Bán ghế massage không hóa đơn, khai loạn giá: Hóa đơn muốn viết bao nhiêu cũng được?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Tài chính vừa chỉ đạo Tổng cục Hải quan thu thập thông tin, dữ liệu để làm rõ việc khai báo về xuất xứ, nhãn hàng hóa mặt hàng ghế massage nhập khẩu.
Bán ghế massage không hóa đơn, khai loạn giá: Hóa đơn muốn viết bao nhiêu cũng được? ảnh 1

Ghế massage trưng bày tại cửa hàng ATOCHI (TP. Buôn Ma Thuột) có dấu hiệu cào xé nhãn mác

Hải quan thu thập dữ liệu khai báo xuất xứ, nhãn hàng hóa

Liên quan tới bài viết Bán ghế massage không hóa đơn, khai loạn giá đăng trên báo Tiền Phong, ngày 8/9, Bộ Tài chính cho biết vừa chỉ đạo Tổng cục Hải quan thu thập thông tin, dữ liệu để làm rõ việc khai báo về xuất xứ, nhãn hàng hóa mặt hàng ghế massage nhập khẩu. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan thanh kiểm tra, kịp thời ngăn chặn gian lận xuất xứ, nhãn hàng hóa theo quy định.

Trước đó, theo tìm hiểu của Tiền Phong, một số cửa hàng, đại lý kinh doanh ghế massage trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giảm giá bán hơn 50%/sản phẩm như: Cty TNHH Asama Hoàng Hà có văn phòng đại diện tại TP.Buôn Ma Thuột bán ghế AS-595 giá niêm yết 139 triệu đồng, giá khuyến mại 69,5 triệu đồng; ghế massage AS-950 giá niêm yết 250 triệu đồng, giá khuyến mại 125 triệu đồng. Tuy nhiên, khách hàng Nguyễn Phương (TP.Buôn Ma Thuột) phản ánh đã mua máy AS-595 với giá 35 triệu đồng (giảm gần 75%), sau đó đổi lên máy AS-950 giá 65 triệu đồng (giảm 74%), tất cả đều không có hóa đơn VAT.

Theo nguồn tin từ Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2022 tới nay, có khoảng 2.000 ghế massage ASAMA AS-S595 xuất xứ Trung Quốc được nhập khẩu chủ yếu qua Cty TNHH ASAMA Việt Nam với mức giá khai báo 350USD + 8% thuế VAT, tổng giá sau thuế gần 9 triệu đồng.

Tại cửa hàng KLC (TP.Buôn Ma Thuột) ghế massage KLC 5588 giá niêm yết 75,1 triệu đồng nhưng được bán với giá 33 triệu đồng (giảm 56%); ghế KLC 228 niêm yết giá 63,4 triệu đồng nhưng bán với giá 28 triệu đồng (giảm 56%).

Tại chi nhánh YATAKA (TP.Buôn Ma Thuột), ghế massage YATAKA Model IC600 (YA600) có giá 125 triệu đồng nhưng anh Việt (TP.Buôn Ma Thuột) đã mua sản phẩm này với giá 51 triệu đồng (giảm 59%).

Bán ghế massage không hóa đơn, khai loạn giá: Hóa đơn muốn viết bao nhiêu cũng được? ảnh 2

Cửa hàng ghế massage ASAMA (TP.Buôn MA Thuột) có niêm yết giá bán nhưng bán không đúng giá niêm yết

Theo ông Trần Trọng Lưu, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Đắk Lắk, để thực hiện các chương trình khuyến mại, các cửa hàng, đại lý, doanh nghiệp tỉnh ngoài phải gửi văn bản thông báo về Sở Công thương.

“Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Công thương Đắk Lắk chỉ nhận được thông báo chương trình khuyến mại của 2 đơn vị kinh doanh ghế massage trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột, gồm: Cty TNHH xuất nhập khẩu phát triển Đông Dương, Cty TNHH ABC SPORT. Các chương trình của 2 đơn vị trên đảm bảo giảm giá không quá 50% theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP”, ông Lưu cho biết.

Theo ông Lưu, ghế massage không phải là mặt hàng thiết yếu, nhà nước không yêu cầu quản lý nhưng trước thực trạng như Tiền Phong phản ánh, sắp tới Thanh tra Sở Công thương sẽ đi kiểm tra các cửa hàng, đại lý kinh doanh mặt hàng này.

Bán ghế massage không hóa đơn, khai loạn giá: Hóa đơn muốn viết bao nhiêu cũng được? ảnh 3

Loạt hóa đơn bán hàng của cửa hàng ATOCHI (TP.Buôn Ma Thuột) được chủ cửa hàng cho biết toàn tên người quen, thân, thích viết mấy cuốn cũng được

Hóa đơn chỉ để… câu khách hàng?

Trước đó theo tìm hiểu Tiền Phong, có cửa hàng thống kê bán được rất nhiều máy massage nhưng chỉ nộp thuế khoán vài trăm ngàn đến hơn một triệu đồng như cửa hàng ATOCHI (TP.Buôn Ma Thuột). Cụ thể, từ 1/5-31/7/2022, sổ sách cửa hàng này ghi nhận bán được hơn 30 máy massage, tổng doanh thu hơn 1 tỷ đồng nhưng chỉ phải nộp thuế khoán 300.000 đồng/tháng.

Trả lời Tiền Phong về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP.Buôn Ma Thuột (thuộc Cục Thuế Đắk Lắk) cho biết: “Chúng tôi đã xuống kiểm tra cửa hàng ATOCHI trên. Đây là chiêu thức bán hàng của họ. Chủ cửa hàng thừa nhận với chúng tôi, nhiều tờ hoá đơn bán ghế massage được viết khống để câu kéo khách hàng”.

Theo Bộ Tài chính, ngày 24/8 Tổng cục thuế đã ban hành công văn chỉ đạo Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, kiểm tra hóa đơn đối với ghế massage và các mặt hàng tương tự.

Tổng cục Thuế yêu cầu rà soát, phân loại các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ghế massage và những mặt hàng tương tự trên địa bàn quản lý có dấu hiệu rủi ro bổ sung vào kế hoạch thanh, kiểm tra đột xuất và thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay. Đồng thời, các cục thuế phối hợp với các ngành liên quan (Quản lý thị trường, Công thương, Tài chính, Hải quan, ...) tăng cường các biện pháp quản lý đối với các đối tượng nêu trên. Tổng cục Thuế cảnh báo người nộp thuế cố tình gian lận sẽ bị cơ quan thuế xử lý nghiêm.

Trả lời Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Anh, chủ cửa hàng ghế massage ATOCHI cho biết: “Tôi có thể viết cho anh vài cuốn hoá đơn bán ghế massage. Tất cả số hoá đơn mà các anh nắm được là bạn bè, người thân của tôi ủng hộ. Bình quân mỗi tháng, cửa hàng tôi bán ghế massage thu được hơn 50 triệu đồng”.

Liên quan đến vấn đề chất lượng, sự an toàn khi sử dụng máy massage tại nhà, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk cho rằng, ghế massage được người tiêu dùng sử dụng để trị liệu, chăm sóc sức khoẻ, được quản lý nhà nước về chất lượng theo các quy định của Bộ Y tế. Nếu không phải là nhóm trang thiết bị y tế, ghế massage được xem là hàng hoá nhóm 1 (nhóm hàng hoá không thuộc phạm vi, đối tượng quản lý bởi quy chuẩn kỹ thuật).

“Năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2022, Sở Khoa học và Công Nghệ Đắk Lắk chưa kiểm định chất lượng ghế massage tại các cửa hàng, đại lý kinh doanh mặt hàng này. Chúng tôi không có đủ kinh phí mua mẫu ghế massage để kiểm định chất lượng, đây là mặt hàng có giá trị cao. Để kiểm định chất lượng, nguồn gốc xuất xứ ghế massage đang bày bán tại các cửa hàng, đại lý kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, cần có sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng như: Cục QLTT, Cục Hải Quan, Cục Thuế, Công an Kinh tế, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ...”, ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk cho biết thêm.

Tính đến ngày 6/9, QLTT Đắk Lắk đã kiểm tra 40 các cửa hàng, đại lý kinh doanh ghế massage trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, QLTT xử phạt hành chính hành vi không niêm yết giá bán với 7 cơ sở kinh doanh, tổng số tiền xử phạt hơn 6,7 triệu đồng.

MỚI - NÓNG