Sau buổi đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với người dân, vụ việc ở Đồng Tâm đã bước đầu được giải quyết. Ông có nhận xét gì về cách xử lý vấn đề của lãnh đạo Hà Nội trong buổi đối thoại ở Đồng Tâm?
Trong vụ việc ở Đồng Tâm, có cái tốt là chính quyền không áp dụng biện pháp cưỡng chế như ở Tiên Lãng mà đã dùng biện pháp đối thoại với dân. Mặc dù vậy, việc đối thoại có phần chậm trễ, lẽ ra cần được thực hiện sớm hơn. Vụ việc ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hoá) cho thấy, cán bộ cấp xã, cấp huyện che giấu cấp tỉnh, mà cấp tỉnh không xắn tay vào cuộc thì không giải quyết được vấn đề.
Tới đây, Hà Nội cần tiến hành thanh tra một cách rõ ràng, công tâm nhất như ông Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã cam kết trong buổi đối thoại với người dân Đồng Tâm. Từ nguồn gốc đất đai, đến mục đích sử dụng cần phải làm rõ. Nếu là đất quốc phòng, phải kiểm tra kỹ xem đất được sử dụng vào việc gì và cần giải thích cho dân hiểu.
Cùng với đó, cần làm rõ, xem có ai lợi dụng chức quyền, “đục nước béo cò”, xâm lấn đất quốc phòng không? Nếu có phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Còn về phía nhân dân thì nên có luật sư, có mặt trận giúp họ, nếu không họ sẽ rơi vào “mê hồn trận”.
Viêc ông Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự với người dân Đồng Tâm, theo tôi như vậy là thoả đáng, hợp lòng dân. Việc người dân giữ người như vậy là sai, nhưng như họ nói, cái sai của họ bắt nguồn từ hai cái sai trước đó. Cũng có thể cái sai của họ do không hiểu biết, rồi họ đã tự nhận lỗi trước chính quyền, thì có thể tha thứ. Nhưng đối với các trường hợp vi phạm để trục lợi thì cần truy tố và xử lý nghiêm minh trước pháp luật, làm bài học răn đe. Bởi vụ Đồng Tâm sẽ không phải là duy nhất ở Hà Nội, cũng không phải duy nhất trên toàn quốc.
Sự việc ở Đồng Tâm vừa qua cùng những vụ việc tương tự ở nhiều địa phương khác trước đây nói lên điều gì, thưa ông?
Từ những vụ việc này cho thấy, vấn đề đầu tiên trong các vụ việc liên quan đất đai, là cần phải giải quyết nhanh chóng, kịp thời những thắc mắc kiến nghị của người dân. Nếu cứ ỉm đi, càng kéo dài thì sự việc sẽ càng trở nên phức tạp, rồi đến một lúc nào đó sẽ bùng lên như sự việc ở Đồng Tâm, hay Tiên Lãng, Sầm Sơn. Cũng như cái ung nhọt trên cơ thể, càng để lâu sẽ càng nặng và càng nguy hiểm.
Qua vụ việc ở Đồng Tâm, cũng phải kể đến vai trò của mặt trận các cấp. Là người đại diện cho dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dân, nhưng trong vụ việc này, có thể nói vai trò của mặt trận các cấp còn mờ nhạt. Hơn ai hết, mặt trận các cấp phải hiểu biết về luật pháp. Nếu chính quyền sai phải yêu cầu sửa, nếu dân sai thì giải thích cho dân hiểu. Nếu dân đúng thì phải kiên quyết bảo vệ quyền lợi cho dân. Đó mới là vai trò của mặt trận.
Cuối cùng là bài học từ việc kiểm tra, nắm bắt cơ sở của chính quyền. Chính quyền phải luôn nắm bắt tình hình ở dưới cơ sở để kịp thời giải quyết, có như vậy mới không xảy ra những trường hợp đáng tiếc như vừa qua.
Đối thoại với dân để ngăn chặn những sự việc đáng tiếc xảy ra có nên xem là một bài học của cán bộ, lãnh đạo các cấp không, thưa ông?
Đất đai luôn là vấn đề nóng, vì thế việc đối thoại của cán bộ, lãnh đạo rất cần thiết. Ông chủ tịch thành phố xuống trực tiếp gặp dân, hỏi dân và hứa sẽ giải quyết vụ việc thấu tình, đạt lý. Người dân cũng chỉ yêu cầu như thế thôi, cũng chỉ mong muốn làm rõ trắng đen chứ có đòi hỏi gì quá lớn lao đâu? Họ giữ cán bộ, có lẽ cũng vì lâu nay tiếng nói của họ không thấu mà thôi. Từ Hà Nội về Đồng Tâm chỉ vài chục cây số, vậy cớ sao lại để sự việc kéo dài như vậy? Có thể nói, chính quyền còn xa dân và sự nhạy bén cũng có phần hạn chế.
Vụ Tiên Lãng trước đây cũng là từ việc xảy ra hàng chục năm nhưng vì không được đối thoại kịp thời nên mới xảy ra khúc mắc như vậy. Rồi vụ ở Sầm Sơn cũng kéo dài, trong khi chính quyền cấp xã, cấp huyện lại che giấu, báo cáo không trung thực với cấp trên. Đến khi ông Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trực tiếp xuống gặp người dân, phân xử rõ ràng thì ngay sau đó dân hoàn toàn đồng ý, hoan nghênh.
Luật pháp và các chính sách về luật pháp cần điều chỉnh bổ sung thay đổi cho phù hợp. Khi khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng ta chỉ nêu 8 chữ: Người cày có ruộng/ Giảm tô giảm tức. Chỉ 8 chữ ấy nhưng đã làm 20 triệu người dân lúc đó phấn khởi, làm nên mọi chiến thắng.
Bây giờ đã bước vào thời kỳ cách mạng 4.0, đưa công nghệ cao vào nông nghiệp, vì thế chính sách đất đai về việc thu hồi đền bù, quy hoạch đất đai cần phải sửa đổi để khắc phục những hạn chế.