Ấn Độ tranh cãi về luật ngoại tình

TP - Tuần qua, luật ngoại tình lại khiến dư luận Ấn Độ nóng lên khi vụ việc của một cư dân thành phố Hyderabad được xới lên.

Anh C Channaiah cáo buộc viên cảnh sát Madhusudan Reddy tội ngoại tình khi bắt quả tang Reddy đang trên giường với vợ mình. Đầu tiên, Channaiah khóa cửa nhốt vợ và Reddy trong phòng, rồi gọi điện báo cảnh sát. Reddy cáo buộc họ đã ngoại tình vài tháng. Reddy đã bị bắt và theo mục 497 của Bộ luật Hình sự Ấn Độ. Nếu bị xét xử và bị tòa tuyên là có tội, Reddy có thể phải đối mặt mức án 5 năm tù giam. Theo Bộ luật Hình sự Ấn Độ, ngoại tình là hành vi phạm tội. Ngoại tình được coi là tội ăn cắp vợ của người khác. Đây là một trong số điều luật cổ xưa vẫn được giữ trong bộ luật Ấn Độ. Nhưng chỉ có đàn ông ngoại tình bị xử tội hình sự, còn phụ nữ không bị xét xử. Nếu như người đàn ông có vợ mà quan hệ với một phụ nữ chưa chồng thì vợ người đàn ông đó không có quyền kiện chồng ra tòa. Người đàn ông phải đối mặt tội ngoại tình nếu bị chồng của người tình kiện ra tòa.

Một trong số vụ án ngoại tình nổi tiếng ở Ấn Độ là vụ Tư lệnh hải quân KM Nanavati bắn chết doanh nhân Prem Ahuja - người tình của vợ mình, Sylvia. Trong khi Nanavati phải đối mặt cáo buộc giết người, Sylvia không sao. Vụ án này nổi tiếng từ những năm 1950 và về sau đi vào nhiều phim Bollywood, gần đây nhất là “Rustom”.

Hiện nay, nhiều người Ấn Độ coi luật ngoại tình mang tính gia trưởng, phân biệt đối xử, không còn phù hợp với xã hội đương đại. Từ năm 2006, Ủy ban Phụ nữ quốc gia của Ấn Độ đã đề xuất hợp pháp hóa ngoại tình. Tất cả các nước châu Âu và nhiều nước Mỹ La tinh đã hợp pháp hóa ngoại tình. Năm 2015, Hàn Quốc cũng không coi ngoại tình là tội. Ở châu Á hiện nay, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines và Ấn Độ vẫn kết tội ngoại tình.

Theo các chuyên gia, một trong những lý do mà luật ngoại tình vẫn chưa bị loại bỏ là vì không có ý chí chính trị hay áp lực nào để làm như vậy. Giáo sư Mary E John từ Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của phụ nữ nói: “Theo quan điểm của tôi, ngoại tình phải được coi là tội dân sự, không phải là tội hình sự. Chúng ta không thể  coi ngoại tình là một tội ác”.

Ủy ban Malimath (do Bộ Các vấn đề gia đình của Ấn Độ thành lập) cho rằng, không có lý do gì mà không thể  áp dụng một hình phạt tương tự đối với những phụ nữ ngoại tình. Do đó, Ủy ban Malimath gợi ý, thay vì kết tội người đàn ông có quan hệ tình dục với vợ của người khác, mục 497 của Bộ luật Hình sự nên phạt bất kỳ ai có quan hệ tình dục với vợ hoặc chồng của người khác. Bên cạnh đó, một ý kiến khác được đặt ra: “Tại sao coi những người đàn ông hay đàn bà là tội phạm hình sự trong con mắt của chính quyền, trong khi đó lại là quyết định của các cá nhân?”.

Nhiều luật sư Ấn Độ cho rằng, nếu luật ngoại tình không còn phù hợp với xã hội hiện đại thì cần phải loại bỏ. Luật sư về ly hôn Shilpi Jain nhận xét: “Luật ngoại tình giờ không còn phù hợp với xã hội hiện nay. Nó coi phụ nữ như là một vật sở hữu của đàn ông, giống như con bò hay chiếc ô tô. Điều này là không công bằng”.

Theo Theo The Times of India
MỚI - NÓNG