Người đàn ông này rời vùng quê hẻo lánh nghèo nàn của mình lên thủ đô với hy vọng đổi đời. Nhưng rồi sau 7 năm vừa học đại học, vừa đầu tắt mặt tối mưu sinh giữa chốn phồn hoa, dù rất cố gắng, anh vẫn thấy mọi thứ đều “quá khó khăn”. Với hàng loạt câu hỏi. Như “Chuột đào một đêm mà được hang động. Chim xây tổ không quá hai ngày. Con người muốn có cái nhà sao phải mất cả nửa đời người?”.
Sau anh bỏ về quê cày cấy, làm trang trại sạch. Rồi vắt đất làm gạch tự xây nhà. Hàng chục ngôi nhà bằng gạch và đất, đủ kiểu dáng màu sắc bất ngờ khiến mọi người thích thú. Nổi tiếng, khách Tây đến nhiều, anh kết hợp làm nông với du lịch. Và dành nhiều thời gian hưởng cuộc sống yên bình giữa làng xóm, người thân theo cung cách vốn có ngàn đời.
Đoạn video clip diễn thuyết của Jon tại Hội thảo TED vốn thường dành cho những diễn giả nổi tiếng nhất thế giới, làm dậy lên nhiều tranh luận trái chiều. Rằng nếu ai cũng vậy, sống tự cấp tự túc, ốm đau tự chữa bệnh, thì loài người sẽ trở về đời sống nguyên thủy?!
Lựa chọn cách sống là quyền của mỗi người. Nhưng sự thực, anh nông dân ít học ấy đã đặt ra vấn đề sống còn với nhân loại.
Thời hiện đại mới được hơn trăm năm, quá nhỏ bé so với tiến trình nhiều triệu năm của loài người. Và so với hàng tỷ năm của trái đất. Vậy nhưng viễn cảnh mà loài người hiện đại đem lại đang rất đáng lo ngại. Những vùng đất, cánh rừng, đồi núi, bãi biển, hòn đảo mang vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ, đang nhanh chóng biến mất. Chúng bị chiếm đoạt, dành chỗ cho những khu đô thị, nhà cao tầng, những resort nguy nga. Con người tước đoạt, xóa bỏ thiên nhiên thực, để dựng lên những cảnh trí “thiên nhiên” nhân tạo lồng bê tông cốt sắt.
Thời đại bàn phím, màn hình, bấm, bấm và bấm sẽ đưa con người đi đâu, đến đâu? Con người đến lúc không còn khả năng cầm bút để viết ra những suy nghĩ của mình? Những tranh chấp khốc liệt đang diễn ra trên hành tinh cho thấy con người tha hóa so với chính mình...
Nhưng, oái oăm thay, nhờ có bấm, bấm, bấm…, mà tôi và chúng ta mới biết đến Jon Jandai và “bài học nông thôn” của anh.
Nhân loại đang giữa ngã ba đường, buộc phải chọn lựa. Trên hành trình ấy, xin nhắc lại lời người xưa, “đừng đi quá nhanh, hãy đợi linh hồn của bạn”.