Phóng viên chiến trường
Ngồi ở đuôi giường của cha, anh Sơn Định vừa tiếp chuyện tôi, thỉnh thoảng lại bóp chân cho nhà văn Sơn Tùng. Nghe tôi hỏi về quãng đường tiếp theo của nhà văn Sơn Tùng, anh Định cho biết, cuối năm 1954, cha anh ra Hà Nội học tại trường Đại học Nhân dân Việt Nam (địa điểm nay là Cung văn hóa Hữu nghị), sau đó được bầu làm Bí thư chi bộ, Phó trưởng Ban đại diện sinh viên của trường này. Ngôi trường được mở ra nhằm trang bị một số kiến thức sơ giản về cách mạng dân tộc, dân chủ, lý tưởng xã hội chủ nghĩa và nhiệm vụ của thanh niên… Tháng 1/1955, ông được gặp Bác Hồ khi Người đến dự lễ khai giảng Trường Đại học Nhân dân Việt Nam.
Tháng 7/1955, Sơn Tùng là Phó trưởng đoàn thanh niên, sinh viên Việt Nam đi dự Đại hội thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ V tổ chức tại Vác-sa-va thủ đô Ba Lan. Trong chuyến đi này, ông gặp được bà Vera- một nữ cán bộ Quốc tế Cộng sản, nhân chứng lịch sử biết rõ Nguyễn Ái Quốc hoạt động trong thời kỳ ở Quốc tế Cộng sản. Những thông tin Sơn Tùng thu lượm được từ bà Vera đã giúp ông có thêm tư liệu quý về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Ảnh: KIẾN NGHĨA
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Sơn Tùng về làm việc ở Trường báo chí Trung ương. Năm 1960, ông về làm việc tại báo Nông nghiệp, đến cuối năm 1962 chuyển sang báo Tiền Phong. Tại đây, Sơn Tùng là đặc phái viên của báo Tiền Phong, hoạt động chủ yếu ở vùng chiến sự ác liệt của Quân khu 4, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và tuyến lửa Vĩnh Linh. Sau đó, ông lại được điều lên Hà Giang với nhiệm vụ tổ chức mạng lưới thông tín viên cho báo Tiền Phong để vận động bà con nơi đây bỏ thuốc phiện. Cuối năm 1967, Sơn Tùng lại được giao nhiệm vụ đi B (chiến trường miền Nam) để thành lập tờ Thanh niên Giải phóng.
Thời điểm nhận nhiệm vụ đi B, Sơn Tùng được tin bom Mỹ ném vào cầu Giát (Nghệ An), nơi vợ con ông đang sinh sống. Đồng thời, ông cũng nhận tin người em trai đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. Sơn Tùng đã không nói ra những tin ấy, gấp rút lên đường đi B để nhận nhiệm vụ. Và trong chuyến đi ấy, ông tự nhủ, nếu có cơ hội sẽ tìm bà Lê Thị Huệ để hiểu thêm về thời tuổi trẻ của Bác Hồ.
Nhưng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, cơ hội để thực hiện mong ước đó là vô cùng khó khăn. Trong khi đó, công việc làm báo của một phóng viên tại chiến trường luôn bộn bề. Và tại Trung ương Cục Miền Nam, địa điểm làm việc của tờ Thanh niên Giải phóng, Sơn Tùng đã gặp anh Sáu Phong (tức ông Nguyễn Minh Triết, sau này là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam). Khi đó, tại tòa soạn Thanh niên Giải phóng, Sơn Tùng cùng các phóng viên lo tổ chức bài vở, còn ông Sáu Phong đảm trách việc in báo. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, công việc tiến triển tốt, tờ Thanh niên Giải phóng được xuất bản ổn định.
Một lần, Sơn Tùng gặp anh Lâm Văn Tẩy, cán bộ phụ trách Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng từ huyện Cao Lãnh đến Trung ương Cục miền Nam làm việc. Tranh thủ hỏi chuyện, anh Tẩy cho Sơn Tùng biết mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc tại Cao Lãnh từng bị lính Việt Nam cộng hòa định phá, nhưng nhờ có hàng trăm người dân địa phương quyết liệt ngăn cản nên chúng phải lui ý định.Nghe vậy, Sơn Tùng bùi ngùi, không biết đến bao giờ mình có thể đến được Cao Lãnh để thực hiện ý định ấp ủ bấy nay.
Nhưng ý nguyện của Sơn Tùng không thể thực hiện vào thời điểm đó khi vào ngày 15/4/1971, những chùm M.79 từ máy bay bắn xuống nơi trụ sở báo Thanh niên Giải phóng hoạt động khiến ông trúng đạn. Không quản nguy hiểm, ông Sáu Phong đã chạy tới cõng Sơn Tùng đi cấp cứu. Sơn Tùng bị 14 mảnh đạn găm khắp người, trong đó có 3 mảnh đạn vào sát não không thể gắp ra được. Nếu không được đưa đi cấp cứu kịp thời có lẽ ông đã chết.
Duyên kỳ ngộ
Sau một thời gian điều trị, Sơn Tùng được chuyển ra Bắc. Trong giấy giới thiệu của Ban Dân vận Trung ương Cục miền Nam ghi rõ: “Đây là một tài năng quý giá, một kho tư liệu đồ sộ. Một chiến sĩ trung kiên. Đề nghị Trung ương, Chính phủ hết lòng cứu chữa, chăm sóc, kẻo mất đi một nhân tài đáng nể”.
Bà Phan Hồng Mai cho biết, ngày ấy nhà văn Sơn Tùng được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô để điều trị. Bà Mai, một cựu thanh niên xung phong, là một trong những y tá của bệnh viện đã chăm sóc cho Sơn Tùng. Lần đầu nhìn thấy người thương binh nặng, Hồng Mai có cảm giác từng gặp ông ở đâu.Rồi bà đã nhớ ra, Sơn Tùng chính là phóng viên đã gặp gỡ rồi viết bài báo về mình năm xưa.
Đó là vào thời điểm những năm 1960, phóng viên Sơn Tùng được tòa soạn cử đi viết về lớp thanh niên tiên tiến trong phong trào Đoàn của Thủ đô Hà Nội. Sơn Tùng đã gặp Phan Hồng Mai, một nữ sinh đẹp người, đẹp nết để hỏi chuyện, viết bài. Câu chuyện giữa hai người diễn ra khá cởi mở. Sau đó, hai người chia tay như bao cuộc gặp thông thường khác. Nhưng số phận đã khiến họ gặp lại nhau.
Trong những ngày chăm sóc Sơn Tùng, nữ y tá Hồng Mai cảm phục nghị lực phi thường của ông khi chống chọi lại những cơn đau. Từng tham gia thanh niên xung phong thời chiến tranh, Hồng Mai hiểu và đồng cảm với những gian lao mà Sơn Tùng đã trải qua. Và tình thương yêu ấy cứ ngày một lớn dần trong tim người thiếu nữ trẻ.
Năm 1972, sức khỏe và trí nhớ của Sơn Tùng dần hồi phục, đủ điều kiện để xuất viện. Khi đó, tình cảm giữa ông và Phan Hồng Mai cũng chín muồi. Trước đó, vợ nhà văn đã mất vì bệnh hiểm nghèo nên Sơn Tùng và Hồng Mai tiến tới hôn nhân. Hồng Mai rời bệnh viện, tự nguyện về nhà làm hộ lý chăm sóc người chồng đã mất 81% sức khỏe. Nhờ sự chăm sóc tận tụy của vợ, Sơn Tùng bắt đầu viết báo, viết văn trở lại. Ông thường phải cột bút vào giữa hai ngón tay còn lành lặn mà viết. Những khi trái gió trở trời, vết thương lại sưng tấy khiến ông lên cơn co giật, đau đớn vật vã. Thương chồng, bà Mai học đánh máy, rồi như một thư ký trên những trang viết do ông đọc.
Câu chuyện trên là minh chứng cho một nghị lực phi thường. Nhưng phía trước còn có điều lớn lao hơn khi đất nước hoàn toàn thống nhất, bà Phan Hồng Mai đã vượt qua những khó khăn thường nhật để cùng chồng vào Nam thu tập, tìm hiểu những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(Còn nữa)
Sau một thời gian điều trị, Sơn Tùng được chuyển ra Bắc. Trong giấy giới thiệu của Ban Dân vận Trung ương Cục miền Nam ghi rõ: “Đây là một tài năng quý giá, một kho tư liệu đồ sộ. Một chiến sĩ trung kiên. Đề nghị Trung ương, Chính phủ hết lòng cứu chữa, chăm sóc, kẻo mất đi một nhân tài đáng nể”.