Áp sát tàu chiến Mỹ, Su-24 Nga phát thông điệp đến NATO

Cường kích Su-24 Nga bay áp sát tàu khu trục Mỹ hôm 12/4. Ảnh: Reuters
Cường kích Su-24 Nga bay áp sát tàu khu trục Mỹ hôm 12/4. Ảnh: Reuters
Nga có thể muốn nhắc nhở Mỹ rằng biển Baltic là sân sau của họ, và gửi thông điệp đến các nước NATO trong khu vực rằng Washington khó lòng bảo vệ họ.

Máy bay chiến đấu Nga hồi đầu tuần liên tục lượn sát USS Donald Cook, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh-Burke của Mỹ, tại biển Baltic. Đặc biệt, ngày 12/4, một chiếc Su-24 không mang vũ khí sà xuống, bay cách tàu Mỹ chỉ 9 m - hành động mà Mỹ cho là "mô phỏng tấn công". Bộ Quốc phòng Nga thì tuyên bố các máy bay Su-24 bay gần tàu khu trục Mỹ đã tuân thủ tất cả các quy tắc về an toàn.

Khi đó, tàu chiến Mỹ đang tham gia vào các hoạt động chiến thuật với một máy bay trực thăng của Ba Lan. Họ đã phải đình chỉ việc này cho đến khi tình hình an toàn. Tàu khu trục này chỉ có một bãi đáp nhỏ phía sau cho trực thăng cất hạ cánh. Luồng gió do cường kích Nga tạo ra có thể đe dọa tất cả mọi người trên boong.

L. Todd Wood, cựu phi công trực thăng quân sự Mỹ, cộng tác viên viết bài cho Fox và National Review, cho rằng hành động áp sát tàu chiến Mỹ của máy bay Nga khi có sự hiện diện của trực thăng Ba Lan không phải là ngẫu nhiên. Vụ việc có thể nhằm gửi một thông điệp, không hẳn là đến chính quyền Obama, mà là phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Đông Âu.

Ông Wood cho rằng thông điệp của Nga là "Mỹ sẽ không thể bảo vệ các anh". Dưới thời chính quyền tổng thống Obama, Mỹ yếu đuối và sẽ "ngậm bồ hòn" trước các hành động quyết liệt của Nga. Vì vậy, các anh nên trở về "nhà", về với Moscow, nơi các anh thuộc về. Nếu không, các anh sẽ phải trả giá. Hãy trở về trước khi ai đó bị tổn thương.

Có đồng quan điểm, trung tá nghỉ hưu Mỹ Ralph Peters nói với Fox News rằng Nga muốn gửi thông điệp đến các thành viên NATO ở châu Âu rằng: "Này, thấy chưa, người Mỹ thậm chí còn không thể tự bảo vệ họ. Họ sẽ chẳng bảo vệ các anh đâu".

Nhà bình luận chính trị Micah Halpern viết trên Observer rằng hành động của Nga giống như là "đánh dấu lãnh thổ".

Mặc dù biển Baltic là vùng biển quốc tế, đây là khu vực lân cận của Nga và không nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ. Nga muốn Mỹ hiểu rõ rằng đây là sân sau của họ, không phải tài sản chung.

Chủ ý của Nga là nhằm chỉ ra rằng họ có thể quấy nhiễu và làm gián đoạn hoạt động của hải quân Mỹ. Moscow đang gửi cho Washington một lời nhắc nhở rõ ràng rằng Mỹ đang trong vùng biển rất xa quân tiếp viện.

Áp sát tàu chiến Mỹ, Su-24 Nga phát thông điệp đến NATO ảnh 1

Vụ chạm trán diễn ra trên biển Baltic, gần vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga. Bộ Quốc phòng Nga nói rằng tàu khu trục Mỹ ở điểm cách một căn cứ hải quân Nga khoảng 70 km. Đồ họa: BBC

Halpern cho rằng "đây là một cuộc diễn tập có kiểm soát", và người Nga nhẽ ra còn có thể quyết liệt hơn.

"Hành động đe dọa và nguy hiểm hơn có thể là Nga sẽ chọn áp sát tàu sân bay chứ không phải là tàu khu trục. Điều đó sẽ rất nguy hiểm", Halpern viết.

Tàu sân bay phải di chuyển theo chiều gió và phải duy trì tốc độ và đi thẳng để phi công hạ cánh an toàn. Gió từ máy bay áp sát tàu chắc chắn sẽ cản trở việc đó.

'Trêu tức'

Biên tập viên Zack Beauchamp của Vox thì cho rằng hành động của Su-24 là một phần trong chính sách "trêu tức" của Nga. "Hành động trêu tức nhằm phô diễn sức mạnh đã trở thành đặc điểm chính sách đối ngoại của Nga trong những năm ông Putin cầm quyền", Beauchamp viết.

Đây không phải là vụ chạm trán đầu tiên giữa máy bay Nga và tàu Mỹ. Năm 2014, một máy bay Su-24 Nga đã bay qua bay lại ở gần tàu khu trục Mỹ trong vòng 90 phút. Năm 2015, máy bay Su-24 Nga cũng áp sát tàu khu trục USS Ross ở Biển Đen.

Theo Vox, các tàu chiến của Nga còn nhiều lần bị cáo buộc xâm phạm vùng biển Latvia, một thành viên NATO. Máy bay quân sự Nga cũng có thói quen tắt bộ phát đáp tín hiệu, không trả lời các câu hỏi thông qua hệ thống liên lạc vô tuyến khi bay qua vùng biển Baltic, làm cho các bên khác khó nắm bắt ý định thực sự của họ. 

Beauchamp cho rằng Tổng thống Putin coi những hành động "trêu tức" này là cách để ra uy với đối thủ ở phương Tây - cụ thể là Mỹ và NATO. Lý thuyết cơ bản là nếu ông Putin tỏ ra rằng ông sẵn sàng chấp nhận rủi ro xung đột, thì phương Tây sẽ phải nhún nhường. Chiến tranh với Nga sẽ là điều điên rồ, vì vậy toan tính của Putin là nếu ông chẳng ngại chiến đấu, đối thủ sẽ không sẵn sàng mạo hiểm.

"Ông ấy dường như tính toán rằng ông ấy càng đáng sợ hơn thì càng có nhiều hấp lực chính trị hơn", Mark Galeotti, giáo sư tại Đại học New York chuyên nghiên cứu về Nga, viết. "Điều Điện Kremlin làm là tỏ ra sẵn sàng chấp nhận rủi ro, bỏ qua các quy tắc, và hy vọng phía bên kia mềm mỏng hơn, thận trọng hơn, và sẵn sàng nhượng bộ".

Nga có thể thực hiện chính sách này để hướng đến người dân trong nước. Max Fisher, cây bút trên Vox, giải thích rằng đây cách tiếp cận theo chủ nghĩa dân tộc, lấy lòng người dân Nga bằng cách thể hiện quyền lực trên trường quốc tế, thể hiện rằng họ có một nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Người Nga tin tưởng rằng Nga là một cường quốc và cần được các quốc gia phương Tây tôn trọng.

Tuy nhiên, Galeotti cho rằng, Nga đang phô diễn quyền lực vượt quá khả năng thực sự, khi xét đến việc Nga đang gặp khó khăn về kinh tế, và nền quân sự lạc hậu. Giáo sư cho rằng thay vì phô diễn sức mạnh, những hành vi này thực chất lại cho thấy Nga đang cố chống chế những khó khăn họ đang phải đối diện.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Hàng hoa giấy lại bung nở rực rỡ trên cầu Vĩnh Tuy
Hàng hoa giấy lại bung nở rực rỡ trên cầu Vĩnh Tuy
TPO - Khi bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào Hà Nội, hàng chục nghìn cây xanh, nhiều công trình tại Hà Nội bị hư hỏng. Hàng hoa giấy được trồng trên cầu Vĩnh Tuy cũng không thoát khỏi bị quăng quật trở nên xác xơ, nhưng sau gần một tháng, hiện những cây này đang bung nở trở lại, rực rỡ sức sống.