôi-Hải Phòng đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng 75 km, còn lại khoảng 30 km đã cơ bản hoàn thành. Đoạn tuyến nút giao vành đai 3 (thành phố Hà Nội) đến nút giao Quốc lộ 39 (tỉnh Hưng Yên) còn gói thầu 1B đang hoàn thiện nốt.
Đến tối 29/11, chiếc sà lan bị tàu chở dầu đâm chìm tại khu vực bến phà Bính trên sông Cấm (TP Hải Phòng) vẫn đang được cơ quan chức năng tiến hành trục vớt. Trước đó, khoảng 23h30 đêm 28/11, sà lan của một doanh nghiệp tại tỉnh Ninh Bình do ông Nguyễn Văn Tuấn làm thuyền trưởng chở khoảng 900 tấn clinker đi từ Hải Dương về Quảng Ninh. Khi đến khu vực bến phà Bính trên sông Cấm, sà lan bị tàu chở dầu Hữu Nghị 139 của công ty TNHH TM&DV Hàng hải Senco (có trụ sở tại Quảng Ninh) va phải, chìm tại chỗ.
Cơ quan CSĐT Công an TP Lạng Sơn đang tích cực tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc một học sinh lớp 6 rơi từ tầng 4 của khách sạn Hoàng Vũ (phường Vũ Trại, Tp Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) xuống đất tử vong. Em Phạm Phú P (học sinh lớp 6E, Trường THCS Hữu Lũng (Lạng Sơn) được thầy giáo đưa lên Tp Lạng Sơn tham gia cuộc thi cờ vua của tỉnh. Đến trưa ngày 28/11, khi đang nghỉ tại khách sạn Hoàng Vũ do đùa nghịch với bạn nên em P bất cẩn rơi từ tầng 4 xuống đất và tử vong.
Ngày 29/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi quân đội nước này bắn hạ máy bay Su-24 của Nga hồi tuần trước. Ông Ban Ki-moon đã hối thúc “các nhà lãnh đạo hai nước trước tiên hãy giảm leo thang căng thẳng” trong khi đang chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Ông Ban cho rằng khi “các đối tác trong liên minh nảy sinh căng thẳng và chia rẽ”, điều đó sẽ không có lợi cho việc vận động sự cam kết toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.
Ngày 29/11, Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố rằng các kẻ thù của nước này đã tăng cường cung cấp vũ khí và tài chính cho phe nổi dậy kể từ khi Damascus triển khai đợt tấn công quy mô lớn nhằm giành lại lãnh thổ. Tuy nhiên, ông Assad không nêu đích danh tên các quốc gia này. Trước đó, hôm 28/11, quân đội Syria cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường hỗ trợ vũ khí, đạn dược và trang thiết bị cho các lực lượng mà Damascus coi là khủng bố.
Ngày 29/11, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho hay chính phủ nước này vẫn chưa hội đủ sự ủng hộ từ các nghị sỹ Hạ viện để thông qua kế hoạch oanh kích các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Trả lời Tổ hợp truyền thông Anh (BBC), Bộ trưởng Fallon cho biết ông đã nói chuyện với các nghị sỹ Công đảng đối lập và đang tiếp tục xây dựng cơ sở cho kế hoạch này. Ông cũng thừa nhận kế hoạch sẽ khó được thông qua nếu như Công đảng yêu cầu các nghị sỹ của họ bỏ phiếu phản đối oanh kích tại Syria.
Nhóm phiến quân IS kiếm được hàng trăm triệu USD nhờ bán dầu trên thị trường chợ đen tại Thổ Nhĩ Kỳ, một nghị sĩ Iraq kiêm cựu cố vấn an ninh quốc gia, tiết lộ với hãng tin RT của Nga. Nghị sĩ Iraq khẳng định rằng chắc chắn chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ biết về các hoạt động buôn lậu dầu mỏ. Dầu thô được lọc tại các nhà máy lọc dầu của Thổ Nhĩ Kỳ, trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, và bán ra thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Hoặc dầu sẽ tới Jihan (Thổ Nhĩ Kỳ) và sau đó được đưa vào hệ thống đường ống từ Jihan tới Địa Trung Hải và bán ra thị trường quốc tế. (Xem chi tiết)
Bất chấp những mối lo ngại về an ninh, Giáo hoàng Francis hôm qua lên đường thăm Cộng hòa Trung Phi - chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm 3 nước châu Phi. Người phát ngôn Tòa thánh Federico Lombardi cho biết, kế hoạch tới Cộng hòa Trung Phi của Giáo hoàng không thay đổi, bất chấp tình báo Pháp trước đó cảnh báo nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố đối với người đứng đầu Tòa thánh. (Xem chi tiết)
Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ đã thống nhất về một kế hoạch hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Theo đó, EU nhất trí hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ 3 tỷ euro, đổi lại Ankara có trách nhiệm giảm bớt dòng người tị nạn từ nước này sang các nước EU. Kết quả trên đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ tối 29/11 tại Brussels (Bỉ) với mục tiêu kiểm soát chặt hơn dòng người di cư và tị nạn vào các nước châu Âu hiện nay.