Tháng 5/2010, Mỹ bắt đầu tiến hành thử nghiệm 2 mẫu tên lửa hành trình siêu âm. Một trong số đó là Minotaur IV có khả năng tiêu diệt mục tiêu nằm ở bất cứ vị trí nào trên trái đất chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ. Hai mẫu tên lửa hành trình siêu âm này là kết quả của Chương trình ARRMD (Affordable Rapid Response Missile Demonstrator - sẵn sàng đáp trả nhanh bằng tên lửa) do Cơ quan Nghiên cứu dự án quốc phòng tiên tiến Bộ Quốc phòng Mỹ DARPA (Defense Advanced Research Project Agency).
Chương trình ARRMD bao gồm việc thiết kế và chế tạo tên lửa siêu âm có điều khiển lớp không đối không và hạm đối đất tầm xa. Trong khi Mỹ vẫn luôn tuyên bố rằng, vũ khí siêu âm mà họ nghiên cứu và chế tạo trước tiên là để tầm nã, khống chế và tiêu diệt các phần tử khủng bố. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhóm chuyên gia Nga chuyên về vấn đề nghiên cứu và thiết kế hệ thống phòng không vũ trụ, Mỹ chế tạo vũ khí siêu âm với nhiều mục đích khác như:
Để tiêu diệt các mục tiêu kiên cố của đối phương, các thành tố của hệ thống phòng không - phòng thủ tên lửa; để giành ưu thế tuyệt đối trên không và trên vũ trụ; đánh chặn có hiệu quả tên lửa đạn đạo của đối phương và tiêu diệt các phương tiện tấn công siêu âm của đối phương. Xuất phát từ các nhận định đó, các chuyên gia Nga cho rằng, sự xuất hiện của các loại vũ khí tấn công siêu âm của Mỹ sẽ làm giảm thiểu ưu thế lá chắn tên lửa - hạt nhân của Nga.
Ông Igor Korotchenko- một chuyên gia quân sự cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga - khẳng định, nước Nga cần thành lập nhanh hệ thống phòng không vũ trụ trong tình hình các nước thành viên của NATO, đặc biệt là Mỹ đang tiến hành nghiên cứu, chế tạo vũ khí tên lửa siêu thanh và các phương tiện tấn công siêu thanh thế hệ mới. Chính vì vậy, Nga cần phải thành lập gấp hệ thống phòng không vũ trụ tương xứng, đủ sức phòng ngừa và ngăn chặn các đợt tấn công của vũ khí siêu âm.
Ngay sau ngày 13/5/2010, sau khi nắm được thông tin Mỹ thử nghiệm tên lửa siêu âm Minotaur IV, nguyên Tư lệnh Không quân Nga Anatoly Kornukov và nguyên Cục trưởng Cục Trang bị lực lượng vũ trang Nga Anatoly Sitnov khẳng định: Phòng không và phòng không vũ trụ của Nga cho đến thời điểm ấy không còn đủ khả năng bảo đảm an toàn tuyệt đối cho quốc gia.
Để có thể đánh chặn và tiêu diệt các loại vũ khí tấn công hiện đại này không thể sử dụng hệ thống phòng không thông thường, bởi vì thời gian tên lửa siêu âm bay đi tiêu diệt mục tiêu chỉ được tính bằng phút kể từ khi rời bệ phóng, do đó phía phòng thủ sẽ không kịp trở tay để đưa ra các biện pháp bảo vệ mục tiêu an toàn.
Các chuyên gia này còn đưa ra giả thiết rằng, nếu Nga không có hệ thống vũ khí đáp trả tương ứng thì trong trường hợp Mỹ sử dụng vũ khí siêu âm để tấn công tiêu diệt các tổ hợp tên lửa di động (hạt nhân nòng cốt của lực lượng kiềm chế chiến lược) của Nga thì Nga sẽ không thể xoay xở kịp. Hiện nay Mỹ vẫn đang tiếp tục tiến hành thử nghiệm tên lửa siêu âm có điều khiển X-51A Waverider với trọng lượng phóng 1,1 tấn, trọng lượng đầu đạn 110 kg, bán kính hoạt động 1.200 km, tốc độ bay của đầu đạn hơn 2.400 m/giây. Dự kiến sau năm 2015, Mỹ sẽ bắt đầu trang bị loại tên lửa hiện đại này cho quân đội của mình.
Ngày 1/12/2011, lực lượng phòng thủ không gian - vũ trụ của Nga, bao gồm hệ thống kiểm soát vũ trụ và cảnh báo tên lửa, đã đi vào hoạt động. Theo Hãng thông tấn Itar-Tass, lực lượng mới này được thành lập dựa trên cơ sở thống nhất chỉ huy vũ trụ, chỉ huy phòng không và phòng thủ tên lửa cùng sân bay vũ trụ Plesetsk ở tỉnh Arkhangelsk.
Với hơn 3.000 quân nhân và nhân viên quốc phòng, lực lượng này được giao nhiệm vụ cảnh báo mọi cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc các loại vũ khí khác từ bên ngoài, kiểm soát khoảng không vũ trụ, phóng và điều khiển các vệ tinh. Lực lượng này cũng được trang bị các loại vũ khí và radar hiện đại có khả năng phát hiện và tiêu diệt mọi loại tên lửa đạn đạo của đối phương, trở thành phòng tuyến đầu tiên của Moskva trong việc chống lại các mối đe dọa quân sự có tính chất chiến lược, sau khi Mỹ công bố kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở châu Âu, gần với biên giới Nga.
Năm 2013, các lực lượng trực chiến thuộc hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa và hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga đã phát hiện được khoảng 40 vụ phóng tên lửa và thiết bị không gian ở trong nước và nước ngoài. Hệ thống radar cảnh báo sớm của Nga đã không để lọt một tên lửa nào trong khu vực kiểm soát của họ. Minh chứng rõ nét nhất là vào ngày 3/9/2013, 2 quả "tên lửa đạn đạo mục tiêu" do quân đội Israel phóng ở Địa Trung Hải đã bị radar cảnh báo sớm ở thành phố miền Nam Armavir của Nga phát hiện. Radar của Nga đã phát hiện và theo dõi toàn bộ quỹ đạo bay của 2 tên lửa đạn đạo mục tiêu này từ khu vực trung tâm đến phía đông Địa Trung Hải, cho đến khi các tên lửa mục tiêu này rơi xuống vùng biển giáp với bờ biển của Syria.
Năm 2014, Lực lượng Phòng thủ vũ trụ Nga đã phát hiện tất cả các vụ phóng tên lửa đạn đạo diễn ra trên lãnh thổ "các nước đối tác" và 6 lần cảnh báo về các vật thể vũ trụ tiến tới gần Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), trong đó có các mảnh rác vũ trụ. Đồng thời, phát hiện 189 thiết bị vũ trụ và đã đưa vào danh sách theo dõi, trong đó có 161 thiết bị và phương tiện vũ trụ của nước ngoài.
Theo Thiếu tướng Anatoly Nestechuk, Phó tư lệnh Lực lượng Phòng thủ vũ trụ Nga, hiện tại, hệ thống radar cảnh báo sớm các cuộc tấn công tên lửa của Nga bao gồm 4 trạm radar thế hệ mới: một trạm radar Voronezh-M tại khu vực Leningrad, một trạm radar Voronezh-DM tại vùng lãnh thổ Krasnodar và một trạm radar Voronezh-DM ở khu vực Kaliningrad đã được đưa vào trực chiến, cùng với trạm radar Voronezh-M ở khu vực Irkutsk đang trong quá trình thử nghiệm.
Nga còn có nhiều trạm radar cảnh báo sớm có công suất lớn được triển khai ở nhiều khu vực, cho phép kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Nga và một số hướng quan trọng. Trong tương lai, Nga còn có kế hoạch sẽ triển khai thêm 3 trạm radar lớp Voronezh mới tại vùng lãnh thổ Krasnoyarsk ở đông Siberia, tại nước cộng hòa Altai ở Nam Siberia và tại khu vực Orenburg ở Nam Ural. Theo ông Nestechuk, các trạm radar mới này sẽ được đưa vào thử nghiệm trong năm 2015. Hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa của Nga sẽ kiểm soát toàn bộ và thường xuyên các hoạt động phóng tên lửa đạn đạo trên toàn cầu.
Mới đây nhất, ngày 30/11, trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Ngôi sao đỏ, Trung tướng Alexander Golovko cho biết Lực lượng phòng không vũ trụ Nga đang có kế hoạch khôi phục cơ sở hạ tầng vũ trụ ở Crimea, trong đó gồm có các trạm tại Sevastopol và Evpatoria. Ông Golovko nói thêm rằng, vị trí địa lý của Crimea rất phù hợp cho việc thực hiện các nhiệm vụ giám sát và kiểm soát phương tiện không gian, vì vậy Nga đã bắt đầu việc cung cấp và bố trí các loại vũ khí hiện đại, trang thiết bị quân sự, khôi phục hệ thống cảnh báo tên lửa tại khu vực trọng yếu này.