Đường lên cầu Nhật Tân tại điểm đầu đoạn giao với ngã tư Xuân La, quận Tây Hồ nằm trên tuyến vành đai 2 của Hà Nội.
Sau nhiều năm vướng mắc giải phóng mặt bằng, khu vực đường dẫn đi qua các phường Phú Thượng, Xuân La đã hoàn tất. Các phương tiện có thể xuất phát từ hướng đường Lạc Long Quân rẽ vào Xuân La hoặc Nguyễn Hoàng Tôn để vòng lên cầu.
Đường dẫn tại đoạn vắt ngang qua Âu Cơ, giữa hai địa bàn phường Phú Thượng và Nhật Tân. Trong năm tới khu vực này sẽ xây dựng thêm một cây cầu vượt nhẹ, vượt 2 cụm đèn đỏ, nằm chính giữa đường Âu Cơ vượt Lạc Long Quân và đường kết nối cầu Nhật Tân. Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép Ban Quản lý Dự án 85 thực hiện đầu tư xây dựng.
Để ghi lại mối quan hệ hữu nghị Việt - Nhật, cầu sẽ có hai tên gọi là “Nhật Tân” và “Hữu nghị Việt-Nhật”. Trên chiếc cầu dây văng lớn nhất Việt Nam sẽ không cho phép các loại xe tải lưu thông mà phải di chuyển qua cầu Thăng Long. Còn ôtô, xe buýt, xe khách sẽ di chuyển vào 6 làn theo chỉ dẫn.
Đây là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới. Phần cầu chính cũng áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến lần đầu được áp dụng ở Việt Nam.
Đó là công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan trắc theo dõi với nhiều thiết bị hiện đại như đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép…
Tổng mức đầu tư 89,943 tỷ yên Nhật (tương đương gần 14.000 tỷ đồng). Cầu chính dài trên 3.750 m, đường dẫn 5.170 m, rộng 33,2 m.
Cầu Nhật Tân cho phép cả xe máy lưu thông với 2 làn ở đường gom, ở giữa là 6 làn ôtô.
Đặc biệt có hệ thống chiếu sáng kiến trúc độc đáo 5 màu tại 5 trụ dây văng.
5 trụ tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội, giống như 5 cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân, thể hiện tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.
Trên hình ảnh là đường dẫn lên xuống cầu tại đầu xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, tất cả được thiết kế đạt tiêu chuẩn phố chính cấp 1, bảo đảm cho xe chạy với vận tốc 80 km/h.
Các đường gom đạt tiêu chuẩn đường khu vực cho phép xe chạy với vận tốc 60km/h.
Đường Võ Nguyên Giáp (cao tốc Nội Bài - Nhật Tân) xuất phát từ điểm nối với đường dẫn cầu Nhật Tân tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh.
Cao tốc này cắt ngang qua đường người dân Đông Anh quen gọi là '6 cây' thẳng tiến về Vân Trì, Tiên Dương (xã Nam Hồng), thôn Sơn Du (xã Nguyên Khê) rồi đến xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn.
Đoạn giao ngay khu vực đường 6 cây, nhìn về phía Bắc như trong ảnh, rẽ phải là hướng lối ra cầu Đông Trù và quốc lộ 3, quốc lộ 5, rẽ trái sẽ về đường Thăng Long - Nội Bài.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam
Đường Võ Nguyên Giáp tại đoạn giao với quốc lộ 18 đi Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh.
Tổng chiều dài 12 km, mặt cắt rộng 80 - 100 mét, 6 làn xe chạy, tốc độ tối đa 80 km/h.
Trước ngày thông xe, nhiều phướn quảng cáo được treo, một số người dân trong làng hai bên đường đã đi xe máy qua lại.
Công tác vệ sinh mặt đường đảm bảo sạch sẽ trước ngày khánh thành.
Hệ thống đèn cao áp chiếu sáng dầy đặc, đảm bảo cho lưu lượng phương tiện đi lại dễ dàng từ sân bay về nội thành và ngược lại.
Điểm cuối của đường Võ Nguyên Giáp nối liền với Thăng Long - Nội Bài thành một vòng tròn. Bên phải xa xa là nhà ga sân bay T1 cũ và đường băng, bãi đỗ taxi.
Từ nhà ga T2 đi thẳng theo hướng trong ảnh sẽ tiến về phía đường Võ Nguyên Giáp trở về cầu Nhật Tân và nội thành Hà Nội. Ảnh: Duy Hiếu.
Sáng 4/1, ba công trình nhà ga T2 Nội Bài, đường Võ Nguyên Giáp và cầu Nhật Tân sẽ được tổ chức lễ khánh thành và thông xe. Các dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.
Sau khi thông xe, từ trung tâm Hà Nội đi sân bay Nội Bài chỉ còn 15 km gồm 12 km đường và 3 km cầu Nhật Tân thay cho tuyến Thăng Long - Nội Bài đang là 30km. Ngoài ra, đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài sẽ giảm tải cho đường Bắc Thăng Long.