Bản Cao Lan giữ văn hóa nhà sàn

Ngôi nhà sàn lưu giữ nét đẹp văn hóa của bản Cao Lan.
Ngôi nhà sàn lưu giữ nét đẹp văn hóa của bản Cao Lan.
TP - Nhiều gia đình người Cao Lan ở thôn Đình Bằng xứ Tuyên vẫn giữ nếp nhà sàn truyền thống dẫu họ đã có cả tiền tỷ để xây nhà tầng- ghi chép của phóng viên Tiền Phong ở một xã vùng cao vừa đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngôi nhà sàn đẹp như tranh vẽ nằm cạnh con đường bê tông khang trang dẫn vào bản. Trước nhà một khoảng đồi nhỏ trồng chè xanh rì. Những cây cọ mấy chục năm tuổi điểm xuyết bên sườn. Đoàn công tác của nhóm phóng viên do Ủy ban Dân tộc tổ chức đi thực tế tất thảy xuýt xoa trước vẻ đẹp của bản vùng cao ở xã Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang), máy ảnh chụp lia lịa, dường như quên cả lời mời vào nhà của chị chủ phúc hậu.

Vợ chồng chị Nông Thị Đại và anh Trần Văn Toàn dựng ngôi nhà sàn này từ hơn hai mươi năm trước. Nó bằng tuổi đứa con út của chị. Trong thôn giờ còn mấy chục ngôi nhà như thế. Ở một xã vùng cao, nơi có di tích lịch sử gắn với thời kỳ Hoàng thân Xu Pha Nu Vông và nhiều lão thành cách mạng Lào từng lưu trú, vùng quê cách mạng nổi tiếng năm ngoái vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm, vừa đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới khi đạt đến 19 tiêu chí. Thôn Đình Bằng có 162 hộ với tám mươi nhăm phần trăm là đồng bào Cao Lan, còn lại là người Pu Péo, Tày, Mường… Chị Đại nói rằng một mẫu lúa, sáu sào chè, lợn gà nhà nào cũng nuôi kín đàn, thu nhập trung bình mỗi hộ cả trăm triệu một năm, thậm chí như nhà anh Đinh Công Thức hay anh Trần Tiến Bộ còn làm cả máy xát, nuôi trang trại lợn mán thì đã có tiền tỷ, nhưng họ vẫn giữ lấy nhà sàn rất đẹp.

Cây lúa lai mang lại năng suất cao, chè tươi luôn sẵn sàng được nhà máy chè đen mua nguyên liệu, nhà chị Đại con cái đi làm ăn xa, chỉ có hai vợ chồng làm ruộng, chăn nuôi mà không vất vả như trước. Lớp thanh niên trẻ bây giờ có thu nhập từ năm đến bẩy triệu đồng một tháng khi làm công nhân cho mấy Cty lắp ráp lớn ở bên Thái Nguyên gần đó. “Mùa giáp hạt năm nào bản này cũng đói lắm, chỉ có lên rừng mót rau củ qua bữa, giờ thì khác, cả bản chỉ còn hai hộ nghèo, nhiều hộ thừa sức xây cả nhà tầng đấy” - Trưởng thôn Vương Đình Hơn vui ra mặt, khoe với các nhà báo. Ông nói cán bộ khuyến nông của huyện về tận bản hướng dẫn thường xuyên, giờ trồng gì nuôi gì cứ nghe cán bộ nói mà thấy chuẩn hết, chả bị bệnh dịch làm chết lợn, chết bò nữa, thấy làm nhà nông giờ cũng sướng, mương máng thủy lợi rất là… công nghiệp, muốn tưới tiêu lúc nào cũng thuận. Nước sạch thì chạy ống khắp bản, đường bê tông kẻ ô đến từng ngõ, dài hơn 8 ki lô mét. Bây giờ nhà nào cũng dùng bếp bi ô ga vừa sạch vừa tiết kiệm, điện thắp sáng cả thôn ban đêm nên đi lại sướng cái chân. Ông Hơn kể năm ngoái trước ngày xã đón chuẩn nông thôn mới, cả bản góp công làm đường bê tông, Nhà nước thì cho xi măng, con cháu đi làm ăn xa cũng về chung sức, ào ào mấy tuần làng vui như mở hội, giờ cái xe công nông vào thu mua chè, gỗ keo thật dễ dàng. Nhà ông Hơn vừa dựng ngôi nhà sàn bê tông giả gỗ vì giờ người Cao Lan không đi phá rừng nữa, làm trưởng thôn lại càng gương mẫu. Ở nhà sàn quen rồi, mùa màng đến làm gì cũng rất tiện, một gian to hai trái mái lá cọ, còn sàn dưới để xe máy, cất đồ, làm kho…

Không có người nghiện ma túy, không có trộm cắp bao giờ, không có tệ nạn xã hội chen chân đến chốn này -  ông Hơn nói chắc nịch. Con cháu của Đình Bằng đi học, đi làm công nhân đố đứa nào dám gây chuyện ở đâu vì lệ làng rất nghiêm. Đình làng bốn lần mở tiệc hằng năm, con cháu đi xa tụ về náo nức bản nhỏ, già trẻ đều hát Sình ca kính chúc tổ tiên, ông bà – cái văn hóa tốt đẹp của bản Cao Lan còn gìn giữ, trao truyền mà ông Hơn tự hào kể với các nhà báo cho đến tận gần trưa. Chị Đại lấy mấy tờ báo mà trên xã vừa đưa về khoe là báo được phát miễn phí, tối nào chị em cũng đến đây đọc báo rất vui, hôm nào báo chưa về là thấy nhớ lắm.

Từ lúc nào, anh Toàn đã thay vợ xuống bếp bắt gà làm cơm mời khách…

MỚI - NÓNG