Áp lực tăng giá, khó kìm lạm phát ở 17%

Áp lực tăng giá, khó kìm lạm phát ở 17%
TP - Báo cáo trước Quốc hội (QH), Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 5,57%.

Cái lý nông dân ăn thịt
> CPI tháng 7 tại Hà Nội và TP.HCM tăng tốc trở lại

Phó Thủ tướng cũng nhận định: Lạm phát tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Mặt bằng lãi suất cũng ở mức cao, ảnh hưởng sản xuất kinh doanh. Việc vay vốn tín dụng của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng; tiềm lực của hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền trong Báo cáo thẩm tra, cho rằng, “áp lực tăng giá vẫn còn, rất khó khăn để giữ lạm phát ở mức 17% vào cuối năm”. Nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao là xuất phát từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế (thâm hụt thương mại lớn và kéo dài, bội chi ngân sách cao nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp…).

Cắt giảm đầu tư công: Chưa rõ tiêu chí

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đến cuối tháng 5-2011, tổng số vốn đầu tư mà các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cắt giảm là 80.550 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, nhiều bộ ngành, địa phương còn đang lúng túng trong cắt giảm đầu tư công. Đến hết tháng 5, vẫn chưa có số liệu bổ sung hoàn chỉnh. Cơ quan chức năng mới chỉ tổng hợp báo cáo của 23 trong tổng số hơn 100 tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

8 nhóm giải pháp của Chính phủ

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2011.

1. Tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý theo quý, tháng…

2. Tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách tài khóa thắt chặt, phối hợp hài hoà với việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng nhằm giảm tổng cầu, giảm sức ép lạm phát năm 2011 và năm 2012.

3. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ thị trường, giá cả, bảo đảm ổn định cung- cầu hàng hoá, dịch vụ thiết yếu…

4.Thực hiện các biện pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, trong tiếp cận vốn đối với dự án hiệu quả, có đầu ra của sản phẩm. Bảo đảm đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân đi đôi với tiết kiệm điện.

5. Tập trung làm tốt hơn nữa để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ về an sinh xã hội đã đề ra cho cả năm 2011, trong đó tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn nghèo mới, riêng 62 huyện nghèo giảm 4%…

6. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của các bậc học trên cơ sở thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo. Tổ chức có hiệu quả hơn các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, mở rộng bảo hiểm y tế theo lộ trình. Nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản…

7. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; đặc biệt trước tình hình và diễn biến phức tạp, chúng ta cần hành động kiên quyết, kịp thời, phù hợp với pháp luật quốc tế, đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, huy động sức mạnh của toàn dân để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia...

8. Làm tốt công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền tạo sự thống nhất và đồng thuận xã hội cả trong nhận thức và tổ chức thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội…

Giá cả nhiều hàng hóa và dịch vụ tăng nhanh và đột biến, gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân, trong đó đặc biệt là 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo cũng như những người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình sống ở thành thị. - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG