Bài ca du lịch

Vatican
Vatican
TP - Bài ca du lịch - những gì hay nhất, đẹp nhất, lý tưởng nhất về du lịch. Ngay cả mặt trái của những chuyến xê dịch cũng có thể đem đến cho bạn những trải nghiệm tích cực.

THẤY PARIS RỒI CHẾT

Người ta chắc có nhiều việc để làm khi đến một nơi gọi là đại lộ đẹp nhất thế giới, tại một xứ được coi là thủ đô của thế giới. Chính là Champs- Elysées của Paris. Lang thang cửa hiệu thời trang và phụ kiện sực nức mùi sang trọng chẳng hạn. La cà quán xá mà người nổi tiếng hay lui tới, may ra gặp họ. Vào rạp xem phim Người đàn bà cuồng dâm chẳng hay gì nhưng đang là thời sự ở các rạp chiếu, để về khoe bạn bè đã xem phim ấy ở con đường ấy hẳn hoi... 

Còn tôi, đến Paris lần đầu, cứ đi lại vẩn vơ dọc con đường, nhìn những hàng cây trụi lá thẳng tắp, nhìn dòng người chảy không dứt trên vỉa hè rộng thênh và dưới lòng đường. Lướt mắt chứ không cận cảnh Khải Hoàn Môn biểu tượng nước Pháp, sừng sững từ thời Napoléon đến giờ. Không nhìn mặt ai. Cảm thấy chỉ cần thơ thẩn đứng đó là đủ lắm rồi. Trước một cái gì quá đẹp và mạnh đánh vào trực giác thì thôi khỏi mất công mổ xẻ vì sao nó đẹp.

Xong rồi không khỏi cười nhẹ khi nhớ ai đó gọi phố Lê Thái Tổ ven Hồ Gươm là “Champs- Elysées Việt Nam”, còn Zone 9 phố Trần Thánh Tông (đã khai tử năm ngoái) là “Montmarte Hà Nội”. Hà Nội không phải không có những cái hay ho nhưng ví von không sát thì yêu nhau bằng mười phụ nhau, xúc phạm. Một ngày hổn hển leo đồi Montmartre của tôi chỉ để hiểu thế nào là chốn tụ bạ của nghệ sĩ, nghệ thuật và những người có tâm hồn nghệ sĩ, của cả những người thích chứng kiến sự nghệ sĩ đó.

Góc phố cạnh nhà thờ nổi tiếng nhất thế giới - Nhà thờ Đức Bà Paris có cái quán ăn được đặt tên là Esméralda, đầu kia là quán Quasimodo và những thứ có thể gây choáng nhẹ khác, vừa lãng mạn vừa tinh khôn. Ngày nay chắc chẳng mấy người trẻ và cả không trẻ đủ kiên nhẫn đọc hết những Nhà thờ Đức Bà Paris, Đỏ và đen, Tu viện thành Parme... “Sốt hết cả ruột” bởi có mỗi chiếc giày của Esméralda người trong mộng của anh gù mà tả chục trang. Nhưng tôi tạm chủ quan cho rằng những người sẵn sàng “thấy Paris rồi chết” hẳn đều từng có văn học Pháp trong hành trang cuộc đời để khi tận thấy Paris thì tẩn mẩn đối chứng.

Bài ca du lịch ảnh 1

Quán Esméralda cạnh Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: HaHoi

Bảo tàng Louvre thì “dã man” rồi, dễ gây ngộp thở, cả những con phố lớn nhỏ bao quanh nó dường như đều chứa đựng bí mật nho nhỏ về thời trang, lịch sử, văn hóa. Chỉ cần bước vào một cửa hiệu chuyên doanh dòng nước hoa Frederic đặc chủng chẳng hạn, đã thấy. Sống ở một nơi như thế, dễ hay khó?

Quanh Louvre nhiều cửa hiệu bán đồ lưu niệm, không phải gì cũng đáng mua song nếu không vội ắt phải dừng bước chọn vài món dễ chịu dù người bán hàng là cô nàng gốc Nga có ánh mắt khá kỳ thị. Nga cũng kỳ thị? “Có lẽ bởi họ nhầm mình người Hoa”- bà Hạnh, Việt kiều sống ở Paris mấy chục năm, cô ruột nhà thiết kế Đức Duy, lý giải.

Món đồ dễ chịu, ví dụ chiếc va-li chất liệu bình thường nhưng thiết kế quá độc đáo. Hay bao đựng kính trang trí bằng phiên bản danh tác La Joconde. Khăn lau kính là mảnh vải nhỏ xíu cũng in bức tranh họa nàng, mịn và nét. Có lẽ sáng kiến của người Trung Quốc thôi nhưng sự nhạy bén trong kinh doanh này đáng được ghi nhận bằng mấy đồng euro lẻ. Có thể có người cho những vật lưu niệm kiểu này là “sến” song với người từng bị ám bởi một cuốn sách dạng tiểu sử tên là Lenonardo da Vinci đọc thuở bé tí, về sau lại đọc chẳng hạn Mật mã Da Vinci của Dan Brown, thì không. 

Humphrey Bogart là một diễn viên không đẹp trai lắm, đóng không nhiều. Nhưng lại nổi tiếng vào loại nhất Hollywood. Tôi nghĩ đó là bởi ông đã may mắn nhận vai tuyệt vời Rick trong Casablanca. Phim này có một số cảnh Paris và câu thoại “Chúng ta sẽ luôn có Paris”. Trong quá khứ hai nhân vật chính hạnh phúc ở Paris, đau khổ chia ly rồi gặp lại ở miền đất Casablanca, rồi có thể không bao giờ gặp lại nữa nhưng “Chúng ta sẽ luôn có Paris” bởi người nọ yêu người kia hơn cả bản thân mình và họ đã hy sinh tình riêng cho điều cao cả hơn. Tôi nghĩ ai đã đến Paris sẽ hiểu vì sao một câu nói có vẻ bình thường lại là câu thoại tuyệt vời nhất bộ phim.

Paris có những quán cà phê đáng yêu không giống đâu, nhô ra chiếm trọn vỉa hè, những ngôi nhà kiến trúc đẹp kinh điển (điểm này thì nên liên tưởng với Hà Nội để thấy Hà Nội may mắn khi một phần của thành phố là sự thu nhỏ nền kiến trúc đó). Nhiều sự bất ngờ đến nỗi chứng nghiệm việc người ta gọi Paris là thủ đô của thế giới không hiểu sao cũng khoái cảm như mười mấy năm trước nghe gọi Leonardo Di Capiro là “vị hôn phu của hành tinh” khi chàng vào vai Jack để cứu Rose và bộ phim Titanic.

THẤY NHỮNG THỨ KHÁC THÌ SAO

Vừa chạm cửa ngõ Roma, anh lái xe của sứ quán Việt Nam ra đón, cảnh báo “Trộm ở đây siêu nhất thế giới đấy. Sứ quán từng phải giúp đỡ nhiều bà con tìm cách về Việt Nam trong hoàn cảnh bị móc sạch”.

Anh kể, có người găm tiền và hộ chiếu ở túi áo trong cùng, xong mặc áo khoác ngoài dày hự, thế mà trộm vẫn rạch được đúng chỗ cần rạch. Thế thì hãi quá. Mấy ngày ở Ý có lúc chẳng biết để tiền mặt và thẻ tín dụng vào đâu, có người sáng kiến cho vào bít tất xong mang vào chân đi giày bốt, khá kín nhưng tiền nong nhàu nhĩ cả. Có nghĩa, rời khỏi Roma mà bảo toàn được tài sản đã là thắng lợi, rằng mình cũng là người khôn rồi. 

Hỏi anh lái xe: Vậy hết nhiệm kỳ, các anh có thích ở thêm? Ai mà chẳng thích. Vì sao? Cuộc sống ổn định, phúc lợi xã hội quá tốt chứ sao.

Có người nói Roma “thành phố vĩnh cửu”, “thành phố bảo tàng” có vẻ ngoài hơi quyết liệt, nhất là so với sự đa dạng, vừa lộng lẫy vừa gần gũi của Paris. Có người khó tính nói những danh thắng lừng lẫy như đài phun nước Trevi “đến một lần là đủ” hay đấu trường Colosseo 2.000 năm tuổi “vĩ đại nhưng không được như hình dung”. Nếu phép lạ cứ xảy ra hàng ngày thì phép lạ không còn là phép lạ. Từ Hà Nội transit sân bay Charles de Gaulle, không dừng Paris mà bay luôn đến Ý, ngày đầu tiên quả tình khó mà không ngẩn tò te trước những gương mặt và dáng vóc thanh tú trên đường, đẹp từ lông mày và sợi tóc đẹp đi, sang đến ngày thứ ba thì quen hẳn, bớt ngạc nhiên. Nhưng ngồi cà phê trên con phố Via Margutta từng là bối cảnh quay bộ phim Kỳ nghỉ ở Roma với Audrey Hepburn và George Peck hơn 60 năm trước, cảm giác vẫn khác. Chán chụp cái mặt mình nhưng không chán chụp bên cái đài phun nước từng đi vào bộ phim hoàn hảo Thiên thần và ác quỷ với Ewan McGregor diễn xuất thần. Cảnh gần cuối phim, giáo sư Robert Langdon do Tom Hanks thủ vai lao xuống đài phun nước cứu vị giáo chủ sau này trở thành Giáo hoàng, câu anh gọi thảng thốt nghe quá tình cảm “Giáo chủ Baggia, bọn chúng đã giam người ở đâu”.

Bài ca du lịch ảnh 2

Colosseo - đấu trường La Mã 2.000 năm tuổi

Mùa đông, đường phố Roma gam màu đen chủ đạo, tưởng đơn điệu song nhìn kỹ thì không chiếc quần chiếc áo nào giống nhau. Những người trung niên hoặc già hơn mặc cực đẹp và nhìn họ, nhìn trang phục và thần thái của họ, người ta không thấy sợ tuổi già. Già vẫn ổn như thường. Làm sao để được như vậy?

Nhớ hôm chúng tôi tham quan tập đoàn thời trang Gattinoni có quan hệ với giới thời trang Việt Nam. Trong xưởng thiết kế ngổn ngang, một bà già đẹp lão ngồi đó thêu thêu may may. Bà đã có cuộc đời dài cống hiến ở nơi này. Nắm tay Minh Hạnh (nhà thiết kế) bà bảo “Hãy quên châu Âu đi” ý nói phải tìm con đường đi riêng. Minh Hạnh: “Tôi sẽ không quên nhưng tôi biết mình phải làm gì”. Minh Hạnh, tiếng Anh như gió, mấy hôm liền đôn đáo tìm địa điểm trình diễn thời trang Việt ở Ý và Pháp. Quan sát chị làm việc và giao lưu tôi nghĩ Minh Hạnh rồi đến lúc nghỉ ngơi nhưng ai sẽ thay chị giao tiếp bình đẳng ra thế giới về thời trang đây.

Lần đầu đến Paris, không có kinh nghiệm với khí hậu lạnh và khô nên chân tôi bị cước, khó chịu kinh người. Khi thị có một cái chân đau thì như bà cô Thị Nở, cảm nhận của thị về thế giới cũng bị ảnh hưởng. Không đủ nhiệt tình khám phá hết các bảo tàng lớn, không có sức lội bộ quảng trường Concorde và thâm nhập thế giới tàu điện ngầm Paris.

Vào siêu thị chọn quả hồng Israel to vật ăn thử thấy ngon nhưng ngại mang xách nên chỉ mua ví dụ. Đi ăn phở Quỳnh có tiếng ở đường Pierre Mendes France, tò mò về sự đông khách Tây nhưng nhìn cảnh xếp hàng thì muốn lui, không bụng dạ nào nán lại quan sát cuộc mưu sinh của đồng bào. Nói chung, có bạn đồng hành thú vị, lịch trình tốt thì chưa đủ hoàn hảo khi mà sức khỏe, tiền bạc và văn hóa của đa số du khách Việt chúng ta hãy còn khá “hoàn cảnh”, khiến lên kế hoạch và lên đường thì hăm hở nhưng vẫn như du khách bất đắc dĩ.

Điều nữa, xem một bộ phim, vở kịch bạn còn bị tâm trạng chi phối, huống hồ một chuyến đi dài. Mười mấy năm trước, cuộc du lịch Trung Quốc chỉ 9 ngày mà tôi tưởng quá dài. Là bởi lòng dạ lúc ấy ngổn ngang. Mà chuyến đó đầy tình huống và nhân vật thú vị, từ ông hướng dẫn viên người địa phương đã 70 tuổi trở đi. Ông là Hạo, mặt tròn phúc hậu, bắt đầu cuộc làm quen với du khách không phải bằng một câu chuyện tiếu lâm tục tĩu - mốt của các tour du lịch lúc bấy giờ, mà là “Tôi quý Bác Hồ lắm, đã gặp Bác mấy lần hồi còn trẻ, làm việc ở Việt Nam”, hồi ức với những chi tiết đáng tin cậy và kể những câu chuyện dí dỏm khác.

Trước khi đến Paris, cũng nghe cảnh báo “Paris có những chỗ bẩn, phức tạp lắm” “Lòng tự tôn của dân tộc đó quá lớn” “Đừng có mất công leo tháp Eiffel, phí thời gian lại chẳng có quái gì”. Vân vân. Thì Guy de Maupassant chẳng ghét cay ghét đắng tháp Eiffel là gì. Có giai thoại, nhà văn này thường lui tới ăn trưa ở nhà hàng bên trong tòa tháp vì cho rằng đây là nơi duy nhất ở Paris khiến ông không phải nhìn thấy tháp Eiffel. Bởi bạn có thể nhìn thấy Eiffel từ bất cứ nơi nào tại Paris. 

Những chuyện như vậy lại không nằm ở một bài có tựa là Bài ca du lịch.

Lý tưởng cho một chuyến đi là bạn phải trang bị đủ sức khỏe, tiền bạc và văn hóa.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.