Nếu được Seoul đồng ý, Tokyo sẽ điều tàu và máy bay (cả thương mại và quân sự) tới Hàn Quốc để hỗ trợ sơ tán công dân Nhật Bản. Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản cũng thảo luận biện pháp ứng phó khả năng dòng người tị nạn Triều Tiên, trong đó có thể có các điệp viên, đổ sang Nhật Bản.
Một số tờ báo phương Tây đưa tin, Trung Quốc vừa điều 150.000 binh sĩ tới sát biên giới với Triều Tiên để phòng trường hợp dòng người tị nạn Triều Tiên tràn qua, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận việc điều quân.
Hôm qua, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, xung đột trên bán đảo Triều Tiên có thể xảy ra bất cứ lúc nào, China Daily đưa tin. Hãng hàng không Trung Quốc Air China hôm qua thông báo sẽ tạm ngừng các chuyến bay giữa Bắc Kinh về Bình Nhưỡng từ ngày 17/4.
Theo TTXVN, tình hình tại bán đảo Triều Tiên đang diễn biến chóng mặt trong sự đối đầu và hăm dọa lẫn nhau giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - hai nhân vật được đánh giá là quyết liệt và khó đoán. Cả thế giới đang như “ngồi trên đống lửa”, dõi mắt theo “nhất cử, nhất động” của hai nhà lãnh đạo này, bởi chỉ cần một “mồi lửa nhỏ” cũng có thể làm nổ tung “thùng thuốc súng” tại Đông Bắc Á. Dường như ông Trump đang muốn “xáo lại ván bài” tại Đông Bắc Á.
Một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ có thể khiến Triều Tiên phát động đòn trả đũa nhằm vào Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện Triều Tiên được cho là sở hữu hàng chục thiết bị nổ chứa hạt nhân (hoặc nhiều hơn thế), các kho vũ khí hóa học và sinh học lớn cùng hàng trăm tên lửa đạn đạo có khả năng bắn tới Hàn Quốc, Nhật Bản. Bên cạnh đó, một cuộc tấn công do Mỹ phát động nhằm vào Triều Tiên cũng sẽ động chạm tới những cường quốc khác trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc và Nga. Bình Nhưỡng đã cảnh báo “đáp trả không thương tiếc” nếu Mỹ có hành động quân sự nhằm vào Triều Tiên.
Đối thoại và đàm phán với một cách tiếp cận mới vẫn là giải pháp duy nhất để tháo ngòi “thùng thuốc súng” ở Đông Bắc Á lúc này.