Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 5/4, ông Duy Hoàng Dương, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Pháp chế, HĐND thành phố Hà Nội cho biết, qua giám sát của HĐND thành phố, từ năm 2017 đến nay, thành phố xảy ra hơn 2.500 vụ cháy, trong đó, khoảng 60 – 65% số vụ có nguyên nhân do chập điện. Thành phố cũng có khoảng 500.000 căn nhà ống, trong đó, khoảng 120.000 nhà có kết hợp sản xuất, kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Trong thời gian qua, Ban Pháp chế, HĐND thành phố đã thực hiện nhiều cuộc giám sát về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), kiến nghị nhiều giải pháp PCCC liên quan đến lượng nhà ống nói trên.
Thành ủy, UBND thành phố, Công an thành phố cũng đã chỉ đạo chính quyền cơ sở, lực lượng chức năng địa phương, yêu cầu mỗi nhà dân phải có trang bị phương tiện PCCC; xây dựng phương án thoát hiểm khi sự cố xảy ra.
“Tuy nhiên, khi các vụ cháy xảy ra, nguyên nhân thường thấy là do người dân chủ quan, chưa có kiến thức về PCCC. Thứ hai là trang thiết bị PCCC không có hoặc chưa đảm bảo theo yêu cầu. Thứ ba là không có phương án thoát hiểm khi sự cố xảy ra”, ông Dương nói.
Ông Dương cũng cho rằng, nhiều hộ gia đình cơi nới thêm “chuồng cọp”, thường khóa kín để đảm bảo an ninh, nhưng phương án thoát hiểm nhanh nhất khi có sự cố thì lại không có. Đáng chú ý, khi đoàn giám sát đi kiểm tra, nhiều hộ gia đình còn không nhớ được vị trí để chìa khóa cửa “chuồng cọp”…
Phó Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội cũng thông tin, trong thời gian qua, qua giám sát, về cơ bản, các chung cư tái định cư, chung cư cũ, các cơ sở đưa vào sử dụng trước Luật PCCC năm 2001 đã có biến chuyển. Riêng với các nhà ống có kết hợp kinh doanh, trong thời gian tới, theo ông Dương cần tiếp tục rà soát, phải có phương án cụ thể với từng gia đình sinh sống, kinh doanh tại đó.
Trách nhiệm thuộc về chính quyền cấp xã, phường, thị trấn, lực lượng cảnh sát PCCC tại địa phương, phải tập huấn, hướng dẫn các phương án thoát hiểm, đặc biệt, phải kiểm tra các nhà có “chuồng cọp” để xây dựng phương án thoát hiểm.
“Quan trọng là ý thức người dân. Nhiều khi lực lượng cảnh sát PCCC hướng dẫn nhưng nhiều người dân lại không tham gia. Làm sao để đối tượng tham gia tập huấn trực tiếp phải là người dân, từng hộ dân, nhất là những hộ dân vừa ở, vừa kết hợp với sản xuất kinh doanh tại nhà ống. Với 120.000 nhà ống như thế, lực lượng cảnh sát PCCC cũng như chính quyền địa phương không thể làm giúp được. Trách nhiệm của từng hộ sản xuất, từng cá nhân phải nâng cao hơn, cùng với việc lực lượng chức năng quan tâm hơn”, ông Dương nói.
Có một thực tế, theo ông Dương, là với các đơn vị, tổ chức, cơ sở vi phạm PCCC thì có thể xử phạt được, nhưng với nhà dân kết hợp kinh doanh (trừ các trường hợp kinh doanh có điều kiện), việc đảm bảo PCCC chủ yếu dừng ở mức độ khuyến cáo, vận động, chứ cơ chế xử phạt không rõ ràng nên cũng gây khó khăn cho lực lượng chức năng đảm bảo PCCC.
Trong thời gian tới, ông Dương cho biết, Ban Pháp chế HĐND thành phố sẽ tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Thường trực HĐND thành phố, giám sát, tái giám sát vấn đề PCCC đến cùng. Trong nhiệm kỳ tới, Ban Pháp chế HĐND thành phố cũng sẽ thực hiện giám sát, tham mưu HĐND thành phố có giám sát chuyên đề về vấn đề này để tạo chuyển biến rõ nét, đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân.