Anh gàn đi 'nhặt' ký ức

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những cuộc di dân để nhường đất cho các dự án khiến nhiều gia đình vứt bỏ các đồ vật cũ khi tái định cư ở vùng đất mới. Là người ở lại, anh Lê Quang Siêng tỉ mẩn sưu tầm, góp nhặt từng vật dụng chỉ để thỏa mãn ý thích lưu giữ ký ức.

Lén vợ đi thu gom đồ cũ

Lê Quang Siêng (43 tuổi) là người gốc thôn Đông Lỗ (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nhưng nay đã chuyển sang định cư ở thôn Thuận Phước (cùng xã). Từ năm 2007, khi còn làm bảo vệ ở Nhà máy lọc dầu Dung Quất, anh Siêng bắt đầu thu gom, sưu tầm những vật dụng cũ của các gia đình.

“Hồi nhỏ theo gia đình đi kinh tế mới ở Đắk Lắk, khi có vợ lại quay về quê hương lập nghiệp. Xa quê lâu nên khi thấy vật dụng cũ bị người dân bỏ rơi rớt sau những đợt di dân để nhường chỗ cho các dự án thì tiếc lắm, từ đó mới nảy sinh ý định thu gom về làm kỷ niệm”, anh Siêng nhớ lại.

Anh gàn đi 'nhặt' ký ức ảnh 1

Anh Lê Quang Siêng giới thiệu góc vật dụng từ thời chiến tranh

Ban đầu chỉ là việc nhặt nhạnh đồ vật cũ như hũ, chum, chén đĩa cũ. Dần dà, anh Siêng bỏ tiền ra mua, ít thì vài chục nghìn đồng, nhiều thì lên đến tiền triệu. Số lượng hiện vật anh sưu tầm được ngày càng tăng. Hơn 14 năm qua, anh Siêng đã gom góp được trên 2.000 hiện vật, phân thành những nhóm chính như vật dụng sinh hoạt tái chế từ vật liệu chiến tranh; vật dụng truyền thống trong các gia đình nông thôn như chén đĩa, bàn mài, chum, vại, nồi đồng, bàn ủi con gà, bộ bình vôi ăn trầu,…

“Đồ vật mình sưu tầm, cổ có, cũ có ở trong và ngoài xã. Giá trị thì mình không có chuyên môn, không chắc chắn lắm. Có cái nhặt được, cái mua, cũng có cái được cho. Như cái bộ che dùng để ép mía thủ công là mình bỏ tiền lương ra mua, hết 4 triệu rưỡi. Ngoài ra còn có mộ chum thời Chămpa được một người trong xã mang tặng”, anh Siêng cười.

Ngừng lời, anh Siêng lấy chìa khóa mở tủ kính, cẩn thận lấy ra cái bình vôi bằng gốm còn nguyên vẹn, màu sắc tươi sáng, hào hứng: “Ông bình vôi mình sưu tầm được khá nhiều, nhưng quý nhất là bình vôi ký kiểu này. Thời xưa chỉ có vua quan mới được xài. Chắc nay cũng hơn 300 năm rồi”.

“Mình chỉ học đến cấp 2, không tài giỏi và cũng chẳng có kiến thức chuyên môn gì. Vì đam mê mà sưu tầm được gì là mày mò tìm hiểu”, anh Siêng phân bua.

Bởi sở thích kỳ lạ nên suốt một thời gian dài, mọi người trong gia đình không cảm thông, thậm chí tìm cách ngăn cản. “Vợ cằn nhằn hoài, có lần mời cả ba mẹ ruột của mình tới để “méc vốn”, không cho mình sưu tầm nữa. Thế là mình phải lén đi, kiếm được đồ rồi giấu ở chỗ khác, không dám mang về nhà”, anh ngượng ngùng.

Trong mắt những người xung quanh, anh Siêng là kẻ “gàn dở” bởi sở thích và đam mê không giống ai: “Có người bảo nghèo là đúng, vì suốt ngày đi nhặt máng heo, cốc đá. Thời còn làm bảo vệ, lương bao nhiêu anh ấy mang hết đi mua đồ cũ. Thấy nhà ai có gì hay hay, được truyền từ đời trước là anh ấy hỏi xin, rồi hỏi mua. Việc nhà, con cái không lo, toàn đi làm những việc… tào lao. Bây giờ hiểu đó là đam mê, với dần dần cũng quen nên không cản nữa”, chị Võ Thị Nhung, 38 tuổi vợ anh Siêng cười hiền.

Hiến tặng, không bán

Hai năm trước, anh Siêng nghỉ làm bảo vệ về mở quán cà phê mang tên “Nguồn cội”. Gian chính của quán cà phê anh dùng làm nơi bài trí các vật dụng sưu tầm, hệt như một bảo tàng thu nhỏ. Ngoài việc lau chùi, bảo quản, anh còn làm một cuốn sổ tay, ghi chép cụ thể các vật dụng nhặt, xin hay mua được từ ai. Khách tới quán cà phê, ngắm nghía hỏi thăm vật dụng nào, anh Siêng đều hồ hởi trả lời, niềm vui lấp lánh trong đáy mắt.

“Nhìn vào những đồ vật ở đây, mọi ký ức về ông bà, về thời chiến tranh, về cuộc sống thế hệ trước dù gian khó nhưng là một phần không thể thiếu trong tâm hồn người bản xứ như được tái hiện”, một khách quen của quán anh Siêng chia sẻ.

Hơn 14 năm sưu tầm, nhặt nhạnh, tích góp, niềm tự hào nhất của anh Siêng chính là giữ được rất nhiều ký ức, kỷ vật của hàng trăm gia đình vùng khu đông huyện Bình Sơn. Mỗi đồ vật đều mang câu chuyện riêng, linh hồn riêng.

Không giấu giếm niềm riêng, anh Siêng bày tỏ: “Mình không có tham vọng làm giàu từ việc sưu tầm này, nguyện vọng là hiến tặng toàn bộ số hiện vật cho chính quyền địa phương. Mong muốn số hiện vật được dùng đúng mục đích, làm thành nơi trưng bày hiện vật truyền thống, văn hóa, gắn với du lịch ở Bàu Cá Cái thì càng tốt”.

Về giá trị từng hiện vật, cần có những chuyên gia am hiểu mới đánh giá được, nhưng cách làm của anh Siêng là hết sức đáng trân trọng. Các hiện vật anh Siêng lưu giữ là ký ức về làng quê đã hình thành nhiều thế kỷ trước, là một phần lịch sử, một phần văn hóa còn sót lại đến ngày nay. Nhưng để cho phần văn hóa, lịch sử ấy, ký ức ấy phát huy giá trị, cần đến sự quan tâm của địa phương, của các cơ quan chuyên môn, chứ không để chỉ anh Siêng tự lo một mình”, TS Nguyễn Đăng Vũ, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ.

MỚI - NÓNG