Anh thông báo sẽ gửi hệ thống tên lửa phóng hàng loạt cho Ukraine chỉ một tuần sau khi Mỹ tuyên bố tương tự. Ngày 23/6, Ukraine khoe đã nhận được quà của Mỹ, hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS). Trước đấy hai ngày, Đức đã gửi các lựu pháo tự hành tầm bắn 40 km cho Kiev trong đợt giao vũ khí hạng nặng đầu tiên. Có tin, hàng của Anh cũng sẽ đến cuối tháng 6.
Bất chấp Nga gọi các động thái trên là “điên rồ và thiếu suy nghĩ”, tân lãnh đạo lực lượng lục quân Anh vẫn dội gáo nước lạnh. Một tuần sau khi chính phủ Anh tuyên bố gửi vũ khí, tướng Patrick Sanders kêu gọi binh lính sẵn sàng đấu với Nga. Ông nói quân đội và các đồng minh phải “đánh bại Nga” trong các cuộc chiến trên bộ.
Tuyên bố của Huân tước Sanders diễn ra với tốc độ nhanh hiếm có. Ông phổ biến chiến lược cho các quân nhân thuộc mọi cấp bậc và các công chức dân sự một tuần sau khi nhậm chức. Chiến lược thường vạch ra sau thời gian dài nghiên cứu và tổng kết nhưng lần này gần như soạn thảo và công bố tức thì. Trong thông điệp trên mạng nội bộ của Bộ Quốc phòng Anh, ông nhấn mạnh “thế giới đã thay đổi kể từ ngày 24/2”.
Anh là đối thủ cực khó nhằn của Nga ở lục địa già. Liên Xô từng thâm nhập các cấp cao nhất của tình báo và an ninh Anh những năm 1930-1950. Anh cũng phối hợp các sĩ quan tình báo hàng đầu của Nga, kể cả thập niên 1990, lấy thông tin chi tiết về các điệp viên Nga hoạt động khắp châu Âu.
Nga không ưa gì Anh với vị thế địa chính trị đặc thù của nước này. Kể từ thế kỷ 19, quốc đảo đã thành điểm đến phổ biến cho những người Nga lưu vong chính trị, những người tị nạn, và những người giàu có đào tẩu khỏi thế giới nói tiếng Nga. Ít nhất hai năm trước khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, Anh đã xem Nga là đe dọa lớn nhất cho an ninh quốc gia.
Xung đột Nga-Ukraine tác động ghê gớm đến cái nhìn của Anh đến đối thủ lâu đời. Thực ra, bất chấp căng thẳng, năm ngoái Anh bắt đầu giảm quy mô quân đội chỉ còn 72.500 người đến năm 2025. Vậy mà, tướng Sir Patrick vừa cài đặt lại mục tiêu “sẵn sàng để quân đội một lần nữa chiến đấu ở châu Âu".