Kết quả kiểm phiếu công bố hôm qua cho thấy 51,9% trong số 46,5 triệu dân Anh muốn một tương lai độc lập khỏi những quy tắc áp đặt từ EU, cho dù họ phải đối mặt khả năng phải chịu thuế cao hơn và nhiều doanh nghiệp chuyển sang châu Âu.
Sau khi những lời kêu gọi tha thiết của ông mang lại kết quả ngược (người dân vẫn bỏ phiếu rời EU), Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 10 tới. Phát biểu tại số 10 phố Downing, ông Cameron nói rằng, nước Anh cần người lãnh đạo mới. Ông Boris Johnson, cựu Thị trưởng London và cũng là gương mặt nổi bật trong chiến dịch ủng hộ Brexit, sẽ tranh cử vị trí thủ tướng.
Khắp thế giới, quyết định của cử tri Anh gặp phải nhiều phản ứng khác nhau, từ thất vọng đến bối rối và chấp nhận. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (thay mặt Chủ tịch luân phiên châu Âu), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ra tuyên bố chung: “Liên minh gồm 27 quốc gia vẫn sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển...
Chúng tôi kỳ vọng chính phủ Vương quốc Anh thực thi quyết định của người dân Anh càng sớm càng tốt, dù quá trình này đau đớn đến thế nào. Bất kỳ sự trì hoãn nào cũng sẽ là sự bất ổn kéo dài không cần thiết… Chúng tôi hy vọng Anh sẽ là đối tác gần gũi của EU trong tương lai”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo các quốc gia thành viên EU chớ rút ra kết luận vội vàng khiến châu Âu có nguy cơ chia rẽ thêm. Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng, Brexit là “phép thử nghiêm trọng đối với châu Âu”.
Chấp nhận thực tế
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua nói EU và Anh sẽ vẫn là “những đối tác không thể thay thế” của Mỹ, nhằm tái bảo đảm với người Anh rằng, mối quan hệ đặc biệt giữa Washington và London có thể chịu đựng cuộc “ly dị” của Anh khỏi châu Âu.
Trong phản ứng công khai đầu tiên về cuộc bỏ phiếu, ông Obama nói rằng, người dân Anh đã lên tiếng. Trước đó, ông Obama mạnh mẽ thúc giục Anh ở lại EU, và quyết định lần này của người Anh được đánh giá là cú đánh mạnh vào nỗ lực của ông Obama nhằm đối phó những quan điểm cô lập đang nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới.
Về kết quả Brexit, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng, Mỹ “thích một kết quả khác hơn”, Reuters đưa tin. Còn ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua hoan nghênh lựa chọn ra khỏi EU của người Anh là để “lấy lại đất nước”. Ứng viên Hillary Clinton khẳng định “cần tôn trọng quyết định của người dân”.
Trung Quốc, nước đang thúc đẩy quan hệ với Anh, kêu gọi nước này đạt thỏa thuận với EU càng sớm càng tốt. Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G7 hôm qua đưa ra tuyên bố khẳng định, họ tôn trọng lựa chọn của người dân Anh, G7 đã có những bước đi nhằm bảo đảm tính thanh khoản đầy đủ và hỗ trợ hoạt động của các thị trường.
Thủ tướng Czech Bohuslav Sobotka kêu gọi “một EU linh hoạt hơn và bớt quan liêu hơn”. Ông Obotka viết trên Facebook: “EU phải thay đổi nhanh, không phải vì Anh đã ra đi mà vì dự án châu Âu cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ người dân”. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull khẳng định, quan hệ của Úc với Anh sẽ vẫn “rất mạnh mẽ và khăng khít”.
Chứng khoán thế giới đỏ rực
Hôm qua, màu đỏ bao trùm khắp các sàn chứng khoán thế giới. Đồng bảng Anh giảm 10% xuống mức yếu nhất kể từ năm 1985 - chỉ còn tương đương 1,33 USD. Giá dầu thế giới trượt hơn 6%. Chứng khoán Tokyo rớt hơn 8% và Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso phải tổ chức họp báo khẩn. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cam kết sẽ có những biện pháp ổn định thị trường tài chính, hãng thông tấn Kyodo đưa tin. Thứ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok tổ chức họp với các quan chức ngân hàng trung ương để triển khai “mọi biện pháp cần thiết” để ổn định thị trường tài chính, hãng thông tấn Yonhap đưa tin.