Ấn Độ: Tiêm nước muối, kháng sinh dán nhãn 'vắc xin COVID-19', thu lợi 35.000 đô la

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Hơn một chục trung tâm tiêm chủng tư nhân ở Ấn Độ bị phát hiện đã tiêm “nước muối, thuốc kháng sinh” cho người dân nhưng lại nói rằng đó là vắc xin ngừa COVID-19.

Chính quyền thành phố Mumbai tuần trước đã phong tỏa bệnh viện Shivam, đồng thời thu hồi giấy phép hoạt động do nghi ngờ bệnh viện có liên quan đến đường dây vắc xin giả.

Cảnh sát đang điều tra xem liệu bệnh viện Shivam có phải là nơi cho ra lò lô vắc xin giả hay không. Lãnh đạo bệnh viện đã bị bắt giữ.

Hồi đầu năm, bệnh viện Shivam được chính phủ Ấn Độ cấp phép tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân. Sau đó, bệnh viện nhận được hơn 20.000 lọ vắc xin từ cơ quan phân phối của chính quyền Mumbai.

Tuy nhiên, các nhân viên bệnh viện bị nghi đã giữ lại vỏ lọ vắc xin sau khi tiêm và đổ đầy chúng bằng một số loại chất lỏng khác để tiếp tục tiêm cho người khác kiếm lời.

Cảnh sát Mumbai vẫn đang điều tra xem các bệnh nhân đã được tiêm chất gì. Nhưng họ nghi ngờ rằng các lọ vắc xin đã được đổ đầy nước muối. Riêng ở Kolkata, lọ vắc xin có thể đã được đổ đầy kháng sinh.

Trong tháng Năm và tháng Sáu, ít nhất 2.500 người ở Mumbai và Kolkata đã bị tiêm vắc xin giả, theo tờ Indian Express. “Chúng tôi đã bắt hết các nghi phạm quan trọng. Và sẽ tiếp tục bắt giữ nếu phát hiện thêm người liên quan”, một quan chức cảnh sát Mumbai cho biết trong cuộc họp báo. Trong số các nghi phạm bị bắt, có một người đàn ông đóng giả làm công chức có bằng Thạc sĩ về Di truyền học.

Gần 500 người, trong đó có một số người khuyết tật, lo ngại rằng mình đã bị tiêm Amikacin - một loại thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, bao gồm viêm màng não, nhiễm trùng máu, xương và tiết niệu.

Đến thời điểm hiện tại, ít nhất 10 trung tâm tiêm chủng đang bị điều tra. Đường dây này được cho là đã thu lợi khoảng 35.000 đô la (tương đương hơn 800 triệu đồng) từ các mũi vắc xin giả.

Hai trong số các nạn nhân – Hiren Mehta và vợ (đến từ Mumbai), đã trả khoảng 23 đô la mỗi người cho thứ mà họ nghĩ là vắc xin COVID-19.

Mehta cho biết hai vợ chồng ông không còn có thể tiêm vắc xin, vì đã nhận giấy chứng nhận giả từ trung tâm và thông tin của họ đã được nhập vào cơ sở dữ liệu tiêm chủng của chính phủ.

“Mối quan tâm chính của chúng tôi lúc này là họ đã tiêm cho chúng tôi những gì. Chúng tôi cũng muốn biết khi nào mình có thể được tiêm vắc xin thật, vì làn sóng dịch thứ ba đang đến gần”, Mehta nói.

Chính quyền địa phương có kế hoạch xét nghiệm kháng thể trên hơn 2.000 người nghi bị tiêm vắc xin giả. Tuy nhiên, một số người vẫn bày tỏ quan ngại. “Xét nghiệm thấy kháng thể, nhưng tôi không biết tôi có kháng thể là do đang mắc COVID-19 không có triệu chứng, hay là nhờ vắc xin”, một người nghi là nạn nhân của đường dây lừa đảo nói.

Ấn Độ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, với hơn 30,5 triệu ca mắc được xác nhận và hơn 400.000 ca tử vong. Hơn 351 triệu liều vắc xin đã được tiêm trong cả nước, và 59 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ - tương đương 4,3% dân số.

Theo RT
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.