Áo giáp người sắt: Từ màn ảnh đến thực địa chiến trường

Hình ảnh lính Mỹ mặc áo giáp Người sắt trong video của SOCOM.
Hình ảnh lính Mỹ mặc áo giáp Người sắt trong video của SOCOM.
Một lính Mỹ mặc bộ áo giáp kim loại ập vào cửa một căn phòng trong làn đạn bắn như mưa. Các viên đạn lần lượt bật trở lại, không viên nào xuyên qua được lớp kim loại chắc chắn. Người lính Mỹ trong video đó mặc một thứ mà quân đội Mỹ gọi là bộ quần áo tấn công chiến thuật TALOS, còn báo chí gọi là "áo giáp người sắt".

Ý  tưởng về "áo giáp người sắt" như trong phim được Bộ chỉ huy Chiến dịch đặc biệt (SOCOM) đưa ra năm 2013. Chỉ huy của SOCOM lúc đó là Đô đốc Hải quân William McRaven cho biết mục tiêu của chương trình nghiên cứu áo giáp là bảo vệ lính biệt kích khi họ phải xâm nhập các tòa nhà trong các cuộc đột kích, nơi mà các phần tử nguy hiểm có thể đang chờ sẵn để tấn công. Ông McRaven đã xin được nguồn kinh phí 80 triệu USD và giao cho các nhà công nghệ có thời gian đến năm 2018 để phát triển một mẫu thử nghiệm.

Quân đội Mỹ có vẻ rất háo hức được trang bị bộ áo giáp vô song này cho binh sĩ. Tuy nhiên, thượng nghị sĩ về hưu Tom Coburn ở bang Oklahoma lại liệt ý tưởng TALOS vào danh sách “những ý tưởng lãng phí thời gian” và cho biết các chuyên gia ông tham vấn đều khẳng định TALOS không thể thành hiện thực. Dù mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu nghiên cứu nhưng một số người đã cho rằng dự án này có thể ngốn kinh phí vượt quá ngân sách được cấp mà sẽ không bao giờ đạt được một kết quả nào.

Áo giáp người sắt: Từ màn ảnh đến thực địa chiến trường ảnh 1

Áo giáp của lính Mỹ trong tương lai.

Cản trở thứ nhất là cân nặng của bộ áo giáp. Hiện nay, quân đội Mỹ đã có các loại áo giáp với các tấm kim loại ở cả phía trước và sau, cộng thêm chiếc mũ bảo hiểm bằng kim loại. Với bộ áo như vậy, người mặc chỉ được bảo vệ chưa đầy 20% cơ thể trong khi phải mang trên người từ 3,5kg đến 5,5kg kim loại/0,09 m2. Nếu áo giáp người sắt che toàn bộ cơ thể, một lính biệt kích sẽ phải gánh từ 226kg tới 272kg trên người. Điều này là không tưởng.

Nếu giải quyết được vấn đề trọng lượng của áo giáp, các nhà công nghệ còn phải tính đến khả năng điều khiển, kiểm soát chiếc áo. Kiểm soát và nâng toàn bộ chiếc áo sẽ đòi hỏi rất nhiều năng lượng. Một bộ khung xương ngoài đã cần từ 3 - 5 KW điện cho 10 - 12 tiếng hoạt động. Hiện nay vẫn chưa có thứ gì mà con người có thể mang bên mình để cung cấp chừng ấy năng lượng. Theo chiến lược gia Peter W. Singer, tác giả nhiều cuốn sách về công nghệ quân sự và người máy học, thách thức lớn nhất của SOCOM là vấn đề năng lượng.

Một số đề xuất để giải quyết vấn đề này gồm dùng năng lượng mặt trời hay dùng động năng (tức là tạo năng lượng từ chuyển động của cơ thể). Nhưng số năng lượng tạo ra vô cùng ít ỏi so với những gì mà SOCOM cần cho bộ áo giáp người sắt.

Tuy nhiên, các quan chức SOCOM lại không nghĩ thế. Theo họ, không cần phải trang bị bộ áo giáp người sắt cho cả đội biệt kích mà chỉ cần trang bị cho người đầu tiên xông vào qua cửa. Người này sẽ là người dễ bị tổn thương nhất. Ngoài ra, do mỗi cuộc đột kích như vậy chỉ mất vài phút nên không cần tới nguồn năng lượng đủ dùng cho 10 hay 12 tiếng.

Dù vậy, ông James F. Geurts thuộc SOCOM cho biết đơn vị này đã ký ba hợp đồng để mua 3 mẫu khung xương ngoài được tiếp năng lượng và sẽ nhận được hàng trong năm nay. Những mẫu này sẽ giúp các nhà nghiên cứu hiểu về cách hoạt động của cơ thể người và biết người mặc áo giáp cần hỗ trợ ở chỗ nào.

Trước SOCOM, nhiều công ty, phòng thí nghiệm đã phát triển các bộ khung xương ngoài. Tập đoàn Lockheed Martin đã phát triển hai hệ thống khung xương ngoài để ứng dụng trong công nghiệp và chiến dịch ngoài thực địa. Bộ khung HULC dùng để giúp binh sĩ vác được một khối lượng nặng, được Lục quân Mỹ thử nghiệm năm 2011 nhưng không được đưa ra thực địa. Bộ khung này có thể giúp một binh sĩ vác vật nặng được 20km mỗi một lần sạc năng lượng. Còn bộ khung FORTIS nhẹ hơn và không cần năng lượng được hải quân Mỹ sử dụng trong hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa tàu tại các xưởng đóng tàu.

Một trở ngại nữa của SOCOM khi phát triển áo giáp người sắt đó là thực tế không bộ áo nào có thể bảo vệ con người chống lại mọi loại đạn dược, vũ khí trên chiến trường. Một bộ áo giáp nặng hơn 200kg có thể chặn một viên đạn cỡ 7,62mm nhưng không thể bảo vệ người mặc trước súng phóng lựu, một viên đạn cỡ to hơn hoặc một thiết bị nổ mạnh. Bộ áo giáp cũng không thể giúp người mặc có sự linh hoạt, nhanh nhẹn nếu hoạt động ở vùng núi, ven biển hoặc ven sông. Ngoài ra, vấn đề tầm nhìn cho người sử dụng áo giáp cũng là trở ngại cần vượt qua.

Bất chấp các trở ngại cao ngất, các quan chức SOCOM vẫn tự tin tiến hành dự án. Hiện SOCOM có một đội ngũ gồm gần 20 người làm việc toàn thời gian trong dự án phát triển áo giáp TALOS. Bất kỳ ai trong nhóm dự án có giải pháp giải quyết vấn đề chuyển động và tầm nhìn của người mặc sẽ được một phần thưởng xứng đáng. Còn vấn đề năng lượng, SOCOM đã chuyển giao cho một chương trình nghiên cứu và phát triển của Bộ Năng lượng.

Theo Theo An ninh thế giới
MỚI - NÓNG