Áo xanh nơi vùng sâu

0:00 / 0:00
0:00
Anh Vũ Minh Cường, Phó Chủ tịch Hội LHTN huyện Krông Búk, trong một chương trình thiện nguyện ở xã vùng sâu
Anh Vũ Minh Cường, Phó Chủ tịch Hội LHTN huyện Krông Búk, trong một chương trình thiện nguyện ở xã vùng sâu
TP - Ở các buôn làng vùng sâu, vùng xa tỉnh Đắk Lắk, trong câu chuyện của đồng bào luôn có hình ảnh màu áo xanh tình nguyện cùng chia sẻ và tìm ra giải pháp để nâng cao đời sống cho người dân.

“Bữa cơm ý nghĩa”

Trưởng thành từ phong trào đoàn cơ sở, anh Vũ Minh Cường, Phó Chủ tịch Hội LHTN huyện Krông Búk, Đội trưởng Đội công tác xã hội huyện, luôn xác định mình cần học tập và làm theo Bác ngay từ những việc làm bình thường và giản dị hằng ngày. Mỗi ngày, anh Cường tích cực đi đến buôn làng tìm hiểu phong tục, tập quán của các dân tộc, gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên.

Hơn 10 năm gắn bó với công tác Đoàn và hoạt động thiện nguyện, bước chân của anh Cường in dấu trên mọi nẻo đường thôn, buôn khó khăn. Cùng với các chương trình tình nguyện thường niên được Ủy ban Hội LHTN huyện và Huyện Đoàn phát động, từ năm 2016 đến nay, anh đã phát động chương trình “Bữa cơm ý nghĩa” với hoạt động chính là tu sửa nhà, tổ chức nấu cơm thân mật, trao quà (500 nghìn đồng/trường hợp) cho các gia đình khó khăn, người già neo đơn, bệnh tật. Đến nay, đã có 16 chương trình “Bữa cơm ý nghĩa” được tổ chức cho hơn 40 trường hợp khó khăn trong huyện.

Với vai trò Đội trưởng Đội công tác xã hội, anh luôn là người động viên, dẫn dắt các thành viên để thông qua mỗi hoạt động thiện nguyện giúp các bạn trẻ được trải nghiệm, đồng cảm, qua đó hiểu được giá trị nhân văn của hoạt động tình nguyện, trưởng thành và nỗ lực hơn trong cuộc sống. Anh Cường còn tích cực tham gia hiến máu tình nguyện, với 13 lần.

Áo xanh nơi vùng sâu ảnh 1

Thanh niên tình nguyện hướng dẫn phụ nữ Êđê viết chữ

“Lớp học yêu thương”

Thầy Mai Văn Chuyền (giáo viên Trường THCS Ngô Mây, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar), Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vì đàn em thân yêu” (trực thuộc Hội đồng Đội huyện Cư M’gar), gắn bó với hoạt động thiện nguyện hơn 10 năm nay. Những ngày này thầy vẫn miệt mài trên hành trình mang yêu thương đến với trẻ em, học sinh nghèo nơi vùng khó.

Trong những lần vận động học sinh đến trường, thầy chứng kiến nhiều em vì học yếu hay hoàn cảnh khó khăn mà bỏ học. Thầy phối hợp với Đoàn xã mở “Lớp học yêu thương”, dạy miễn phí cho các em. Hằng năm, thầy đứng ra quyên góp hàng nghìn quyển vở, sách giáo khoa, hàng trăm suất quà, quần áo, học bổng… tặng học sinh nghèo. Thầy còn biến ngôi nhà của mình thành “Ngôi nhà trí tuệ”, mở lớp học dạy miễn phí môn tiếng Anh, cờ vua…; xây dựng “Tủ sách nhân ái” với hơn 1.000 đầu sách để các em nhỏ vừa học, vừa chơi vào cuối tuần.

Với mô hình “Tiếp sức đường dài” do Hội đồng Đội tỉnh triển khai đầu năm 2020, san sẻ một phần khó khăn thông qua các suất quà, suất học bổng dài hạn cho học sinh nghèo, Hội đồng Đội huyện Cư M’gar là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả mô hình này. Thầy Chuyền cho biết, hiện có khoảng 85 học sinh được tiếp sức. Tùy vào tình hình thực tế của từng liên đội, trong quá trình xác minh tìm hiểu hoàn cảnh từng em, nếu quá khó khăn sẽ vận động nguồn lực hỗ trợ thêm như: trao dê giống, xây nhà, sửa chữa nhà…

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, dịch bạch hầu, bất kể trời nắng hay mưa, những chiếc xe máy của thanh niên tình nguyện chở theo loa phóng thanh đi vào từng ngõ ngách của buôn làng để tuyên truyền người dân hiểu đúng và biết cách phòng, chống dịch bệnh. Họ đến tận từng hộ gia đình phát tờ rơi có 2 thứ tiếng (tiếng Việt, Êđê). Trong Tháng Thanh niên năm 2021, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh Đắk Lắk thực hiện 710 công trình, phần việc, tổng kinh phí 8,2 tỷ đồng.

“Đêm sáng đèn mài dùi con chữ”

Ở những buôn làng heo hút, các bà, các mẹ người Êđê suốt ngày quần quật trên nương rẫy, có người chưa một lần biết mặt chữ, có người từng đi học nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên cái chữ rơi rụng dần trên nương rẫy. Vào dịp hè, Đoàn thanh niên cùng giáo viên lại mở lớp dạy chữ cho các bà, các mẹ người Êđê trong độ tuổi từ 40-65, giúp họ biết đọc, biết ký tên để không phải điểm chỉ khi vay vốn, nhận tiền hỗ trợ, làm giấy khai sinh cho con…

Nhiều đồng bào ở các xã thuộc huyện Krông Ana không biết chữ. Cuộc sống khó khăn, họ cần miếng ăn hơn cái chữ nên việc học của con em cũng dở dang. Chị Hòa Thị Hằng, cán bộ Đoàn xã Ea Na (huyện Krông Ana) cho biết, mấy chục năm không biết chữ, họ rất mặc cảm, tự ti. Để có những “đêm sáng đèn mài dùi con chữ” là nỗ lực rất lớn của nhiều thầy cô, Đoàn thanh niên đi đến gõ cửa vận động các mẹ đến lớp. Trong những lớp học xóa mù chữ ấy, chuyện cô giáo nói một thứ tiếng, học trò nói một thứ tiếng, hay phụ nữ Êđê mang con đến lớp vừa ru ngủ vừa viết bài… không phải là chuyện lạ. Mọi chuyện ở lớp học vẫn diễn ra suôn sẻ, trong căn phòng sáng điện ấy vang lên tiếng đọc bài ê a cho đến gần nửa đêm.

“Bây giờ tôi đã biết ký tên mình, làm toán và đọc được nhiều chữ, biết bấm điện thoại gọi cho con. Tôi biết viết được tên mình, vui lắm. Sợ quên chữ nên mỗi lần lên rẫy, vợ chồng, con cái lại đố nhau từng chữ để ôn bài”, bà H’Rú H’Đơk (58 tuổi, xã Ea Na) nói.

Từ năm 2016 đến nay, Huyện Đoàn Krông Ana phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều lớp xóa mù chữ miễn phí cho bà con ở nhiều buôn. Theo Huyện Đoàn Krông Ana, những lớp học xóa mù chữ sẽ tiếp tục được tổ chức.

MỚI - NÓNG