Kiện toàn hành lang pháp lý
Những vi phạm trong hoạt động quảng cáo của giới nghệ sĩ khiến công chúng mất niềm tin và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu về hình thức xử phạt nghiêm đối với các nghệ sĩ tham gia quảng cáo thổi phồng sự thật, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Nhiều loại thực phẩm chức năng được thổi phồng công dụng qua lời quảng cáo của nghệ sĩ |
Không khó để kể ra những cái tên gắn liền với những quảng cáo thổi phồng về công dụng của thực phẩm chức năng. Những sản phẩm này được tung hô thành thuốc trị khỏi bách bệnh như thoái hóa khớp, loãng xương, u xơ cổ tử cung... chỉ sau thời gian ngắn.
Có nhiều nghệ sĩ khi biết mình quảng cáo sai lập tức dừng quảng cáo và xin lỗi công chúng. Một số khác lại lờ đi, không tỏ thái độ và để những quảng cáo sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội, kênh truyền thông khác nhau. Thực tế, dù nhiều nghệ sĩ phải lên tiếng xin lỗi công chúng nhưng việc nhận quảng cáo thổi phồng của nghệ sĩ không hề giảm đi.
Trước thực trạng đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) có tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trong đó, nội dung đáng chú ý là đề xuất bổ sung quy định về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng. Họ chính là những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, người nổi tiếng hoặc những người có tài khoản mạng xã hội có số lượng đăng ký, theo dõi lớn.
“Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải đảm bảo yêu cầu: Phải có văn bản thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện, khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên trang mạng xã hội khi có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm”, dự thảo nêu rõ.
Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Lê Thanh Liêm khẳng định, Bộ VHTTDL sẽ áp dụng xử phạt nếu phát hiện và xác định được nội dung, hành vi vi phạm cụ thể, đầy đủ hoặc thông qua phản ánh của báo chí. Ông cũng lưu ý, nếu nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng, trách nhiệm trước hết thuộc về quản lý của Bộ Y tế - đơn vị trực tiếp kiểm định và xử phạt nếu phát hiện sản phẩm sai phạm.
Diễn viên Hương Giang từng bị chỉ trích vì quảng cáo mê tín dị đoan tràn lan |
“Bộ VHTTDL đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong đó có nội dung nghệ sĩ tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường”, ông Liêm cho biết. Bộ VHTTDL thường xuyên nhắc nhở nghệ sĩ tuân thủ quy tắc cũng như ứng xử chuẩn mực trong mọi hoạt động. Nếu nghệ sĩ vướng sai phạm sẽ bị áp dụng xử phạt theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Hạn chế sức ảnh hưởng của nghệ sĩ vi phạm
Đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là cần thiết, tuy nhiên còn đó không ít những vướng mắc khi thực thi bởi định nghĩa, tiêu chuẩn, quy định thẩm định chưa đủ rõ ràng. Các chuyên gia cho rằng, cần có khung pháp lý chặt chẽ để xác định đâu là giới hạn trong quảng cáo, bao gồm những nội dung không lành mạnh, sai sự thật, vi phạm pháp luật. Việc xác định tiêu chuẩn này phải được thống nhất, minh bạch để tránh gây hiểu lầm, tranh cãi.
Chuyên gia xã hội học, TS. Phạm Quỳnh Hương nhấn mạnh, đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cần chú trọng về quy định quảng cáo sản phẩm, đặc biệt với các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng. “Không thể dùng ngôn từ lập lờ hoặc khiến công chúng nghi ngờ, hiểu nhầm chức năng của sản phẩm. Dù là ai khi quảng cáo sản phẩm cũng phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế về sản phẩm”, TS. Phạm Quỳnh Hương nêu. Vị chuyên gia cho rằng, cần cân nhắc loại bỏ thuốc khỏi danh sách sản phẩm được phép quảng cáo như một số nước trên thế giới đã làm.
Một số chuyên gia đề xuất sử dụng các cơ quan, tổ chức chuyên nghiệp, độc lập để thực hiện việc thẩm định quảng cáo nhằm tránh áp lực từ các bên liên quan hoặc lợi ích cá nhân. Đồng thời, quy trình xử lý khiếu nại và xử lý vi phạm phải được xây dựng một cách công bằng và hiệu quả. Thậm chí nhiều chuyên gia còn tính đến giải pháp hạn chế biểu diễn, hạn chế sự xuất hiện và sức ảnh hưởng của nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật.
Các chuyên gia nhấn mạnh, việc thực hiện chế tài cần sự hợp tác và liên kết với các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý, nghệ sĩ, công chúng và các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan để giúp bảo đảm tính toàn diện và hài hòa trong việc thực hiện chế tài. Ngoài ra, ông đề nghị, cần cung cấp, hướng dẫn và tư vấn cho nghệ sĩ và các nhà quảng cáo về quy trình thẩm định và tiêu chuẩn để giúp tăng cường hiểu biết và tuân thủ từ phía người tham gia.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật T.Ư cho rằng, nghệ sĩ cần tự nhận thức về trách nhiệm đối với công chúng, nhất là khi quảng cáo sản phẩm để nhận thù lao. “Những lời quảng cáo do nhãn hàng biên soạn liệu có phóng đại quá mức, thậm chí mang tính chất lừa dối khách hàng, công chúng? Nghệ sĩ cần cân nhắc, từ chối quảng cáo sản phẩm sai sự thật”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nói.
Lương tâm của nghệ sĩ
Nhu cầu từ thực tiễn là có thật cho nên không ít nghệ sĩ nhận được lời mời quảng cáo, tuy nhiên việc nhận quảng cáo cho nhãn hàng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nghệ sĩ. Nếu đủ tỉnh táo, nghệ sĩ không khó phân biệt chất lượng sản phẩm định quảng cáo. NSND Quốc Anh chia sẻ với Tiền Phong rằng, ông nhận được nhiều lời mời quảng cáo sản phẩm nhưng không dám nhận bởi “không thể xác minh nguồn gốc và lợi ích của sản phẩm”, từng nhiều lần khuyên đàn em diễn viên thận trọng khi nhận quảng cáo, thậm chí không khuyến khích họ nhận quảng cáo tăng thu nhập.
Nghệ sĩ Ngọc Dương (Nhà hát Chèo Việt Nam) cho rằng, bên cạnh những điều luật do Nhà nước quy định, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của nghệ sĩ cũng cần phải có những chuẩn mực riêng. “Nếu chỉ làm theo những điều luật về văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng mới dừng lại ở phần trách nhiệm. Còn lương tâm và lòng tự trọng của nghệ sĩ lại là vấn đề khác. Nghệ sĩ gìn giữ hình ảnh không chỉ cho bản thân mà nói rộng ra còn là hình ảnh đại diện cho nền văn hóa của một dân tộc”, nghệ sĩ Ngọc Dương nhận định.