Ông Jean Pouget, sĩ quan tùy tùng kiêm thư ký riêng của đại tướng Henri Navarre - Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Pháp ở Đông Dương, trong cuốn “Nous étions à Dien Bien Phu”, (chuyển ngữ tiếng Việt: Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ) đã thống kê hàng chục tướng lĩnh, chính khách tới thăm cứ điểm Điện Biên Phủ trước khi Việt Minh bắt đầu mở chiến dịch tiến công.
Pouget khẳng định, không một ai trong số các bộ trưởng, nhà ngoại giao, hay tướng lĩnh đã tới thăm Điện Biên Phủ, phát hiện được cái thế thua đã định sẵn vì Pháp chọn đóng quân trong một thung lũng lòng chảo, nhưng lại một mực tin rằng sẽ “nghiền nát Việt Minh” tại “Verdun Đông Dương”.
Trong số đó bao gồm Cao ủy Pháp ở Đông Dương Dejean. Quốc vụ khanh phụ trách các nước liên kết Jacquet. Bộ trưởng Quốc phòng Pleven. Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề chiến tranh Chevigné. Chánh văn phòng, trợ lý Bộ trưởng các nước liên kết Griotteray.
Tướng Ely, Tổng thanh tra quân đội. Tướng Blanc, Tổng tham mưu trưởng. Đô đốc Auboyneau, Tư lệnh hải quân Viễn Đông. Tướng Fay, Tham mưu trưởng không quân. Tướng Trapnell Trưởng phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ. Tướng Spear, Tùy viên quân sự Anh tại Sài Gòn.
Tướng O Daniel, Tư lệnh các lực lượng lục quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Cố vấn Bộ ngoại giao Anh Stewart. Cao ủy Anh ở Đông Nam Á Malcolm Mac Donald. Tư lệnh lực lượng Anh ở Viễn Đông Charles Loewen.
Năm 1953, Richard Nixon, khi đó là Phó Tổng thống Mỹ, đã bí mật thăm Hà Nội. Nixon lắng nghe kế hoạch chi tiết do tướng Henri Navarre trình bày. Kế hoạch này được xây dựng công phu với sự tham vấn của Thủ tướng Pháp Joseph Laniel và Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles.
Tướng Navarre sinh trưởng trong một gia đình danh giá ở Toulouse, Pháp. Navarre tốt nghiệp trường Võ bị Saint-Cyr, từng tham chiến trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới, được phong hàm tướng trong cuộc chiến Algerie.
Khi được bổ nhiệm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương ngày 7/5/1953 thay tướng Salan nhằm tìm “một lối thoát danh dự” cho cuộc chiến, Navarre đeo lon tướng 4 sao. Navarre tuyên bố đầy tự tin: “Bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy rõ chiến thắng giống như nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm”.
Chính Navarre là người quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành “mồi nhử”, dụ Việt Minh vào chiếc “cối xay thịt” của quân Pháp để tiêu diệt. Navarre quả quyết rằng quân đội Việt Minh sẽ không có khả năng vận chuyển các vũ khí hạng nặng cũng như tiếp tế hậu cần cho đội quân lớn tại một chiến trường xa xôi, hiểm trở như vậy.
Nhưng đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến lược đánh chắc tiến chắc, sử dụng chiến thuật hầm hào dần dần “siết cổ” quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ.
“Rõ ràng là các chỉ huy của chúng ta đã tự tin quá mức về quân đội của mình và sự vượt trội về vũ khí”, Tướng Pháp Georges Catroux thừa nhận trong hồi ký. Navarre cầu cứu Mỹ khi nhận thấy sa lầy. Mỹ đề xuất sử dụng một số vũ khí hạt nhân, nhưng sau đó kế hoạch này bị dẹp bỏ.
Mỹ còn đề xuất không kích để tiêu diệt quân đội tướng Giáp. Nhưng Tổng thống Mỹ khi đó là Dwight D. Eisenhower và Thủ tướng Anh Churchill từ chối can thiệp. Năm 1956, Navarre nghỉ hưu và xuất bản cuốn“Agonie de l’Indochine” (Đông Dương hấp hối) đổ lỗi thất bại ở Đông Dương cho giới chính trị và biện minh cho hành động của mình.
“Hân hạnh là kẻ chiến bại của Tướng Giáp”
Đại tá Christian de Castries được chọn làm Tư lệnh cứ điểm Điện Biên Phủ chủ yếu nhờ lý lịch tham chiến ấn tượng trong Thế chiến hai. Có người hỏi Navarre vì sao lại trao quyền chỉ huy Điện Biên Phủ cho một viên đại tá thay vì phải là một viên tướng? Navarre trả lời: “Cả tôi lẫn tướng Cogny đều không trông lon mà xét người nên cũng chẳng sùng bái gì lắm mấy ngôi sao cấp tướng. Tôi khẳng định trong số các chỉ huy được lựa chọn, không ai có thể làm giỏi hơn Castries”.
Tướng De Castries tại chiến trường Điện Biên Phủ
Cũng như Navarre, De Castries hoàn toàn tin tưởng vào một thắng lợi quyết định trước quân đội Việt Nam tại trận chiến Điện Biên Phủ. Castries nói với Guilain, đặc phái viên báo Le Monde: “Việt Minh chịu xuống lòng chảo thì chúng tôi tóm được chúng rồi”.
Ngày 3/2/1954, khi pháo Việt Minh trút xuống đường băng Điện Biên Phủ, lập tức trung tá Piroth - tư lệnh pháo binh, chỉ huy phó tập đoàn cứ điểm hạ lệnh đáp trả bằng cả ngàn quả đạn pháo, máy bay B 26 xuất trận ném bom khiến pháo Việt Minh “tịt ngòi” mà không biết đó chỉ là trận địa giả. De Castries huyênh hoang với cha tuyên úy Amornon: “Tôi đội cái mũ ca lô đỏ để chúng thấy rõ hơn”.
Khi Điện Biên Phủ bị vây khốn trong thòng lọng của tướng Giáp, thương vong ngày càng nhiều, tinh thần quân Pháp vô cùng suy sụp. Pháp quyết định thăng hàm tướng cho De Castries với hy vọng ông ta sẽ quyết chiến, xoay chuyển cục diện cuộc chiến.
Tuy nhiên, tình thế quân Pháp như đã bị nhốt trong rọ nên De Castries chẳng thể làm gì. Sự kiện tướng De Castries bị bắt sống ngay tại căn hầm của mình ngày 7/5/1954 đã đánh dấu sự thảm bại của quân Pháp trong cuộc chiến ở Đông Dương.
Tạp chí Paris Match số 268 tháng 5/1954 đã ra số đặc biệt về viên tướng Pháp chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chạy tít lớn Le calvaire et la gloire du general de Castries et de ceux de Dien Bien Phu (tạm dịch: Điện Biên Phủ - Nỗi đau và vinh quang của tướng De Castries).
Sau này, khi nhắc tới trận chiến Điện Biên Phủ, tướng De Castries không giấu sự thán phục tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tướng Giáp là một người thông minh, dũng cảm, một người giỏi chỉ huy du kích.
Ông ấy cũng giỏi về chính trị, về chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi đã thấy rõ điều đó. Qua trận Điện Biên Phủ, tôi thấy Tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy đánh du kích, mà còn giỏi cả về chỉ huy trận địa chiến, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, và cả về nghi binh đánh lừa tình báo đối phương”.
De Castries phải thốt lên: “Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là không biết Tướng Võ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp từ những trường, học viện võ bị cao cấp nào”.
De Castries thừa nhận: “Ông chỉ huy những chiến dịch tưởng chừng không thể thắng, đưa ra những quyết định mà có lẽ không một vị tướng nào dám thực hiện. Đặc biệt, Tướng Giáp rất giỏi khi tổ chức, bố trí những trận đánh du kích lấy ít địch nhiều”.
De Castries bộc bạch: “Sự kiện Tướng Giáp thắng chúng tôi ở Điện Biên Phủ làm chúng tôi ngạc nhiên về tài năng của ông ấy. Chúng tôi biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trí thức và là một giáo sư đã từng dạy học ở Hà Nội. Nhưng không phải nguồn kiến thức nào cũng biến thành tri thức quân sự, không phải người trí thức nào cũng biến thành vị tướng giỏi”.
De Castries thành thực nói: “Tôi thừa nhận Tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn, tài giỏi hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả tướng Cogny và tướng Navarre. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”.
Tướng Marcel Bigeard khi đã nghỉ hưu
“Ông Giáp đã lãnh đạo quân đội nước Việt Nam giành được chiến thắng trong một thời hạn thật đặc biệt kéo dài suốt 30 năm, đó là một kỳ tích chưa từng thấy! Không phải hiện nay mà muôn đời sau, tôi tin rằng cuộc đời và sự nghiệp đầy huyền thoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là tấm gương, niềm tự hào của mỗi người Việt Nam”.
Tướng Bigeard
Tướng Marcel Bigeard, một sĩ quan dù dày dạn chinh chiến từng tham gia chỉ huy quân đội Pháp trong trận Điện Biên Phủ, bị bắt làm tù binh và rời Đông Dương tháng 9/1954.
Bigeard sau đó tiếp tục chiến đấu trên nhiều chiến trường châu Phi, trở thành anh hùng lập nhiều chiến công và giữ chức bộ trưởng quốc phòng Pháp giai đoạn 1975-1976.
Tướng Bigeard cũng phải thừa nhận tài năng của người từng đánh bại mình trên chiến trường. Tướng Bigeard cho rằng thảm bại Điện Biên Phủ là do lỗi của một bộ tổng tham mưu bất tài và những quyết định chính trị xa rời thực tế. Ông thường bày tỏ sự ngưỡng mộ, kính phục đối thủ là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong cuốn hồi kí “Pour une parcelle de gloire” (Vì chút đỉnh vinh quang), tướng Bigeard đánh giá: “Giáp đã thua điểm đôi khi, thậm chí đo ván, nhưng ông luôn luôn rút ra bài học, giành lại ưu thế để đến chung cuộc trở thành một tướng lĩnh không ai bì kịp, sau khi đã canh tân, đã chỉ huy trong một phần tư thế kỷ cuộc chiến với người Pháp, người Mỹ. Xin ngả mũ chào ông Giáp”.
Năm 1993, khi sang thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ, tướng Bigeard đã thốt lên: “Hồi ấy nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”. Trước khi mất, tướng Bigeard còn bày tỏ nguyện vọng được rắc tro cốt của mình tại chiến trường Điện Biên Phủ.