Bác sĩ Myanmar đình công phản đối đảo chính, đòi thả Cố vấn Suu Kyi

Các bác sĩ Myanmar đeo huy hiệu ruy băng đen để phản đối đảo chính. Ảnh: Twitter
Các bác sĩ Myanmar đeo huy hiệu ruy băng đen để phản đối đảo chính. Ảnh: Twitter
TPO - Hai ngày sau cuộc đảo chính, chưa có bất cứ cuộc biểu tình nào được ghi nhận ở Myanmar. Tuy nhiên, đã có một số hành động chống đối, bao gồm cả một cuộc đình công của nhân viên y tế.

Ghi nhận của báo giới từ các thành phố lớn của Myanmar cho thấy có rất ít dấu hiệu về việc bổ sung lực lượng an ninh trên đường phố. Quân đội Myanmar dường như khá thoải mái vì không phải đối mặt với các cuộc biểu tình lớn.

“Chúng tôi muốn ra ngoài để thể hiện sự phản đối của mình. Nhưng Mẹ Suu (Cố vấn Aung San Suu Kyi) đang ở trong tay của họ. Chúng tôi không thể làm gì nhiều ngoài im lặng vào lúc này”, một người dân nói.

Tuy nhiên, một số hành động chống đối và bất tuân đã được ghi nhận, trong đó có cuộc đình công của các nhân viên y tế.

Cụ thể, các bác sĩ làm việc trong các bệnh viện chính phủ đã tuyên bố sẽ dừng làm việc từ hôm nay, 3/2, để thúc giục việc trả tự do cho bà Suu Kyi.

Một số bác sĩ cũng sử dụng huy hiệu tượng trưng cho việc phản đối trong im lặng.

Ít nhất 1 bác sĩ đã nghỉ việc, nói rằng “cuộc đảo chính này không thể chấp nhận được”. Danh tính bác sĩ này được xác định là Naing Htoo Aung, 47 tuổi, bác sĩ gây mê tại Bệnh viện Mongywa ở vùng Sagaing.

“Tôi nghỉ việc vì không thể làm việc dưới chế độ độc tài quân sự, khi đất nước và người dân không được quan tâm”, bác sĩ Naing Htoo Aung nói.

Cuộc đình công của các bác sĩ diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 ở Myanmar vẫn rất phức tạp.

Myanmar hiện đã ghi nhận tới hơn 140.000 ca COVID-19, với hơn 3.100 ca tử vong.

Hôm qua, 2/2, hơn 100 nghị sĩ và quan chức địa phương đã được quân đội trả tự do sau một ngày bị giam lỏng ở thủ đô Nay Pyi Taw.

Trong khi đó, bà Suu Kyi và Tổng thống Win Myint được cho là đang bị quản thúc tại gia.

Ngay sau cuộc đảo chính, lãnh đạo quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm, chuyển giao mọi quyền lực cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing, bổ nhiệm Phó Tổng thống Myint Swe - một cựu tướng quân đội - làm quyền tổng thống.

Theo Theo BBC
MỚI - NÓNG