An toàn cho các chiến binh

TP - Đã có 2 bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 trở thành bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 do lây nhiễm trong quá trình khám chữa bệnh. Điều không mong muốn đã xảy ra khi những người ở tuyến đầu phòng chống dịch giờ đây phải cách ly với mọi người, với công việc mà họ khát khao được làm để cứu chữa đồng bào.

Trong các ổ dịch COVID-19 tại Việt Nam hiện nay có Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở y tế lớn nhất nước. Là nơi nhận nhiệm vụ chữa trị và cứu sống không biết bao nhiêu bệnh nhân, lúc này bệnh viện lại gồng thêm chống dịch, trở thành điểm cách ly của hơn 300 nhân viên y tế khi 2 điều dưỡng và 1 bệnh nhân của bệnh viện nhiễm bệnh.

Hệ thống y tế nước ta trong gần 3 tháng qua căng mình chống đỡ với dịch bệnh, giờ đây bắt đầu chịu tổn thất khi có những bác sĩ nơi “đầu sóng ngọn gió” không may mắc bệnh. Tổ chức Y tế thế giới từng chỉ ra việc các nhân viên y tế bị nhiễm bệnh chính là yếu huyệt của bất cứ quốc gia nào, kể cả những nước có nền y học hiện đại trên thế giới. Ngay khi thông tin về bác sĩ đầu tiên tại Việt Nam dương tính với SARS-CoV-2, trên các diễn đàn xã hội người dân liên tục bày tỏ niềm thương cảm, sự lo lắng và lòng biết ơn với những chiến binh khoác áo blouse đã quên mình vì người bệnh.

Số ca dương tính với SARS-CoV-2 được công bố mỗi ngày cùng những tính toán của các chuyên gia dịch tễ cho thấy những bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ không dễ dàng dừng lại gần 200 ca như hiện tại. Trong số hàng chục nghìn người đang cách ly tại các cơ sở trên cả nước sẽ có không ít ca dương tính. Cơ quan chức năng vẫn đang ngày đêm “gõ từng nhà, rà từng ngõ” để tìm kiếm những người có nguy cơ mắc bệnh. Và vì thế trong thời gian tới áp lực lên ngành y tế không hề nhỏ.

Mỗi khi vào thăm khám, chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19, các y bác sĩ đều tuân thủ mặc bộ quần áo chuyên dụng bí bách, kín mít, không dễ chịu chút nào. Thêm vào đó, luôn phải đeo khẩu trang N95 dày cộp, không những khó thở mà còn in vết hằn rất lâu trên gương mặt. Vất vả, khó khăn là vậy nhưng đến giờ trên thế giới chứ không phải riêng Việt Nam, chưa có biện pháp nào giúp bảo vệ an toàn 100% cho nhân viên y tế trước nguy cơ phơi nhiễm bệnh.

Tại Italy, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc – những hệ thống y tế hiện đại của các nước phát triển đã ghi nhận hàng nghìn trường hợp y bác sĩ nhiễm bệnh thì tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam càng phải cẩn trọng hơn gấp bội phần.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu người dân hạn chế đi lại, bảo vệ chính mình. Đó cũng chính là giảm gánh nặng cho ngành y khi không gia tăng thêm ca nhiễm mới. Bộ Y tế cũng yêu cầu nhân viên y tế tuân thủ tuyệt đối các quy định về phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh, dừng đi du lịch trong mùa dịch, các hội thảo, hội nghị trực tiếp cũng cần hạn chế để thay bằng họp trực tuyến.

Khi đại dịch COVID-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, Việt Nam đang bước sang giai đoạn mới trong phòng chống thì hệ thống y tế sẽ phải hoạt động hết công suất trong một thời gian dài nữa. Bác sĩ, điều dưỡng tham gia chống dịch không giống như đồ bảo hộ y tế, không giống phòng áp lực âm, hay máy thở có thể sản xuất suốt ngày đêm để đáp ứng nhu cầu, cũng không thể chạy hết công suất trong thời gian dài mà không cần bảo dưỡng.

Vì thế hơn lúc nào hết khi dịch bệnh càng khó lường thì an toàn của nhân viên y tế phải được đặt lên hàng đầu, bởi những chiến binh khỏe mạnh thì người dân mới bình yên. Mọi người đều cố gắng để đảm bảo an toàn họ. Nhưng quả thật giống như chiến trường, việc tránh thương vong cho chiến sĩ vô cùng khó khăn.

MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn trên đỉnh cao lịch sử
Giá vàng nhẫn trên đỉnh cao lịch sử
TPO - Sáng nay (16/9), giá vàng nhẫn tròn vẫn ở đỉnh lịch sử 79,1 triệu đồng/lượng còn vàng miếng SJC đứng im tại mốc 80,5 triệu đồng/lượng. Chuyên gia dự báo giá vàng vẫn tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm và phá vỡ các kỷ lục mới lập.