Tờ The Times ngày 10/4 dẫn lời Chuẩn Đô đốc John Weale, Tư lệnh hạm đội tàu ngầm của Vương quốc Anh cho biết, Luân Đôn đang đào tạo các chuyên gia và thủy thủ đoàn để có thể đưa tàu ngầm trở lại Bắc Cực trong thời gian sớm nhất.
Theo nguồn tin, các sĩ quan hải quân Anh đã vượt qua khóa thực tập trên tàu ngầm của Mỹ bằng chuyến đi thực tế qua eo biển Bering.
“Chúng tôi sẽ sử dụng kinh nghiệm và việc đào tạo của họ để chuẩn bị cho một trong những tàu ngầm tấn công hạt nhân loại Trafalgar của chúng tôi đảm nhận công việc dưới băng, trước khi áp dụng những kỹ năng này trong công tác của toàn hạm đội”, Chuẩn Đô đốc Anh John Weale tuyên bố.
Thông thường, để hoạt động ở Bắc Cực, các tàu ngầm sẽ phải hoạt động dưới lớp băng dày trong thời gian dài.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Hải quân Hoàng gia Anh đưa tàu ngầm đến Bắc Cực. Năm 2007, trong chuyến đi tới Bắc Cực, một vụ nổ đã xảy ra đối với một tàu ngầm của Vương quốc này, khiến hai binh sĩ thiệt mạng. Bộ Quốc phòng Anh sau đó đã đình chỉ tất cả hoạt động của tàu ngầm tại khu vực này.
Trafalgar là loại tàu ngầm hạt nhân tấn công được đưa vào hoạt động trong hải quân Hoàng gia Anh từ năm 1983. 7 chiếc đã được đóng mới trong đó 4 chiếc vẫn còn hoạt động. Năm 1993, Trafalgar lập kỷ lục với thời gian hoạt động liên tục dưới nước lên đến 66.000 km trong chuyến hành trình đến Australia.
Tàu được trang bị một lò phản ứng hạt nhân Rolls Royce PWR1. Tàu ngầm Trafalgar có lượng giãn nước khi lặn 5.300 tấn, tốc độ tối đa khi lặn 32 hải lý/giờ. Nó được trang bị 5 ống phóng ngư lôi 533 mm có khả năng phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk, với cơ số ngư lôi, tên lửa mang theo là 30 quả.