Theo đó, có 25 sản phẩm thép mạ (còn gọi là tôn mạ) nhập khẩu vào Việt Nam được phân loại theo mã HS, có xuất xứ từ Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông-Trung Quốc) và Hàn Quốc sẽ bị áp thuế chống bán phá giá).
Biện pháp chống bán phá giá chính thức được áp dụng dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung và áp dụng với 10 nhà sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc. Mức thuế chống bán phá giá thấp nhất là 3,17% và cao nhất là 38,34%. Mức thuế chống bán phá giá này sẽ được áp dụng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày quyết định áp thuế có hiệu lực.
Hồi đầu tháng 3 vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh đã công bố kết luận cuối cùng về vụ việc điều tra chống bán phá giá và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá và chống trợ cấp và tự vệ để ra quyết định.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 22 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá gần 11 tỷ USD. Thị trường nhập khẩu chính năm 2016 đối với mặt hàng này từ Trung Quốc với 10,85 triệu tấn, trị giá hơn 4,45 tỉ USD, tăng 14,25% về lượng và 7,1% về trị giá so với năm 2015. Sắt thép nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt hơn 1,8 triệu tấn, trị giá gần 1,01 tỷ USD, tăng 3,16% về lượng.
Còn theo thông tin Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), xét về nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch lớn nhất trong năm 2016, nhóm hàng HS 72.25 thép hợp kim, cán phẳng, rộng trên 600 mm, chiếm đến 26,8% tổng kim ngạch.
Tiếp đến là nhóm hàng HS 72.08 sắt hoặc thép không hợp kim cán phẳng rộng trên 600 mm, chưa phủ mạ hoặc tráng. Nhóm HS 72.10 sắt hoặc thép không hợp kim cán phẳng rộng trên 600 mm đã phủ mạ hoặc tráng lần lượt chiếm tỷ trọng 16,2% và 13,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.