Bác Hồ - Nguồn cảm hứng vô tận, Kỳ 1: Thuở ban đầu

TP - Hơn bảy mươi năm trước, khi là một cán bộ Đoàn, Bùi Sơn Tùng đã có những tiếp xúc ban đầu để tìm hiểu về những năm tháng tuổi thơ của Bác Hồ. Sau đó, với nghị lực phi thường của một thương binh nặng, nhà văn Sơn Tùng trở thành người có uy tín nhất viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người, xin được phác thảo đôi nét về những nỗ lực lớn mà nhà văn Sơn Tùng đã trải qua để có được những trang viết để đời về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mạch nguồn

Sau cơn tai biến quái ác diễn ra năm 2010, nhà văn Sơn Tùng phải nằm một chỗ đến nay tròn mười năm. Gần đây, khi dịch COVID-19 lắng xuống, tôi trở lại Khu tập thể Văn Chương (Hà Nội) để thăm ông. So với lần gần nhất tôi gặp ông cách đây vài năm, nhà văn Sơn Tùng trông gầy đi, nhưng vẫn giữ được thần sắc. Bà Phan Hồng Mai, vợ nhà văn ghé tai chồng hỏi nhỏ: “Có phóng viên báo Tiền Phong đến thăm. Anh nhớ báo Tiền Phong không?”. Thấy nhà văn mấp máy môi, bà Hồng Mai ghé sát để nghe rồi nói với tôi: “Nhà tôi vẫn nhớ và nhắc được hai chữ Tiền Phong. Sao ông quên được khi đây là nơi mình từng công tác”.

Trước khi tôi đến đây, Ban Biên tập báo Tiền Phong đã chuẩn bị một món quà để tặng gia đình nhà văn. Trò chuyện với tôi một lát, bà Hồng Mai cho biết mình vừa qua một đợt ốm nên sức khỏe chưa thật hồi phục, giờ cần nghỉ đôi chút. Rồi bà gọi con là anh Bùi Sơn Định ra tiếp tôi. “Anh từng đến đây nên biết rồi, kể từ khi nhà tôi bị tai biến, Sơn Định đã giúp cha hoàn thành khá nhiều việc mà ông còn dang dở. Sơn Định hiểu rõ nhiều chuyện của nhà văn, gần đây vừa giúp cha xuất bản thêm quyển 1, Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh do Nhà xuất bản Văn học xuất bản cuối năm ngoái”- bà Mai cho biết.

Anh Bùi Sơn Định ra phòng ngoài, ngồi cạnh nhà văn Sơn Tùng và tiếp chuyện tôi. Anh Định cho biết, quyển 1, Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh gồm 47 tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng viết về Bác như Nhớ nguồn, Kỷ niệm tháng năm, Cuộc gặp gỡ định mệnh, Bác ở nơi đây, Nguyễn Ái Quốc qua hồi ức bà mẹ Nga… được anh sưu tầm, tuyển chọn để in thành tuyển tập. “Quyển 2, khi xuất bản sẽ gồm bộ ba tác phẩm Búp sen xanh, Bông sen vàng và Trái tim - Quả đất, đều là những tiểu thuyết viết về Bác Hồ”- anh Định chia sẻ thêm.

Bác Hồ - Nguồn cảm hứng vô tận, Kỳ 1: Thuở ban đầu ảnh 1 Cuốn sách “Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh” của nhà văn Sơn Tùng mới xuất bản

Nhân nhắc đến Búp sen xanh, tôi nhận xét “đọc tác phẩm thấy cách hành văn của tác giả có chất nhà nho”, anh Định bèn cho hay cha anh vốn sinh trưởng trong một gia đình nho học tại xã Diễn Kim (Diễn Châu, Nghệ An). Cha nhà văn là cụ Bùi Phú, một nhà nho yêu nước đã gia nhập Tân Việt Cách mạng Đảng (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam), từng bị Thực dân Pháp quản thúc khi tham gia phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh năm 1930-1931. Khi cha mất (năm 1938), Sơn Tùng mới 10 tuổi đã phải thôi học để đi làm thuê, rồi năm 16 tuổi làm liên lạc cho Việt minh hoạt động tại quê nhà. Khi nước nhà thành lập, Sơn Tùng trưởng thành trong phong trào Đoàn, từng là Phó Bí thư Thanh niên cứu quốc xã Diễn Kim, Quyền Bí thư Huyện đoàn Diễn Châu rồi cán bộ Tỉnh đoàn Thanh niên cứu quốc tỉnh Nghệ An. Chính từ việc đi nhiều nơi để tham gia các hoạt động của Đoàn, Sơn Tùng đã may mắn được gặp bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm, chị và anh ruột của Bác Hồ.

Biết tin về bà Lê Thị Huệ

Đó là vào năm 1948, lần đầu tiên Sơn Tùng được gặp bà Nguyễn Thị Thanh. Ban đầu mới tiếp xúc, Sơn Tùng chỉ dám mon men hỏi chuyện gia đình bên nội, bên ngoại của Bác Hồ. Còn đối với ông Nguyễn Sinh Khiêm, Sơn Tùng cũng được ông kể cho nghe một số chuyện về cảnh gia đình trong những năm ba chị em ông còn nhỏ… Từ đó, người cán bộ Đoàn trẻ bước đầu có thể biết về thời ấu thơ của Bác cũng như những mạch nguồn để tạo nên nhân cách và thiên tư của Người. “Những câu chuyện ban đầu ấy được cha tôi ghi chép lại rất cẩn thận. Ông coi đó là những hạt giống đầu tiên cho những tác phẩm viết về Bác Hồ sau này”- anh Bùi Sơn Định cho biết.

Sau nhiều lần tiếp xúc, một lần bà Nguyễn Thị Thanh cho Sơn Tùng biết cả ba chị em của bà đều gác việc riêng để đi hoạt động, cứu nước. Khi Bác Hồ (thời điểm đó mang tên Nguyễn Tất Thành) xuất dương sang Pháp, bà không được biết. Hồi đó, bà chỉ biết trước đó em trai vào Phan Thiết dạy học ở trường Dục Thanh, ngôi trường do cụ Hồ Tá Bang (một người bạn thân của cụ Nguyễn Sinh Sắc) sáng lập, quy tụ nhiều thầy giáo có tư tưởng tiến bộ về dạy học. Do tham gia các phong trào yêu nước, bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm đều bị Thực dân Pháp bắt. Đầu những năm 1920 của thế kỷ trước, ông Khiêm được ra tù, sau đó đến bà Thanh.Tuy nhiên, cả hai chị em đều bị quản thúc nên không biết được tin tức về những người thân khác trong gia đình.

Bác Hồ - Nguồn cảm hứng vô tận, Kỳ 1: Thuở ban đầu ảnh 2 Bà Phan Hồng Mai và anh Bùi Sơn Định bên nhà văn Sơn Tùng  Ảnh: KIẾN NGHĨA

Năm 1929, khi vẫn đang trong giai đoạn quản thúc, bà Nguyễn Thị Thanh nhận được bức điện của gia đình cụ Hồ Tá Bang từ Sài Gòn báo tin thân sinh của bà là cụ Nguyễn Sinh Sắc đã qua đời tại xã Hòa An, huyện Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Thế là bà vượt mọi khó khăn vào Cao Lãnh chịu tang cha. Đến nơi, bà Thanh được biết có người là Lê Thị Huệ sẽ dẫn bà xuống mộ cụ Sắc. Qua câu chuyện, bà Thanh biết Lê Thị Huệ là một học trò của cha mình từ thời còn ở Huế. Khi cụ Nguyễn Sinh Sắc mất, Lê Thị Huệ đã về Cao Lãnh viếng tang, rồi ở lại đây 49 ngày để chịu tang.

Đến khi gặp, bà Thanh biết Lê Thị Huệ kém Nguyễn Tất Thành vài tuổi, và hai người đã có tuổi thơ gắn bó từ thời còn ở Huế.Nguyễn Tất Thành và Lê Thị Huệ cùng mồ côi mẹ. Trong thời gian ở Phan Thiết dạy học, Nguyễn Tất Thành từng vào Sài Gòn để gặp Lê Thị Huệ. Đến khi Nguyễn Tất Thành xuất dương để tìm đường cứu nước, Lê Thị Huệ ở lại Sài Gòn. Bà vẫn dõi theo hình bóng của Nguyễn Tất Thành và chờ đợi…

Anh Bùi Sơn Định cho biết, tại cuộc gặp trên, bà Thanh nói với nhà văn Sơn Tùng là khi nước nhà thống nhất, ông có thể vào Sài Gòn tìm bà Lê Thị Huệ. Bởi sau cuộc gặp ở Cao Lãnh, bà Thanh trở về quê, còn Lê Thị Huệ vào Sài Gòn. “Nghe lời bà Thanh, sau khi miền Nam giải phóng, cha tôi đã vào Sài Gòn và gặp được bà Lê Thị Huệ để sau đó hoàn thành tác phẩm Búp sen xanh.

(Còn nữa)

Khi tuổi đã cao, cha tôi còn một tâm nguyện là viết thêm một tiểu thuyết với tên gọi Bông huệ trắng, kể về tình cảm của cô gái Lê Thị Huệ với Bác Hồ thời trẻ với tên gọi Nguyễn Tất Thành. Tiếc rằng, tâm nguyện ấy đã không thành khi năm 2010 ông bị tái phát vết thương sọ não dẫn đến liệt toàn thân, không thể tiếp tục sáng tác được nữa”- anh Bùi Sơn Định cho biết.

MỚI - NÓNG