Bán bò làm cầu
Dừng đường binh nghiệp, năm 1988 ông Thái Văn Khoát (SN 1957) rời quê Nghệ An đưa vợ con vào thôn 12 xã Ea Đar, huyện Ea Kar lập nghiệp từ đôi bàn tay trắng. Cuộc sống nơi rừng hoang núi thẳm ban đầu lắm nỗi gian truân, hằng ngày vợ chồng ông Khoát vượt dòng sông Krông Năng sang bờ bên kia phát nương làm rẫy, kiếm kế sinh nhai. Những người dân như vợ chồng ông kéo đến ngày một đông dần. Có người, có nhà cửa, gia đình, dần hình thành làng xóm, rồi có trẻ em đến trường. Hằng ngày, thấy cảnh lội sông vất vả, nguy hiểm, nhất là các em học sinh, ông Khoát vét hết tiền nhà đóng đò, dựng lều, đưa người sang sông. “Mỗi ngày tôi kéo cả trăm chuyến, nhất là mùa dịch sốt rét, 1, 2 giờ đêm cũng phải dậy kéo chứ để sáng mai thì nguy mất”, ông Khoát nhớ lại.
Con đò chỉ phát huy được mùa nắng còn mùa mưa nước dâng, sóng lớn không đi được. Việc đi lại, học hành của học sinh bị gián đoạn, nhiều em nghỉ học giữa chừng. Thậm chí có người vì miếng cơm phải bỏ mạng khi bơi qua đây. Ông Khoát ngày đêm trăn trở với ý tưởng làm cầu. Nhưng cái khó là tiền. Ông bàn bạc với bạn là ông Nguyễn Văn Dũng thôn 2, xã Ea Sar. Không ngờ được bạn hưởng ứng, ông Khoát gom hết tiền nhà, bán 6 con bò, ông Dũng chạy mượn người thân, vay ngân hàng. Cuối năm 1994, cây cầu gỗ rộng 2 mét, dài 80 mét với kinh phí hơn 100 triệu đồng nối hai xã Ea Đar và Ea Sar dựng lên trong niềm vui mừng của người dân hai bên bờ.
Từ ngày có cầu, việc giao thương hai xã trở nên tấp nập, người dân không phải lội sông như trước. Nghiệp gieo con chữ của thầy cô trở nên dễ hơn, đặc biệt không có em nào nghỉ học vì đường đi cách trở.
Không lấy tiền giáo viên, học sinh
Thế nhưng, mùa lũ về con sông hiền hòa ngày nào bỗng trở nên hung tợn cuốn phăng thành quả khổ nhọc của hai lão nông nghèo. Không có cầu, cuộc sống người dân hai bên bờ bị cô lập. Thấu hiểu nỗi khổ của dân, thương các em nhỏ đu cáp đi học, hai ông quyết tâm làm cầu kiên cố. Hai ông bán 6 con bò, vay mượn và rủ thêm cựu chiến binh Lê Kim Quynh (thôn Hữu Nghị, xã Ea Đar) góp 130 triệu đồng/người để làm cầu mới.
Ông Khoát bên cây cầu
Bà Phan Thị Thắm (vợ ông Khoát) cho biết: “Căn bệnh tiểu đường hành hạ bà cả chục năm nay, tiền thuốc men, cơm áo trông chờ vào 1ha đất cằn cỗi quanh năm trồng bắp. Đợt lũ năm 2013 bưng cả cầu đi, nhà không có tiền, tôi định không làm lại cầu nữa nhưng thương các cháu nhỏ và bà con nên bấm bụng vay làm”.
Được gia đình, người dân ủng hộ, 3 nông dân ngày đêm mày mò, đo đạc, thiết kế cây cầu treo. Đến trung tuần tháng 11/ 2013, cây cầu dài 80 mét, rộng 4 mét hoàn thành, khiến nhiều người nể phục. Cô Trần Thị Loan, người xã Ea Sar không giấu nổi niềm vui: “Cây cầu đã giúp ích cho việc đi lại, giao thương của chúng tôi rất nhiều, không phải đi đường vòng xa cả chục cây số nữa”.
Tinh thần dám nghĩ dám làm của 3 lão nông đã chiếm được sự tin yêu, ngưỡng mộ của giáo viên, học sinh trong vùng. “Mỗi lúc qua cầu, con đều nhớ đến công dựng cầu của các bác. Nhờ các bác mà chúng con mới đến trường được”, em Nguyễn Thế Tú, học sinh lớp 6A1 trường THCS Nguyễn Văn Trỗi nói.
Thầy Võ Đình An (giáo viên dạy toán, Chủ tịch Công đoàn trường THCS Cao Bá Quát), cho biết: “Trường có hơn 40 giáo viên, phần đông từ xã Ea Đar sang, mỗi khi qua cầu các bác đều không lấy tiền. Nên khi mưa bão trôi cầu, giáo viên đều chung tay ủng hộ”.
Ông Trần Quang Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Đar cho biết thêm: Cây cầu là điểm nối các xã trong huyện với nhau, và gần đường tỉnh lộ nên lượng người qua lại rất đông. Xã đã nhiều lần kiến nghị xin làm cầu nhưng chưa được. Việc người dân bỏ tiền túi làm cầu phục vụ dân sinh là việc làm rất đáng ghi nhận. Tuy cầu dân tự làm nhưng khá chắc, từ trước đến nay chưa xảy ra vụ tai nạn nào.
Để có tiền tu sửa, gia cố cầu, 3 nông dân thu phí 2 ngàn đồng/lượt qua cầu, hộ nào qua nhiều thì đóng theo năm, riêng học sinh, cán bộ, giáo viên được miễn phí. “Chỉ cần tụi nhỏ đến trường an toàn, chăm ngoan học giỏi, sau này thành đạt về xây dựng quê hương là tụi tui mừng rồi”, ông Quynh nói.