Mua đất 5 năm chưa có sổ đỏ
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, ngày 20/1/2011, ông Lê Văn Tuấn ký hợp đồng đặt cọc tiền với ông Trần Duy Vinh (ông Vinh là con và được bố mẹ là Trần Duy Cát và Khuất Thị Tính ủy quyền bán mảnh đất 420m2 tại Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội cho ông Tuấn). Chuyển tiền xong, ông Vinh đã bàn giao mốc giới thửa đất cho ông Tuấn. Ông Tuấn xây tường bao, cống rãnh cho mảnh đất.
Đến ngày 5 và 6/4/2011, ông Tuấn chuyển toàn bộ số tiền theo thỏa thuận hai bên đã ký trong hợp đồng. Tuy nhiên, ngày 16/4, cụ Cát mất. Một số người con làm đơn tố cáo cụ Tính cùng con trai út là anh Vinh “ép” cụ Cát điểm chỉ bán đất, gửi UBND huyện Từ Liêm yêu cầu không cấp sổ đỏ cho ông Tuấn.
Sau đó, cả cụ Tính và ông Tuấn nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến UBND huyện Từ Liêm yêu cầu trao trả sổ đỏ nhưng không được giải quyết. Ngày 1/11/2012, ông Tuấn khởi kiện lên TAND TP Hà Nội, đề nghị công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ là có hiệu lực pháp luật.
Ngày 28/3/2014, TAND TP Hà Nội đã công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông Lê Văn Tuấn và vợ chồng cụ Tính là có hiệu lực pháp luật. Tại phần quyết định của Tòa án nêu rõ: Ông Lê Văn Tuấn có quyền liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp sổ đỏ. Sau đó, 3 người con của cụ Tính tiếp tục kháng án. Tới ngày 4/5/2016, Toà án cấp cao tại Hà Nội tiếp tục đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm.
Thanh tra Chính phủ đề nghị dừng trả sổ đỏ
Sau khi bản án có hiệu lực, ngày 17/5/2016, Thanh tra Chính phủ lại ban hành văn bản số 1064 yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND quận Nam Từ Liêm tạm dừng trả sổ đỏ cho ông Lê Văn Tuấn tới khi có kết luận của thanh tra. Chính vì thế, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, Chi nhánh quận Nam Từ Liêm đã chưa trả sổ đỏ cho ông Lê Văn Tuấn.
Ông Tuấn lại nhọc công gửi đơn “kêu cứu” tới Trụ sở tiếp công dân Trung ương của Quốc hội. Ngày 27/7/2016, cơ quan này có văn bản số 3522 trả lời: Đơn đề nghị của ông Tuấn thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, đề nghị ông gửi đơn đến UBND quận Nam Từ Liêm để được xem xét, giải quyết theo đúng quy định pháp luật.
Liên quan vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Cty TNHH Trường Lộc cho biết, Điều 16, Hiến pháp năm 2013 quy định: Bản án, quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan tổ chức, cá nhân hữu quan nghiêm chỉnh chấp hành.
Tại Điều 4, Luật Thi hành án Dân sự quy định: Bản án, quyết định quy định tại Điều 2 của luật này phải được cơ quan tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo luật sư Tuấn, văn bản can thiệp của Thanh tra Chính phủ có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, trái hiến pháp và pháp luật.