“Chúng tôi tái khẳng định Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) là quy tắc ứng xử chủ chốt điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực, và là nền tảng cho việc gìn giữ hòa bình và ổn định khu vực”, Tuyên bố Chủ tịch viết.
Lãnh đạo các thành viên ASEAN đồng ý sẽ thảo luận về mong muốn tham gia TAC của các nước trên cơ sở phù hợp với tài liệu hướng dẫn gia nhập TAC đã được sửa đổi.
Các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết thực hiện Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á phi Vũ khí Hạt nhân (Hiệp ước SEANWFZ) và Kế hoạch Hành động SEANWFZ, và kêu gọi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân xem xét ký kết nghị định thư của Hiệp ước SEANWFZ nhằm thúc đẩy hơn nữa Đông Nam Á trở thành một khu vực không có vũ khí hạt nhân cũng như các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.
“Chúng tôi nhận thấy vai trò quan trọng của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN hướng tới việc hiện thực hóa Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN và hoan nghênh cam kết của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 9 (ADMM-9) ở Langkawi, Malaysia vào ngày 16/3/2015 trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung và cam kết của Hội nghị trong việc cùng ứng phó với mối đe dọa của tổ chức cực đoan ở khu vực”, Tuyên bố viết.
Lãnh đạo các nước ASEAN ghi nhận các đề xuất tại Hội nghị ADMM-9 nhằm tăng cường khả năng ứng phó của khu vực trước các thách thức an ninh phi truyền thống trên cơ sở sự tham gia linh hoạt, tự nguyện và không ràng buộc của các nước thành viên ASEAN, bao gồm việc thông qua tài liệu khái niệm về Nhóm quân đội ASEAN sẵn sàng hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai (HADR) và tài liệu khái niệm về việc thành lập Trung tâm ASEAN về Y tế quân đội (ACMM).
Các nhà lãnh đạo hoan nghênh Malaysia đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2015-2016 và bày tỏ ủng hộ các ứng cử viên tương lai của ASEAN vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việc này phù hợp với tầm nhìn chung của ASEAN nhằm phối hợp hành động trong các vấn đề toàn cầu cùng quan tâm và có lợi ích chung, hướng tới đưa ASEAN trở thành một tổ chức có vai trò toàn cầu...
Lãnh đạo các nước ASEAN hoan nghênh Tuyên bố Langkawi 2015 về Phong trào Ôn hòa Toàn cầu đã tóm lược đầy đủ thuyết lý ôn hòa, một giá trị sẵn có của ASEAN, trong mọi khía cạnh. Các nhà lãnh đạo nhận thấy, sự ôn hòa là phương thức toàn diện, không chỉ trong giải quyết hòa bình các khác biệt và tranh chấp mà còn trong bảo đảm phát triển bền vững, công bằng và dung nạp, cũng như thúc đẩy hòa hợp xã hội và hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và khu vực.
Lãnh đạo các nước ASEAN chia sẻ quan ngại sâu sắc của các lãnh đạo về việc tôn tạo, bồi đắp đang diễn ra ở biển Đông, làm xói mòn lòng tin, sự tin cậy và phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở biển Đông. Các nhà lãnh đạo nhắc lại sự ủng hộ của ASEAN đối với quyền chính đáng của người dân Palestine vì một nhà nước Palestine độc lập và giải pháp hai nhà nước nơi mà cả Palestine và Israel cùng chung sống hoà bình. Các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ quan ngại trước tình hình ngày càng xấu đi ở Yemen, hậu quả để lại là sự chết chóc, tàn phá và di cư quy mô lớn, buộc phải sơ tán hàng trăm công dân ASEAN khỏi nước này.