Vụ thứ nhất, Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1979), công chức Địa chính - Xây dựng xã Hoàn Trạch (cũ), nay là thị trấn Hoàn Lão (huyện Bố Trạch) phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Từ năm 2006 đến tháng 4/2016, Sơn yêu cầu những người xin cấp đất làm nhà và xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nộp trước tiền sử dụng đất với giá cao hơn mức quy định của Nhà nước.
Sơn nhận từ 65 hộ dân với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng, nhưng chỉ nộp vào ngân sách 221 triệu đồng (chiếm đoạt hơn 1,4 tỷ đồng). Năm 2018, TAND tỉnh Quảng Bình tuyên phạt Sơn 20 năm tù. Sau đó, TAND cấp cao tại TP. Đà Nẵng xử phúc thẩm giảm án cho Sơn còn 18 năm tù. Sơn khai báo, Sơn thu tiền trái quy định theo sự chỉ đạo của ông Hoàng Văn Đức, nguyên Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch. Sơn nhiều lần đưa cho ông Đức với tổng số hơn 803 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Đức, nguyên Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch, tại một phiên tòa xử Nguyễn Ngọc Sơn |
Ngày 5/4/2022, Hội đồng Thẩm phán, TAND Tối cao quyết định hủy tất cả các bản án đã tuyên trước đây, chuyển hồ sơ vụ án cho Viện KSND Tối cao để điều tra lại. Dù ông Đức luôn phủ nhận việc chỉ đạo Sơn thu tiền của các hộ dân và phủ nhận việc nhận 803 triệu đồng từ Sơn, nhưng có 6 giấy ứng tiền với số tiền 250 triệu đồng thể hiện bút tích của ông Đức trên cương vị Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch. Theo Hội đồng giám đốc thẩm nhận định, đủ căn cứ xác định ông Đức biết việc thu tiền trái pháp luật của Sơn; hành vi của ông có dấu hiệu đồng phạm với Sơn về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Vụ thứ hai, Nguyễn Thị Thùy Linh (32 tuổi), thủ quỹ Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Bình, bị khởi tố, bắt giam để điều tra về “tham ô tài sản”. Linh bị bắt ngày 6/12/2021 sau khi tung tin mình bị mất hơn 6 tỷ đồng để trong cốp xe máy khi từ nơi làm việc đến ngân hàng. Đây là tiền học viên các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT và liên kết với các trường đại học để đào tạo đại học hệ vừa học vừa làm nộp cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên.
Tuy nhiên, sau khi thu tiền, Linh chỉ nộp một phần vào tài khoản của Trung tâm, số còn lại (gần 6,5 tỷ đồng), Linh không nhập quỹ tiền mặt, không nộp tiền vào tài khoản ngân hàng của đơn vị. Theo kết quả điều tra ban đầu, số tiền này đã bị Linh chiếm đoạt để tiêu xài cá nhân và đầu tư tài chính. Theo nguồn tin riêng của phóng viên Tiền Phong, việc chiếm đoạt gần 6,5 tỷ đồng nói trên còn liên quan một lãnh đạo của Trung tâm. Cơ quan điều tra đang mở rộng vụ án.
Vụ thứ ba liên quan việc thay hàng chữ “Di sản thiên nhiên thế giới, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng” gắn trên núi ngay cửa ngõ vào Vườn quốc gia. Theo nguồn tin riêng của phóng viên Tiền Phong, trước đây hàng chữ được cắt từ các tấm tôn, nhựa composite gắn trên khung thép. Năm 2015, khi thay mới, khung thép được giữ lại, còn các hàng chữ (cả tiếng Việt và tiếng Anh) đều được thay. BQL Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng “quên” không thanh lí khoảng 20 tấn tôn bị tháo dỡ và thanh toán “nhầm” cho đơn vị thi công hơn 300 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Lương Bình, Trưởng Ban Nội chính, Phó trưởng Ban Thường trực Ban phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Bình, ba vụ nói trên đều có tính chất phức tạp, kéo dài nên cần đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban. Riêng vụ việc ở BQL Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, dù thiệt hại đối với Nhà nước không lớn, nhưng cơ quan điều tra khó giám định chất lượng số tôn được tháo dỡ vì đã bị lấy đi hết. Giám định chất lượng tôn để xác định mức độ thiệt hại của Nhà nước và đây là điều kiện tiên quyết để khởi tố vụ án hình sự hay không.