Bác Tô Hoài với cha tôi

Bác Tô Hoài với cha tôi
TP- Một ngày cuối năm 1996, tôi đến Nhà xuất bản Văn học lĩnh nhuận bút cho cha tôi – nhà văn Nguyễn Huy Tưởng – thì gặp bác Tô Hoài.

Bác đến lĩnh nhuận bút cuốn gì thì tôi không rõ, còn tôi thì lĩnh cho cha tôi nhuận bút bộ Toàn tập, vừa được ra mắt bạn đọc.

Năm 1996 ấy là năm Bính Tý, cũng là năm tuổi của cha tôi (cha tôi sinh năm Nhâm Tý 1912, mất năm Canh Tý 1960, sống vừa trọn bốn con giáp).

Có thể nói đấy là một năm đầy ý nghĩa với cha tôi. Chỉ trong mấy tháng cuối năm, gần như cùng một lúc ông được hưởng mấy cái vui liền: được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I, được xuất bản Toàn tập, được thành phố Hà Nội làm phim truyền hình nhiều tập dựa theo tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô của ông, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Toàn quốc kháng chiến.

Dễ hiểu là gia đình chúng tôi vui mừng phấn khởi tự hào cho cha mình như thế nào. Niềm vui của tôi, hôm ấy, lại càng vui hơn, khi tôi được gặp tại Nhà xuất bản Văn học bác Tô Hoài, người bạn văn thân thiết của cha mình.

Câu chuyện giữa hai bác cháu lan man đủ chuyện rồi lại trở về với Giải thưởng Hồ Chí Minh đang là đề tài thời sự lúc bấy giờ.

Nhân nói đến những người chưa được (hay không được) giải thưởng, bác Tô Hoài có nhắc đến một người khiến tôi khá bất ngờ: nhà thơ Tú Mỡ. “Người ta đã quên Tú Mỡ!” – nhà văn Tô Hoài nói bằng một giọng nhẹ nhàng như không mà sao thấm thía.

Tôi chợt nhớ đến những trang viết của bác Tô Hoài về nhà thơ trong hồi ký Cát bụi chân ai. Tú Mỡ, nhà thơ trào phúng, tác giả của các bài thơ đả kích giàu sức chiến đấu từ thời trước Cách mạng và trong kháng chiến chống Pháp, theo như bác Tô Hoài, là người “hiền lành, củ mỉ, ít nói”.

Nhưng trong cuộc chỉnh huấn mùa đông năm 1951, ông hóa ra lại là người khó góp ý kiến, khó “đánh đổ” nhất, khó hơn nhiều mấy tổ viên cứ ngỡ là “khó” như Phan Khôi, Trần Đức Thảo... Tổ trưởng tổ chỉnh huấn Tô Hoài phân tích thế nào mà cái ông Tú Mỡ nhà ta vẫn nhất định không chịu quên ơn kẻ “phản bội” Nguyễn Tường Tam đối với mình.

Đơn giản là ông Nguyễn Tường Tam (tức nhà văn Nhất Linh) khi làm báo Phong hóa đã “khuyến khích Tú Mỡ đi vào thơ trào phúng, chuyên thơ trào phúng, có Nguyễn Tường Tam mới thành Tú Mỡ”.

Rồi đến khi bị thuyết phục bằng được để nhận ra “cái mặt thằng bán nước”, nhà thơ Tú Mỡ nhất định đề nghị nếu sau này ta có bắt sống được kẻ ấy, thì “xin Chính phủ đừng cử Tú Mỡ ra chém Nguyễn Tường Tam”...

Tôi bỗng thấy quí mến nhà thơ chưa từng được quen biết này. Ít lâu sau, tôi được về làm ở Nhà xuất bản Kim Đồng, biên tập mảng sách khoa học cho thiếu nhi.

Nhà xuất bản chúng tôi khi ấy đang có tủ sách “Thơ với tuổi thơ”, giới thiệu những áng thơ hay của các tác giả hàng đầu của đất nước, song chưa có của nhà thơ Tú Mỡ.

Mặc dù không thuộc phận sự mình, tôi đã mạnh dạn đề xuất với cơ quan bổ sung vào chương trình xuất bản cuốn Tú Mỡ – Thơ với tuổi thơ (tất nhiên không quên viện dẫn ý của nhà văn Tô Hoài), và đã được chấp thuận...

Trở lại với buổi hầu chuyện bác Tô Hoài hôm ấy. Nhân nói đến những người được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu (14 người tất cả), tôi và cả mấy người khác nữa trong phòng đều cho rằng cả 14 vị đó đều quá xứng đáng.

Bác Tô Hoài thoạt đầu không nói gì, chỉ mủm mỉm nghe. Rồi bác thủng thẳng nói, miệng vẫn cười cười: Thế mà lúc xét giải, có người định nhấc tôi ra đấy. Nhưng rồi thấy không tiện, họ lại phải đặt vào. Mà bản thân tôi cũng thấy nhấc tôi ra là không tiện...

Nói đến hai chữ “không tiện” cuối cùng thì bác cả cười, không chỉ khóe miệng mà cả đuôi mắt cũng nheo nheo cười – nụ cười “tinh quái” Tô Hoài, như có người đã nhận xét.

Bấy giờ tôi mới để ý, trong số những người được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu, nhà văn Tô Hoài đứng ở vị trí cuối cùng, số 14!

*

*  *

…Trong các bạn văn của cha tôi, tôi vẫn nghĩ bác Tô Hoài với cha tôi là hai người bạn trọng thị nhau nhất. Cha tôi hơn bác Tô Hoài tới tám tuổi, song tôi không hề thấy dấu ấn sự chênh lệch tuổi tác trong mối quan hệ giữa hai ông.

(Mà cũng lạ, không bao giờ mấy chị em chúng tôi gọi nhà văn bằng chú như với một số bạn văn khác ít tuổi hơn của cha tôi; dường như chúng tôi cũng nhận thấy sự trọng thị của cha tôi dành cho bác hay sao ấy.)

Theo hồi ức của bác Tô Hoài trong bài Nguyễn Huy Tưởng – bài viết có cái tiêu đề giống như lời chú cho một bức chân dung nghiêm ngắn nhất, hai ông bắt đầu biết nhau từ năm 1942, trong một hội nghị ban dạy học hội Truyền bá quốc ngữ.

“Cũng như tính tình anh, con mắt đầu tiên nhìn người không lạnh nhạt, ơ hờ, mà độ lượng và sẵn sàng thân thiết” – Bác Tô Hoài hồi tưởng lại.

Một năm sau, hai ông kẻ trước người sau lần lượt tham gia hoạt động Văn hóa cứu quốc, hay theo cách nói của bác Tô Hoài, “đều ở “đoàn thể” cả, điều bất ngờ mà chúng tôi cảm thấy và mường tượng ra đã lâu”.

Từ đó đến năm 1960, khi cha tôi qua đời, với gần hai chục năm biết nhau, biết ý thức trách nhiệm với công việc cầm bút của nhau, biết khát vọng sáng tạo của nhau, biết lao động nghệ thuật công phu ở mỗi trang viết của nhau, bác Tô Hoài mới có thể nói ra cái câu: “Ông Tưởng đã viết thế thì đúng là thế rồi” một cách thoải mái như thế chứ!

Cũng trong các bạn văn của cha tôi, bác Tô Hoài là người viết về ông nhiều nhất. Năm 1966, Nhà xuất bản Văn học làm tuyển Truyện viết cho thiếu nhi của cha tôi.

Lời giới thiệu, đương nhiên, nhà xuất bản mời nhà văn Tô Hoài, người đã cùng cha tôi và một số ít bạn bè tâm huyết khác gây dựng nền văn học cách mạng cho thiếu nhi ngay từ buổi đầu.

Tập tuyển của cha tôi cũng mỏng thôi, vỏn vẹn có sáu cái truyện cả cổ tích, lịch sử, cả kháng chiến. Lịch sử thì có Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Kể chuyện Quang Trung, cổ tích thì có Tìm mẹ, Con cóc là cậu ông giời, An Dương Vương xây thành ốc.

Bấy giờ bác Tô Hoài đã có cả loạt truyện cho thiếu nhi, từ Dế mèn phiêu lưu ký, Võ sỹ bọ ngựa, Đám cưới chuột đến Chim chích lạc rừng, Đàn chim gáy, Kim Đồng...

Tác giả Dế mèn, người đã làm biết bao thế hệ độc giả say mê với cuộc phiêu lưu có một không hai của chú dế của mình, đã gọi mấy cái sáng tác “vỏn vẹn” của cha tôi là “những cổ tích vừa lạ lùng xanh biếc, vừa mênh mông những tưởng tượng kỳ ảo”...

Để rồi đi đến một nhận xét có tính khái quát: “Trong văn học cho thiếu nhi của ta, kể chuyện lịch sử và cổ tích, cho đến bây giờ, chưa ai chuyên và đã thành công như Nguyễn Huy Tưởng”.

Hơn hai mươi năm sau (1987), Nhà xuất bản Kim Đồng có ý định làm tuyển tập các sáng tác cho thiếu nhi của cha tôi. Lần này, tập sách lấy tên truyện Tìm mẹ làm tên chung, nhưng về nội dung thì cơ bản vẫn thế (có chăng chỉ thêm truyện cổ tích-dân gian Thằng Quấy).

Nhà xuất bản muốn sử dụng lại lời giới thiệu của nhà văn Tô Hoài đã viết cho ấn phẩm năm xưa của nhà Văn học. Tất nhiên, với quãng lùi hơn hai chục năm, người biên tập thấy cần thiết phải hỏi lại tác giả có muốn sửa chữa, thêm bớt gì không.

Lúc này nhà văn Tô Hoài đã có thêm trong danh mục sáng tác cho thiếu nhi của mình những nào là Đảo hoang, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ... cùng biết bao truyện dài ngắn khác khó mà kể hết được.

Thế nhưng ông đã trả lời lại người biên tập rằng ông thấy không cần phải sửa chữa gì hết, rằng những gì ông nghĩ và viết khi xưa về mảng kể chuyện cổ tích và lịch sử của ông Tưởng thì bây giờ vẫn vậy.

Và cuốn Tìm mẹ của cha tôi đã được in ra với lời giới thiệu của nhà văn Tô Hoài vẫn nguyên câu kết như hơn hai mươi năm về trước: “Nguyễn Huy Tưởng viết cho các em ít. Nhưng những tác phẩm của anh để lại thật đã giá trị. Gương thành công ấy đặt trách nhiệm cho chúng ta”.

Những thiết tha, mong mỏi cùng nhau về văn học thiếu nhi, những gì các ông đã viết nên và những gì còn chưa thể như ý, sự trân trọng những đóng góp của người bạn không may mất sớm và ý thức về khả năng sáng tác ngày một “phong độ” của mình, tất cả đã khiến bác Tô Hoài nhìn nhận về cha tôi mới thật vô tư và cảm động làm sao!

“Sài Gòn giải phóng. Tôi được trở lại Sài Gòn những ngày vô cùng bồng bột, chẳng khác Hà Nội trong Cách mạng tháng Tám 1945 mà tôi được chứng kiến và tham gia...

Tôi nghĩ đến Nguyễn Huy Tưởng” – bác Tô Hoài viết trong lời giới thiệu cuốn Nguyễn Huy Tưởng tuyển tập, do Nhà xuất bản Tác phẩm mới xuất bản những năm sau giải phóng.

Trong cái lời giới thiệu xét thấy cần phải viết cặn kẽ một chút để bạn đọc miền Nam biết thêm về văn học cách mạng, bác Tô Hoài đã kể một chi tiết thật thú vị về quãng đời hoạt động Văn hóa cứu quốc bí mật của các ông hơn ba mươi năm về trước.

Rằng hồi ấy, các ông vẫn thường xuyên qua lại căn gác cha tôi thuê ở phố Pescadore, nay là phố Phù Đổng Thiên Vương, gần chợ Hôm.

Căn gác là nơi gặp gỡ các bạn văn mà cũng là đồng chí của cha tôi, đồng thời cũng được dùng làm nơi hội họp của tổ chức Văn hóa cứu quốc. Để cho tiện, ngoài cửa cha tôi dùng một cái khóa số, cài số 1789 – năm nổ ra Cách mạng Pháp. Ai biết số cứ việc mở vào...

...Thực ra, cha tôi viết về nhà văn Tô Hoài không nhiều. Duy nhất có một lần lúc sinh thời, ông viết về người bạn kém mình tới tám tuổi, khi ấy mới vừa 27 cái xuân xanh trong bài Các văn nghệ sĩ với cuộc thi Việt Bắc kháng chiến – vài nét phác họa chân dung thì đúng hơn: “Anh đi như nhảy trên Đèo Khế, cái xắc sau lưng.

Tôi nghĩ đến cậu bé tựu trường của Anatole France. Tô Hoài ở Cao Bằng về. Ở cái xứ núi biếc, đàn bà trắng trẻo, con trai anh dũng ấy, anh phụ trách một tờ báo rất có ảnh hưởng trong dân chúng.

Và cũng ở đấy anh đã sống những ngày sôi nổi của chiến dịch mùa thu. Chắc hẳn là nhiều tài liệu lắm, để viết về Việt Bắc. Nhưng anh thủ thỉ:

- Mình ở Việt Bắc nhưng có biết gì đâu. Chung quanh súng nổ. Tôi cùng Nam Cao cắm cổ viết trong một cơ quan gần ngay mặt trận, nhưng mà yên ổn. Trong các trận đánh, tôi chỉ biết rành mạch trận Phủ Thông. Tài liệu cũng khá nhiều.

- Thế là đủ rồi để viết.

- Cũng chưa đủ. Còn phải đào sâu nữa. Tôi tự thấy mình chưa dựng nổi. Về cuộc thi, tôi cũng dự. Mà chúng ta phải dự cả. Tôi thấy chỉ đủ sức tả tinh thần dân chúng những vùng tôi sống. Cuộc kháng chiến của dân chúng thật lạ kỳ.

Bằng một lối kể hóm hỉnh đặc biệt của anh, nhà văn của làng Bưởi, của dế mèn, của những người làm giấy và của thanh niên, kể cho tôi những mẩu chuyện về đời sống, về cuộc chiến đấu đượm vẻ ngây ngô, những gan góc quyết liệt của dân chúng Cao Bằng, Bắc Cạn.

Chúng tôi nhẹ nhàng vượt dốc. Chúng tôi vui vẻ xuống đèo. Một vỏ bom trăm cân ghi dấu cuộc truy kích giặc của dân quân bộ đội, tại đèo này, một tháng trước đây, nằm bên đường. Chúng tôi dừng lại, say sưa, tự hào. Tô Hoài nói tiếp:

- Tôi cũng chỉ vừa vặn làm được một truyện vừa thôi. Đó là danh từ nếu tôi không lầm, của riêng anh, để chỉ một nouvelle.

- Thế là tốt lắm.

Chúng tôi cùng cười. Đấy là lời, mà tôi dám mượn, của Cha già, một lời bất di bất dịch trong tất cả những bức thư Người gửi ngợi khen một cá nhân hay một đoàn thể công hay tư. Lời thân mật. Chúng tôi vui như đôi anh em ruột”...

Tất cả thật trong trẻo như thời kháng chiến là như thế. Cũng qua đoạn trích đó chúng ta còn thấy được cái sự nói ít hiểu nhiều của các ông, từ một thói quen dùng từ đến lối đùa vui mượn lời vị lãnh tụ kính yêu.

Tiếc rằng cha tôi mới chỉ có dịp viết về bác Tô Hoài có thế, trong một bài viết chung về các văn nghệ sĩ khác nữa.

Cuộc sống bộn bề suốt từ đó đến khi qua đời, lúc nào cũng canh cánh những đề tài đang theo đuổi và những sáng tác chưa hoàn thành khiến cha tôi không lúc nào được rảnh để mà viết hồi ký, như ông từng mong ước!

*

*  *

...Phải chăng do hợp nhau, quý mến nhau mà cha tôi và bác Tô Hoài sẵn sàng nói tốt, nghĩ tốt về nhau như thế? Tôi nghĩ không hề là ngẫu nhiên mà tình bạn giữa hai ông đã có được cái thước đo của sự tin cậy, hoàn toàn yên tâm về nhau.

Những ai từng đọc Cát bụi chân ai của nhà văn Tô Hoài, hẳn còn nhớ câu chuyện ông kể bị nhà văn Nguyên Hồng mắng, khi tác giả Sóng gầm cảm thấy tác giả Dế mèn “trở cờ” bằng việc viết lời thú nhận Nhìn lại một số sai lầm trong công tác trên một báo nọ. Khi ấy, nhà văn Nguyên Hồng đã chỉ thẳng mặt nhà văn Tô Hoài mà mắng rằng: “Tiên sư mày, thằng Câu Tiễn!”.

Liệu còn ai, ngoài bác Tô Hoài, “tự nguyện” lấy mình ra để cho một nhân cách lớn, đáng tin cậy như nhà văn Nguyên Hồng sỉ vả thậm tệ đến thế, mà lại là “không khảo mà xưng”.

Còn trong nhật ký của cha tôi cũng có một đoạn tôi đã phải đắn đó không ít trước khi quyết định công bố (xin được thành thực với bạn đọc).

Đó là đoạn cha tôi, trong một cuộc họp kiểm điểm văn nghệ sĩ sau vụ Nhân văn Giai phẩm, đã tự nhận lỗi lầm, và trong lúc tự thú, đã làm cái việc mà sau đó ông vô cùng hối tiếc: “Mình liên hệ cả Trần Đức Thảo, Phạm Ngọc Khuê: thấy hèn (nhật ký tháng giêng và tháng 2 năm 1958).

Trần Đức Thảo là nhà triết học được coi là duy nhất của Việt Nam mà chắc chắn là cha tôi quí trọng, còn Phạm Ngọc Khuê là cái ông bác sĩ bạn với cha tôi từ trước Cách mạng và đến thời Nhân văn Giai phẩm thì bị qui là theo chủ nghĩa tờ-rốt-kít.

Trong không khí “đấu tranh” hừng hực khi ấy, dễ hiểu cha tôi đã có lúc bị áp lực đám đông khiến cho phải nói ra những điều có thể gây nguy hiểm cho người khác.

Những chuyện như thế này tất nhiên sau đó khiến người ta rất hối hận, nhưng thường thì người ta sẽ tìm cách biện minh cho thái độ của mình, rằng đó là điều bất khả kháng. Thế nhưng cha tôi, cũng giống như trong trường hợp bác Tô Hoài không khảo mà xưng, đã ghi lại chuyện này trong nhật ký và tự trách mình, một cách thật sòng phẳng: “Thấy hèn”.

Giờ đây đọc lại những dòng này, chúng ta đều thấy thú vị và quí trọng sự trung thực của các ông. Nhưng phải đặt mình vào địa vị người đặt bút viết ra những lời không lấy gì làm “vinh dự” ấy, mới thấy hết sự dũng cảm của người cầm bút khi tự đem mình ra phán xét.

Bác Tô Hoài đã làm việc ấy, cha tôi đã làm việc ấy – tất nhiên mỗi ông một cách – và rõ ràng các ông xứng đáng với sự tin cậy của nhau. Gì chứ về nhân cách con người thì các ông nhà văn tinh nhạy lắm!

MỚI - NÓNG
Vua Charles và Hoàng tử William tại lễ chuyển giao. (Ảnh: Reuters)
Vua Charles phong hàm cho Hoàng tử William
TPO - Vua Charles của Anh vừa chuyển giao vị trí cấp cao trong quân đội cho con trai ông là Hoàng tử William tại buổi lễ diễn ra ngày 13/5. Đây là lần xuất hiện hiếm hoi của hai người từ khi Vua Charles trở lại thực hiện nghĩa vụ sau thời gian điều trị bệnh ung thư.