Ba năm sau thảm họa máy bay MH17: 'Hung thủ' dần lộ diện?

Bức ảnh một máy bay chiến đấu đang bắn tên lửa vào một máy bay chở khách trên bầu trời miền Đông Ukraine do kênh truyền hình Channel One công bố.
Bức ảnh một máy bay chiến đấu đang bắn tên lửa vào một máy bay chở khách trên bầu trời miền Đông Ukraine do kênh truyền hình Channel One công bố.
Ngày 17/7 đánh dấu tròn 3 năm từ khi xảy ra thảm họa với chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia đang trên đường bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur nổ tung trên vùng trời Donbass, Ukraine làm toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng, trong đó đa số nạn nhân là người Hà Lan.

Tai nạn máy bay thảm khốc còn nhanh chóng biến thành một tác nhân đẩy cao xung đột giữa Nga-Ukraine, giữa Nga và cộng đồng quốc tế. Cho đến nay, những bằng chứng, cứ liệu, nhân chứng liên quan đến thảm họa xuất hiện ngày một dày thêm nhưng câu kết luận về thủ phạm thực sự vẫn chưa lộ diện hoàn toàn…

Xung đột từ thực địa đến mặt trận ngoại giao

Dư chấn của phong trào Euromaidan dẫn đến xung đột ở Ukraine bùng phát từ cuối tháng 2/2014 với các cuộc biểu tình của lực lượng muốn chính phủ Ukraine mới tiếp tục duy trì quan hệ với Liên bang Nga, đối kháng là lực lượng kích động sự hồi sinh chủ nghĩa dân tộc diễn ra hầu như khắp các thành phố lớn của vùng phía đông và phía nam Ukraina.

Các cuộc biểu tình ở Donetsk và tỉnh Lugansk leo thang thành phong trào nổi dậy ly khai vũ trang khiến chính phủ Ukraine khởi động cuộc phản công chống lại quân nổi dậy.

Tháng 7/2014, chiến sự nhấn chìm vùng đông Ukraine, quân đội Ukraine cố lấy lại các thành phố bị mất vào tay quân nổi dậy trong vùng Lugansk và Donetsk, mất cả ưu thế kiểm soát không phận. Đầu hè 2014, quân ly khai nổi dậy đã bắn rơi nhiều máy bay chiến đấu và trực thăng của quân đội Ukraine nhờ được trang bị các loại tên lửa đất đối không và các giàn pháo phòng không.

Dường như cộng đồng quốc tế chưa bị đánh động bởi cuộc xung đột giữa lực lượng ly khai với một chính phủ mới thành lập nên không có bất cứ một lời cảnh báo nào đưa ra đối với không phận vùng xảy ra chiến sự.

Vì thế, các hãng hàng không vẫn tiếp tục khai thác đường bay bay qua vùng trời Ukraine, cho đến khi thảm họa xảy ra vào ngày 17/7/2014, chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 của hãng Malaysia Airlines bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur nổ tung khi đang bay ở độ cao 10.000 mét trên thành phố Torez, miền đông Ukraine. Một giờ sau đó, chỉ huy quân nổi dậy Igor Strelkov khoe khoang trên mạng xã hội "vừa bắn rơi một máy bay chiến đấu Ukraine". Và cũng chớp nhoáng như khi xuất hiện, dòng tin ngay lập tức "tàng hình".

Ngay từ những ngày đầu thảm họa xảy ra, Kiev và Moscow liên tiếp tố cáo lẫn nhau đã bắn rơi chiếc Boeing của hàng không Malaysia. Một ủy ban điều tra Nga đưa ra ý kiến cho rằng, chiếc Boeing đã bị một máy bay chiến đấu của không quân Ukraine loại SU-24 bắn rơi.

Giả thuyết này được chính quyền Nga nhiều lần lặp lại trên nhiều phương tiện truyền thông. Ý kiến này đã bị phản bác khi chính nhà chế tạo vũ khí Nga Almaz-Antey khẳng định: máy bay bị nổ là do bị tên lửa đất đối không bắn vào thân. Tuy nhiên ông này cũng quả quyết rằng tên lửa được bắn đi từ vùng do quân chính phủ Ukraine kiểm soát.

Vượt lên những hình ảnh, con số đau lòng về tai nạn thảm khốc là hệ quả to lớn tác động đến bình diện chính trị và ngoại giao. Trước hết, nạn nhân chuyến bay là công dân của nhiều quốc gia, từ Anh, Hà Lan cho đến Australia, Malaysia, Philippines...

Cơn chấn động thật sự đã làm rung chuyển thế giới cho nên chỉ trong vài tiếng đồng hồ, cuộc chiến ở miền Đông Ukraine trước đó có vẻ xa lạ đối với nhiều người, đã trở thành điểm nóng xung đột hàng đầu, với mối đe dọa liên quan đến hàng triệu người trên thế giới. Cộng đồng quốc tế đến lúc ấy mới thấy rõ mối nguy hại của sự hình thành các nhóm vũ trang, hành sự như "thổ phỉ" hơn là một đạo quân nổi dậy vì chính nghĩa, và lại được trang bị bằng những vũ khí nguy hiểm. Nổi lên ngay giả thuyết là phe nổi dậy bắn nhầm máy bay, thì rõ ràng họ không thể có loại vũ khí tối tân như thế nếu không có Nga dính líu vào hoặc được Nga hậu thuẫn.

Giả thuyết này được củng cố thêm bởi hoạt động bắn máy bay của quân nổi dậy trong những ngày trước đó: Họ đã bắn hạ 2 máy bay quân sự Ukraine và chính họ cũng lên tiếng cho biết là không chấp nhận cho những máy bay khác của Ukraine bay trên bầu trời của họ. Phát ngôn viên NATO "đổ thêm dầu" khi đưa ra quan ngại trước luồng tin tình báo cho biết, ngày càng nhiều thiết bị quân sự và vũ khí được chuyển từ các kho dự trữ của Nga tới sào huyệt của quân ly khai dọc biên giới Nga- Ukraine.

Những cú tự giẫm vào chân mình

Báo chí phương Tây và Nga cũng lập tức lao vào "xung đột".  Phương Tây thì trích dẫn phân tích từ các chuyên gia hàng không, cho rằng MH17 bị quân ly khai nổi dậy bắn hạ bởi tên lửa Buk do Nga sản xuất, và rằng đó có thể là do quân ly khai đã nhầm lẫn MH17 với mục tiêu là một máy bay quân sự Ukraine.

Còn báo chí Nga, cũng trích lời chuyên gia vũ khí Nga, khẳng định quân ly khai không thể bắn hạ MH17 do máy bay chuyển động với vận tốc rất lớn. Trình độ quân ly khai chưa qua đào tạo khó lòng có đủ thời gian để phản ứng khi phát hiện "mục tiêu lạ" trên không phận do mình kiểm soát. Do đó, chiếc máy bay này hoặc là bị rơi do…một cuộc tấn công khủng bố, hoặc là đã bị bắn hạ bởi một chiến đấu cơ hay hệ thống bắn chặn hiện đại, chẳng hạn như S-200. Tên lửa "Buk" cũng có thể, nhưng khả năng rất nhỏ.

Truyền thông phương Tây cho rằng, quân ly khai là thủ phạm bởi quân đội Ukraine không có mục tiêu máy bay ở khu vực miền Đông, trong khi đó quân ly khai đã bắn rơi vài máy bay quân sự của Ukraine. Quân ly khai cũng sở hữu hệ thống tên lửa đất đối không Buk do chiếm được của quân đội Ukraine. Báo chí Nga lại nghi vấn tại sao chính quyền Kiev sử dụng hệ thống tên lửa Buk ở khu vực xung đột? Tại sao những hệ thống này được triển khai ngay tại đó từ đầu mặc dù biết rằng lực lượng ly khai không có máy bay nào?

Chưa kể, Ukraine cũng đã có "tiền án" bắn hạ máy bay dân dụng bằng tên lửa phòng không S-200. Năm 2001, trong thời gian tập trận họ đã bắn hạ chiếc Tu-154 đang bay theo tuyến đường Tel Aviv- Novosibirsk, "hạ sát" toàn bộ 66 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn. Chính quyền Ukraine khi ấy cũng từng chối bỏ trách nhiệm trong suốt thời gian dài, nhưng sau đó phải thừa nhận rằng binh sĩ Ukraine "đã mắc sai lầm chết người".

Truyền thông Nga, cụ thể là hãng truyền hình nhà nước Nga đã phạm sai lầm khi quá hăng hái bảo vệ chính kiến của mình mà vội vã đưa ra những bằng chứng thô thiển trong chương trình tin tức "Odnako" của kênh Channel One. Đó là loạt hình ảnh làm bằng chứng cho giả thiết của Moscow rằng, chuyến bay MH17 của hãng Malaysia Airlines đã bị chiến đấu cơ của Ukraine bắn hạ.

Theo hãng tin Reuters, các bức ảnh này - được truyền hình Nga "cung cấp nguồn" là do một vệ tinh phương Tây chụp - có vẻ như cho thấy một máy bay chiến đấu đang bắn tên lửa vào một máy bay chở khách trên bầu trời miền Đông Ukraine. Nơi chụp bức ảnh được cho là nơi chuyến bay MH17 bị bắn rơi, còn những bức ảnh được gửi cho một chuyên gia người Nga từ một người đàn ông xưng danh là George Bilt và tự giới thiệu "từng tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massachusetts" (MIT) của Mỹ.

"Chúng tôi đang có trong tay những bức ảnh nhạy cảm được cho là được chụp từ vệ tinh do thám của nước ngoài vào những giây phút cuối cùng của chiếc máy bay Boeing của Malaysia trên bầu trời Ukraine"- người dẫn chương trình Dmitry Borisov của Channel One nói trước khi những hình ảnh trên được công bố- "Các bức ảnh là bằng chứng cho những gì mà phương Tây không muốn nhắc đến".

Ngay sau buổi phát sóng, chương trình đã bị chỉ trích tơi bời. Ngay trong nước Nga, nhà bình luận Andrei Menshenin thuộc đài truyền thanh độc lập Ekho Moskvy của Nga, gọi bản tin của Channel One là "sự nhạy cảm giả tạo".

Ông Menshenin cũng chỉ ra rằng, góc ảnh của vụ tấn công trong các bức ảnh được phát không đúng với vị trí xảy ra vụ rơi chuyến bay MH17. Bellingcat, một trang web báo chí điều tra của Anh, miêu tả những bức ảnh được Channel One phát đi là "sự giả mạo thô thiển nhất".

Theo trang này, có nhiều điểm không nhất quán giữa các bức ảnh với thực tế, trong đó có những dấu hiệu cho thấy các bức ảnh này được lấy một phần từ chương trình chụp ảnh Trái đất Google Earth từ năm 2012. Nhiều chuyên gia lập tức nhận ra chiếc máy bay "MH17" trong ảnh không phải là chiếc Boeing 777 mà là một chiếc Boeing 767. Logo của Malaysia Airlines trên máy bay trong ảnh nằm sai vị trí.

Nếu dùng từ khóa "Boeing top view" để tra trên mạng tìm kiếm Google, có thể tìm thấy ngay một bức hình giống hệt chiếc Boeing trong bức ảnh do đài Nga công bố. Tờ báo Guardian của Anh dẫn lời kỹ sư Nga Mark Solonin đánh giá, trong bức ảnh được đài Nga phát đi, máy bay có kích thước lớn bất thường nếu so với cánh đồng trên mặt đất. Ông Solonin kết luận rằng, hình chiếc máy bay đã được ghép vào bức ảnh vệ tinh.

Tình thế vô tình giúp Bộ Ngoại giao Mỹ mạnh dạn khẳng định: đây là một động thái tuyên truyền sai sự thật của Nga "nhằm che giấu sự thật và trốn tránh trách nhiệm đối với thảm họa MH17". Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cáo buộc: "Ảnh máy bay rõ ràng được tải từ Google. Đây lại là một trò mới của Nga nhằm đổ lỗi cho Ukraine về vấn đề mà theo chúng tôi là rõ ràng có liên quan đến Nga".

Nhiều ý kiến cho rằng, không loại trừ khả năng đài truyền hình Nga công bố hình giả mạo này nhằm giảm bớt sức ép lên Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị G20 ở Brisbane, Australia. Khi tới thượng đỉnh G20 lần ấy, ông Putin đã bị các nhà lãnh đạo phương Tây đối xử lạnh nhạt và ông đã quyết định ra về trước khi hội nghị chính thức kết thúc.

Khoanh vùng "hung thủ"

Ngay từ tháng 9-2014, hướng điều tra tai nạn do con người hay trục trặc kỹ thuật trên máy bay đã bị các nhà điều tra loại trừ. Các chuyên gia nêu khả năng máy bay đã va chạm cực mạnh với số lượng lớn các vật thể có năng lượng cao.

1 năm sau, vào tháng 10-2015, một báo điều tra của Cơ quan điều tra an ninh Hà Lan nêu chi tiết, máy bay đã bị phá hủy bởi một đầu đạn bắn vào bên trái của khoang lái. Vũ khí mà họ nói tới đó là tên lửa đất đối không BUK do Nga sản xuất. Loại vũ khí này vẫn được trang bị cho quân đội Ukraine và lực lượng nổi dậy được Nga huấn luyện đều có. Và quan trọng nhất, theo các nhà điều tra, tên lửa được bắn lên trong vùng quân nổi dậy kiểm soát.

Ngay lập tức, phía Nga tố cáo: kết quả điều tra vụ MH17 mang động cơ chính trị. Bộ Quốc phòng Nga hôm 26-9-2016 công bố bằng chứng cho thấy, tên lửa bắn hạ máy bay số hiệu MH17 được phóng lên từ lãnh thổ do quân đội Ukraine kiểm soát. Theo những hình ảnh radar của Nga, không có tên lửa nào được phóng ra từ khu vực quân ly khai kiểm soát miền đông Ukraine và bắn trúng chiếc máy bay MH17.

"Việc Ukraine chưa công bố thông tin từ trạm radar chứng tỏ quả tên lửa được phóng ra, nếu nó là loại Buk, từ lãnh thổ do quân đội Ukraine kiểm soát", tướng Andrei Koban, tư lệnh lực lượng radar quân đội Nga, nói. Theo ông Koban, nếu máy bay của Malaysia bị trúng tên lửa từ bất cứ khu vực nào ở phía đông vị trí rơi, radar của Nga đã phát hiện được.

Tuy nhiên, một lần nữa, Nga lại "giẫm lên chân mình" vì nhiều hãng thông tấn quốc tế so sánh các bằng chứng mới này với bằng chứng được đưa ra một năm trước đó rồi vạch ra hình ảnh radar mà Nga mới tiết lộ trái ngược với những gì Moscow công bố ngay sau khi tai nạn xảy ra- chiến đấu cơ Ukraine bị phát hiện bay gần MH17!

Cuối tháng 9-2016, Viện Công tố Hà Lan đã công bố kết quả cuộc điều tra hình sự quốc tế do nhóm điều tra chung gồm các chuyên gia từ Hà Lan, Australia, Ukraine, Malaysia và Bỉ, theo đó khẳng định chiếc máy bay MH17 đã bị tên lửa BUK được đưa đến từ Nga bắn hạ.

Theo Theo Công an nhân dân
MỚI - NÓNG