Ấn Độ cấm taxi Uber sau vụ cưỡng hiếp khách

Thủ đô của Ấn Độ hôm qua ra lệnh cấm dịch vụ taxi trực tuyến Uber. Ảnh: PTI
Thủ đô của Ấn Độ hôm qua ra lệnh cấm dịch vụ taxi trực tuyến Uber. Ảnh: PTI
TP - Chính quyền thành phố Delhi ngày 8/12 ban hành lệnh cấm dịch vụ taxi Uber hoạt động ở thủ đô, sau vụ một hành khách tố cáo lái xe cưỡng hiếp cô. 

Lệnh cấm Uber hoạt động ở thủ đô Ấn Độ có hiệu lực ngay lập tức và dịch vụ taxi trực tuyến này sẽ bị đưa vào danh sách đen, không được cung cấp dịch vụ vận tải trong tương lai. Chính quyền Delhi thông báo: “Sở Giao thông cấm mọi hoạt động liên quan đến cung cấp dịch vụ vân tải của trang www.uber.com. Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức”. 


Tài xế taxi Shiv Kumar Yadav hôm qua phải ra tòa sau khi bị cảnh sát bắt giữ hôm Chủ nhật sau khi anh ta chạy trốn về quê ở bang Uttar Pradesh. Cảnh sát nói rằng, tài xế 32 tuổi này đã thả nữ hành khách về nhà sau khi tấn công cô và dọa không được báo chính quyền. Nhưng nạn nhân đã ghi được biển số và chụp ảnh xe của dâm tặc. 

Vụ tấn công xảy ra hôm thứ Sáu tuần trước là cú đánh lớn vào uy tín của Uber - hãng luôn khẳng định ưu tiên số một của họ là an toàn của khách hàng. Báo chí Ấn Độ đưa tin, dịch vụ gọi taxi trực tuyến (qua điện thoại thông minh) không kiểm tra nhân thân của tài xế, trong khi Yadav từng bị cáo buộc thực hiện một vụ hiếp dâm khác vào năm 2011.

 Cảnh sát Ấn Độ cho biết, họ đang cân nhắc có hành động phap lý đối với dịch vụ taxi trực tuyến của Mỹ vì đã không kiểm tra lý lịch của tài xế qua cảnh sát và đã không lắp đặt thiết bị định vị GPS trong taxi.

Tuy nhiên, Uber vẫn khẳng định họ tuân thủ các quy định của thành phố. Quy trình kiểm tra lý lịch “hiện không có trong các chương trình cấp giấy chứng nhận vận tải thương mại ở Delhi”, Giám đốc điều hành Travis Kalanick được dẫn lời trong một thông báo của hãng. “Điều xảy ra hồi cuối tuần qua ở New Delhi thật kinh khủng. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để đưa thủ phạm ra trước công lý”, thông báo viết.

Uber đang ăn nên làm ra

Vụ tấn công là sự việc mới nhất cho thấy những nguy hiểm mà phụ nữ phải đối mặt ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Thậm chí sau khi luật mới được áp dụng với hình phạt nghiêm khắc hơn đối với tội phạm tình dục và quy trình xét xử của tòa án được đẩy nhanh, Ấn Độ vẫn đang vất vả thay đổi những quan điểm khiến phụ nữ dễ bị cưỡng hiếp, quấy rối tình dục. 

Bà Monica Kumar, chuyên gia tâm lý, Giám đốc Quỹ Manas (có trụ sở tại Delhi) thường tổ chức các lớp học về giới tính, nói rằng, nhiều lái xe taxi là dân nhập cư từ các khu vực kém phát triển, nơi tư tưởng phụ hệ vẫn còn phổ biến và không quen với việc phụ nữ đi một mình vào ban đêm hoặc ăn mặc khác truyền thống. 

Ấn Độ là nơi nguy hiểm thứ tư trên thế giới đối với phụ nữ đi phương tiện giao thông công cộng, theo khảo sát được thực hiện hồi tháng 10 của hãng Thomson Reuters. Nước này cũng xếp thứ 2 từ dưới lên về mức độ an toàn vào ban đêm và quấy rối bằng lời nói. 

Trung bình mỗi ngày có 40 vụ phạm tội nhằm vào phụ nữ được báo cáo lên cảnh sát Delhi, trong đó có ít nhất 4 vụ hiếp dâm, AP dẫn báo cáo được Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Haribhai Parthibhai Chaudhary trình bày trước Quốc hội tuần trước.

Những chỉ trích nhằm vào Uber xuất hiện vào thời điểm hãng này cũng vừa bị báo chí Mỹ phê phán và Uber phải xin lỗi sau khi một giám đốc của họ đưa ra bình luận không hay đối với các nhà báo điều tra dịch vụ này. Nhưng Uber tiếp tục tăng đầu tư, đưa giá trị của hãng này lên tới 40 tỷ USD.

Ấn Độ bị nghi vẫn áp dụng hạn ngạch triệt sản

Báo Ấn Độ The Times of India đưa tin, các tài liệu mà họ có được cho thấy chính quyền cấp tỉnh ở bang Chhattisgarh đặt ra định mức phẫu thuật triệt sản mà các bác sĩ phải thực hiện. Bài báo xuất hiện chỉ vài tuần sau vụ ít nhất 13 phụ nữ thiệt mạng sau khi trải qua quy trình phẫu thuật triệt sản tại một cơ sở y tế công cộng của tỉnh này. Theo tờ báo này, chính quyền địa phương đặt ra định mức thực hiện 100-150 ca phẫu thuật triệt sản, trong năm 2008 và 2009, cho các bác sĩ thực hiện chương trình kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, chính quyền bang bác bỏ cáo buộc này. Dù chính phủ Ấn Độ đã ngừng đặt ra các mục tiêu triệt sản từ những năm 1990, nhưng nước này vẫn bị cáo buộc thực hiện việc này một cách không chính thức, dẫn đến những vụ phẫu thuật ép buộc ở vùng nông thôn. Mỗi năm ở Ấn Độ có khoảng 4 triệu người triệt sản, chủ yếu là phụ nữ.

MỚI - NÓNG