Bán kết U19 Đông Nam Á: Điểm yếu của U19 Việt Nam nằm ở đâu?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo lẽ thường, chúng ta nên nói về đối thủ trước một trận đấu như thế này. Tuy nhiên ở trận bán kết với Malaysia, sẽ hợp lý hơn khi nhìn lại sức mạnh của U19 Việt Nam để biết được rằng, họ nên giành chiến thắng.

Trước trận bán kết U19 Đông Nam Á với Malaysia, HLV Đinh Thế Nam nói rằng ông luôn chuẩn bị cho các cầu thủ không chỉ về chuyên môn, mà cả tâm lý. Như chiến lược gia 57 tuổi cho biết, “vì tuổi đời các cầu thủ còn quá trẻ nên khó tránh khỏi bị tâm lý”, ông “sẽ động viên để các cầu thủ có một trận đấu tốt nhất”.

Bán kết U19 Đông Nam Á: Điểm yếu của U19 Việt Nam nằm ở đâu? ảnh 1

Vượt qua chính mình, việc giành chiến thắng trước U19 Malaysia không phải nhiệm vụ quá khó với U19 Việt Nam

Đây không phải lần đầu tiên HLV của U19 Việt Nam đề cập tới “vấn đề tâm lý”. Trận gặp Thái Lan với áp lực không được để thua, các cầu thủ đã đánh mất chính mình trong nửa đầu hiệp một.

“Các học trò của tôi bước vào trận đấu với trạng thái tâm lý căng cứng, không kiểm soát được trận đấu, chuyền hỏng nhiều, vội vàng”, ông cho biết. Điều này cũng từng xảy ra ở trận mở màn giải đấu với chủ nhà Indonesia, dưới bầu không khí nóng bỏng được tạo ra bởi 3 vạn khán giả tại Patriot Candrabhaga. Theo HLV Đinh Thế Nam, sự căng thẳng là lời giải thích cho màn trình diễn chệch choạc cùng tình trạng bị chuột rút hàng loạt.

Theo thông tin từ VFF, Ban huấn luyện luôn dành một thời lượng lớn trong các buổi họp về phân tích đối thủ, xây dựng chiến thuật, thậm chí bàn cả trong các bữa ăn nhằm giải tỏa áp lực tinh thần cho cầu thủ. Thế nhưng U19 Việt Nam bao gồm nhiều người lần đầu tham dự giải đấu quốc tế, nên tâm lý thiếu ổn định. Có những cầu thủ lo lắng, hồi hộp đến mức mất ngủ.

Vì vậy, điều đáng lo ngại nhất trong trận bán kết không đến từ đối thủ Malaysia, mà chính nội tại U19 Việt Nam. Chúng ta không biết rằng họ sẽ bước ra Patriot Candrabhaga với trạng thái nào. Indonesia đã dừng bước nhưng không loại trừ khả năng người hâm mộ nước chủ nhà vẫn sẽ tới. Họ vẫn muốn trút giận, công kích các cầu thủ Việt, đối tượng bị đổ lỗi sau khi thầy trò HLV Shin Tae-yong bị loại tức tưởi. Cộng thêm sức ép của một trận bán kết, liệu Khuất Văn Khang, Nguyễn Quốc Việt và đồng đội có thể chơi như họ vẫn chơi?

Nếu làm được điều này, đánh bại Malaysia để có mặt ở trận chung kết ngày 15/7 không phải nhiệm vụ quá khó. Với 3 ngày nghỉ, thể lực các cầu thủ U19 Việt Nam đã phục hồi phần nào. Điều này cho phép HLV Đinh Thế Nam tung ra đội hình tốt nhất cũng như triển khai sơ đồ 4-2-3-1 cân bằng hơn.

Với hai tiền vệ trung tâm và một “số 10”, họ chắc chắn kiểm soát thế trận tốt hơn, đồng thời cũng sáng tạo và đảm bảo tính liên tục khi triển khai tấn công. Yếu tố này rất quan trọng trong trận đấu bởi nhiều khả năng Malaysia sẽ chơi phòng ngự với số đông.

Từng vào chung kết 3 kỳ liên tiếp đã qua (và 1 lần đăng quang), song lứa U19 hiện tại của Malaysia đang chơi khá thất vọng và bị đặt câu hỏi về mặt chất lượng.

Lọt vào bảng đấu nhẹ ký nhưng họ chỉ vượt qua Campuchia, Timor Leste với cách biệt tối thiểu (thậm chí để Timor Leste chọc thủng lưới tới 3 lần), hòa Singapore và thua cả Lào. Những gương mặt thất vọng khi biết mình chỉ đứng thứ hai bảng B, dẫn tới việc chạm trán Việt Nam ở bán kết là dấu hiệu cho thấy các cầu thủ Malaysia cũng không có một tinh thần thoải mái. Đây là một lợi thế khác cho U19 Việt Nam, bên cạnh việc Bầy hổ non Malaya nghỉ ít hơn 1 ngày.

Thế nên, chỉ cần giải quyết ổn thỏa về mặt tâm lý và chiến thắng chính mình là đội quân của HLV Đinh Thế Nam giành tấm vé vào chung kết.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.