Anh trai ông chủ Nhật Cường khai nhận hàng lậu từ người đi xe bồn chở xăng

0:00 / 0:00
0:00
Bị cáo Bùi Quốc Việt - anh trai ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy.
Bị cáo Bùi Quốc Việt - anh trai ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy.
TPO - Tại phiên toà xét xử các bị cáo trong vụ án Công ty Nhật Cường buôn lậu điện thoại, bị cáo Bùi Quốc Việt anh trai là Bùi Quang Huy (ông chủ hệ thống Nhật Cường hiện đang bỏ trốn) khai từng 3 lần nhận hàng lậu từ một người đi xe bồn chở xăng...

Chiều 5/5, TAND TP Hà Nội tiến hành xét hỏi các bị cáo trong vụ án buôn lậu, trốn thuế xảy ra tại Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường.

Trước đó, đại diện viện kiểm sát công bố cáo trạng thể hiện từ năm 2014 - 2019, ông chủ Nhật Cường là Bùi Quang Huy (đang bỏ trốn) sử dụng hệ thống của doanh nghiệp này để nhập lậu 255.311 sản phẩm điện thoại di động, máy nghe nhạc, máy tính bảng, đồng hồ… với tổng trị giá 2.927 tỷ đồng rồi phân phối.

Cơ quan truy tố xác định thông qua việc buôn lậu, Cty Nhật Cường đã bán được 254.364 sản phẩm, thu hơn 3.213 tỷ đồng và qua đây hưởng lợi bất chính 221 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian 2014 - 2019, Bùi Quang Huy chỉ đạo nhân viên lập 2 hệ thống sổ sách kế toán gồm hệ thống ERP nội bộ để theo dõi số liệu thực tế và hệ thống Misa ghi nhận báo cáo tài chính, sổ sách kế toán để khai báo với cơ quan quản lý Nhà nước.

Hai hệ thống này có sự chênh lệch về số liệu và theo kết quả giám định, Cty Nhật Cường đã trốn đóng hơn 26,8 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng cùng hơn 3,1 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về hành vi nhập hàng lậu, Bùi Quang Huy nhập hàng từ các nhà cung cấp nội địa hoặc từ nước ngoài. Khi nhập hàng, Huy thanh toán bằng tiền mặt hoặc qua các tiệm vàng tại Hà Nội.

Anh trai ông chủ Nhật Cường khai nhận hàng lậu từ người đi xe bồn chở xăng ảnh 1

Các bị cáo tại tòa.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc – Giám đốc tài chính Nhật Cường khai đã trực tiếp sử dụng hệ thống ERP để duyệt thu, chi của toàn hệ thống doanh nghiệp. Bị cáo Ngọc phụ trách việc quản lý thu tiền từ các đại lý bán hàng và chi tiền nhập hàng, mua bán, trả lương…

Trả lời Hội đồng xét xử, Nguyễn Bảo Ngọc khai đã dùng ERP từ năm 2013 và chi số tiền nhập khẩu hàng không hóa đơn trị giá hơn 2.900 tỷ đồng. Trong đó, Ngọc chi cho bị cáo Ngô Xuân Sửu – Giám đốc Cty Thanh Sơn khoảng 200 tỷ đồng vì Sửu nằm trong đường dây cung cấp hàng lậu cho Bùi Quang Huy.

Ngoài ra, Ngọc thanh toán cho các nhà cung cấp có địa chỉ nước ngoài thông qua 2 tiệm vàng ở Hà Nội. Trong đó, bị cáo thanh toán qua tiệm vàng Lộc Phát (ở phố Hà Trung) số tiền hơn 1.729 tỷ đồng và qua tiệm vàng Thuận Phát (ở phố Hàng Bạc) hơn 795 tỷ đồng.

Cáo trạng vụ án thể hiện, chủ 2 tiệm vàng trên không thừa nhận giúp Bùi Quang Huy chuyển tiền ra nước ngoài. Ngoài ra, do bị can Huy đang bỏ trốn nên cơ quan điều tra chưa chủ cơ sở xử lý 2 tiệm vàng này.

Bùi Quang Huy chỉ đạo chính?

Đây là khẳng định của bị cáo Trần Ngọc Ánh – Phó tổng giám đốc Nhật Cường. Theo bị cáo Ánh, Cty Nhật Cường được thành lập năm 2002 và ban đầu chỉ tập trung lĩnh vực sửa chữa điện thoại di động.

Từ năm 2011, doanh nghiệp này mở rộng mảng bán lẻ và nhanh chóng phát triển lên 9 địa điểm tại Hà Nội nên Ánh được giao nhiệm vụ đi thuê cửa hàng, tập huấn cho nhân viên…

Nhật Cường nhanh chóng phát triển ra 9 của hàng tại Hà Nội với các chi nhánh doanh thu cao nhất tại phố Lý Quốc Sư, Xuân Thủy, Láng Hạ. Nguồn hàng ban đầu nhập từ trong nước, tại các Cty Nokia, Samsung… nhưng sau đó nhập thêm hàng không hóa đơn từ nước ngoài.

Theo Trần Ngọc Ánh, trong công ty, Bùi Quang Huy là ông chủ, có vai trò chính, chỉ đạo toàn bộ hoạt động và phụ trách nhập hàng. “Từ tháng 7/2015, anh Huy muốn mở rộng thêm lĩnh vực về phầm mềm nên giao thêm quyền cho các bị cáo mua hàng nước ngoài gồm cách nhập khẩu có hóa đơn, hợp đồng và có cả cách mua trực tiếp, thuê vận chuyển, không đóng thuế” – Trần Ngọc Ánh khai.

Tuy nhiên, bị cáo Ánh cho rằng bản thân chỉ tham gia các nhóm chát trên mạng xã hội để tư vấn cho Bùi Quang Huy về giá nhập khẩu; chủng loại, số lượng hàng cần mua…

Trần Ngọc Ánh trình bày: “Anh Huy và bị cáo không bàn bạc với nhau, Huy là ông chủ. Các bị cáo làm thuê lâu lăm nên được giao nhiệm vụ cứ làm theo, không ý kiến gì… Dưới bị cáo có một số nhân viên kinh doanh như Hoàng Văn Phong trợ giúp bị cáo tư vấn mặt hàng cần mua và Mai Tiến Dũng (đã mất). Họ chỉ tư vấn chứ không trực tiếp mua hàng. Tìm nguồn, thỏa thuận giá là anh Huy làm còn các bị cáo chỉ tham gia nên mua hàng nào, giá nào”.

Vận chuyển hàng lậu bằng xe bồn chở xăng

Cũng tiến hành khai báo, Bùi Quốc Việt (anh trai ruột bị can Bùi Quang Huy) cho biết từng đi xuất khẩu lao động tại Đức từ năm 1989 đến năm 2004 mới về nước. Sau đó, do thất nghiệp nên gia đình động viên vào làm tại Cty Nhật Cường của em trai.

“Bị cáo ở công ty đi trông xe ngoài vỉa hè, làm được lương hơn 1 triệu/tháng và đến năm 2019 là 6 triệu đồng. Bị cáo cứ ai giao việc thì làm, công nhân viên nhờ bị cáo sẽ đi, bận việc riêng thì thôi” – bị cáo Việt nói.

Chủ tọa hỏi thêm về công việc khác, bị cáo Việt khai: “Từ năm 2012, sau khi bị cáo lấy vợ, bị cáo đi thu tiền từ các cửa hàng bán lẻ, ngày nào cũng đi. Cứ 8h30 bị cáo đến, đi hơn 10 cửa hàng thu tiền rồi ra ngân hàng nộp, đến 12h hết trách nhiệm về”.

Bị cáo Việt cũng thừa nhận có một số lần đi nhận hàng lậu cho Nhật Cường trong đó, có 3 lần nhận hàng từ một người tên Lợi đi xe bồn chở xăng đến Hà Nội. Tuy nhiên, về trị giá số hàng này hơn 7 tỷ đồng, Bùi Quốc Việt khai không biết vì bản thân “chỉ biết nhận”.

Bùi Quốc Việt nói thêm, bị bắt vào ngày 10/7/2020 tại trụ sở C03 Bộ Công an và trước đó không liên lạc với em trai Bùi Quang Huy; bị cáo không biết Huy đã, đang đi đâu, làm gì.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.