Theo nhóm Bác sĩ Bùi Tiến Hưng (Khoa YHCT, Đại học Y Hà Nội), Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Bác sĩ Lương Quốc Chính (Bệnh viện Bạch Mai), ở nước ta trong khoảng hơn mười năm trở lại đây, An cung ngưu hoàng hoàn (ACNHH) không còn xa lạ gì đối với cả thầy thuốc và bệnh nhân trong lĩnh vực tai biến mạch máu não nói riêng và các bệnh não nói chung. Đằng sau việc sử dụng rộng rãi một cách không chính thống, hẳn vẫn còn không ít người mơ hồ về thực chất tác dụng dược lý cũng như độc tính của ACNHH. Bài viết này hy vọng giúp bạn đọc có thêm thông tin khoa học về ACNHH.
1. Nguồn gốc
ACNHH đã được nhắc đến nhiều trong sách Ôn bệnh điều biện của Ngô Đường (1758-1836) đời Thanh (Trung Quốc). Cuốn sách quan trọng này thảo luận về biện chứng luận trị các bệnh sốt (“ôn bệnh”) được soạn xong năm 1798. Tính đến nay ACNHH đã có lịch sử ít nhất 200 năm. Nguyên văn trong sách chép “Ôn bệnh thái âm... hôn mê nói sảng thì lấy Thanh cung thang để chữa, Ngưu hoàng hoàn... cũng chữa được.” Về thành phần dược liệu, trong sách cũng chép “Ngưu hoàng một lạng, Uất kim một lạng, Tê giác một lạng, Hoàng liên một lạng, Chu sa một lạng, Mai phiến hai đồng rưỡi, Xạ hương hai đồng rưỡi, Chân châu năm đồng, Sơn chi một lạng, Hùng hoàng một lạng, Vàng quỳ làm áo, Hoàng cầm một lạng. Những thứ trên nghiền bột thật nhỏ, luyện với mật già làm viên, mỗi viên một đồng cân, lấy vàng quỳ làm áo, bọc trong sáp. Mạch hư thì uống với Nhân sâm thang, mạch thực thì uống với Ngân hoa Bạc hà thang, mỗi lần uống một viên. Kiêm chữa đờ người đột ngột hôn mê, năm chứng giản trúng tà bất tỉnh, người lớn trẻ em bị co quắp liệt người do nhiệt. Người lớn bệnh nặng thể thực ngày 2 lần, nặng có thể ngày ba lần. Trẻ nhỏ uống ba lần nửa viên, không biết thì uống hai lần nửa viên.” Từ những năm 1990, thành phần sừng tê giác được thay bằng bột sừng trâu để bảo vệ loài động vật quý hiếm này.
Trong nhiều trước tác Đông y thế kỉ XIX và XX, ACNHH thường được nhắc đến cùng với Tử tuyết đan và Cục phương Chí bảo đan, gọi là Lương khai Tam bảo đan, tức là ba loại thuốc viên quý dùng đầu tay cho các trường hợp ôn bệnh nguy kịch, có “hôn mê, nói sảng”. Tác dụng của ACNHH thiên về thanh nhiệt giải độc nên thường được dùng cho những trường hợp nhiễm trùng. Cho đến cuối thập kỉ 1980, chỉ định chính của ACNHH vẫn là viêm não, viêm màng não với các biểu hiện sốt cao, rối loạn ý thức, rối loạn vận động. Đôi khi ACNHH còn được dùng cho những trường hợp hôn mê gan. Chỉ định dùng ACNHH cho tai biến mạch máu não được khẳng định dựa trên các quan sát lâm sàng từ đầu những năm 1990 với tỷ lệ hiệu quả được báo cáo từ 85% đến 100%.
2. Tác dụng dược lý
Nhiều báo cáo của các thầy thuốc Trung Quốc nhận thấy ACNHH có hiệu quả cao trong điều trị tai biến mạch máu não cũng như một số bệnh não nhiễm trùng. Tuy vậy cho đến nay chưa hề có bất kỳ thử nghiệm lâm sàng đối chứng chặt chẽ nào về ACNHH để có thể đưa ra bằng chứng lâm sàng thuyết phục về tác dụng của ACNHH đối với những căn bệnh này. Ví dụ như theo bài đăng trên tạp chí Trung y Trung dược tháng 11/2007 của tác giả Lôi Lợi Phong và Súy Gia Trung trình bày một nghiên cứu trên 48 trường hợp bệnh nhân xuất huyết não có tiền sử tăng huyết áp, trong đó 23 trường hợp điều trị theo phác đồ chuẩn phổ biến hiện nay, còn 25 trường hợp thì được dùng thêm ACNHH (1 viên/ngày trong 5 ngày, qua ống thông dạ dày) bên cạnh phác đồ chuẩn. Kết quả tỷ lệ điều trị có hiệu quả ở nhóm ACNHH là 80%, trong khi ở nhóm phác đồ chuẩn chỉ là 47,8%.
Từ đầu những năm 2000, nhiều thực nghiệm đã được tiến hành trên động vật để tìm hiểu cơ chế tác dụng của ACNHH trong một số bệnh lý như xuất huyết não, thiếu máu não... Gần đây nhất là một nghiên cứu công bố trên tạp chí Journal of Ethnopharmacology ngày 28/5/2014, theo đó ACNGG được sử dụng cho chuột thực nghiệm bị tắc động mạch não giữa với liều 0,125 và 0,25 g/kg/ngày thì đều làm giảm mức độ nặng triệu chứng thần kinh, giảm diện tích nhồi máu, giảm tổn thương tế bào và giảm chết tế bào theo chương trình khi so với các con chuột đối chứng. ACNHH làm đảo ngược được rối loạn bệnh lý do thiếu máu não gây ra, cụ thể là làm tăng biểu lộ Bcl-2 và giảm biểu lộ Bax và caspase-3 là những tác nhân điều hòa quá trình chết theo chương trình của tế bào. Mặc dù các tác giả nghiên cứu thực nghiệm này kết luận rằng ACNHH có tác dụng bảo vệ thần kinh và tác dụng này nhiều khả năng liên quan đến việc điều hòa quá trình chết theo chương trình của tế bào, đây cũng vẫn chỉ là nghiên cứu thực nghiệm trên chuột, và liều dùng ACNHH trên chuột vẫn hơi cao hơn so với liều dùng trên người. Viên ACNHH trên thị trường hiện nay thường được bào chế nặng 3g và sử dụng 1 viên mỗi ngày thì liều dùng trên người trung bình khoảng 0,05-0,06 g/kg/ngày sẽ thấp hơn rất nhiều so với liều thử nghiệm nêu trên.
3. Thành phần độc tính
Trong Đông y có nhiều vị thuốc có độc tính cần phải sử dụng thận trọng. Đã từ lâu những quan ngại về độc tính của ACNHH thúc đẩy nhiều nghiên cứu về lĩnh vực này. Trong thành phần nguyên thuỷ của ACNHH có chu sa (muối sulfua thủy ngân HgS) và hùng hoàng (muối sulfua asenAs4S4, As2S2), mỗi vị thuốc này chiếm 10% trọng lượng viên thuốc. Có thể tính toán thấy hàm lượng thủy ngân và asen trong ACNHH là không hề nhỏ.
Trên tạp chí Experimental Biology and Medicine số 236 năm 2011, nhóm tác giả Trung Quốc và Mỹ đã công bố một nghiên cứu thực nghiệm trên chuột về độc tính trên thận của ACNHH. Khi so sánh chu sa, hùng hoàng và ACNHH (ở liều cao hơn tới 6 lần so với liều lâm sàng) với các muối thủy ngân khác là HgCl2 (1/10 chu sa), MeHg (1/100 chu sa) và các muối asen khác là NaAsO2 (1/100 hùng hoàng) hoặc Na2HAsO4 (1/50 hùng hoàng). Kết quả theo dõi chuột dùng chu sa, hùng hoàng và ACNHH cho thấy hầu như không có độc tính gì trên thận, thấp hơn rất nhiều khi so với các muối thủy ngân và asen khác dù chỉ sử dụng bằng một phần rất nhỏ so với chu sa, hùng hoàng và ACNHH. Lý giải về độc tính rất thấp trên thận của các thuốc này chính là ở độ hòa tan trong nước và hấp thu rất thấp của chu sa và hùng hoàng, khiến cho chỉ có rất ít kim loại tích lũy tại cơ quan đích. Những quy định điều chỉnh về độc chất hiện nay chỉ quan tâm đến tổng lượng thủy ngân và asen mà chưa chú ý đến đặc thù của từng loại hợp chất, trong đó có những hợp chất được sử dụng làm thuốc.
Về nguy cơ độc tính trên gan của thành phần thủy ngân trong ACNHH, trên tạp chí Regulatory Toxicology and Pharmacology số ra tháng 6/2011 đã trình bày một thực nghiệm đánh giá độc tính gan trên chuột dùng chu sa, ACNHH so với các muối thủy ngân MeHg và HgCl2. Kết quả là độc tính trên gan của chu sa và ACNHH hầu như không đáng kể, thấp hơn nhiều khi so sánh với các muối thủy ngân khác. Một lần nữa các tác giả lại nhấn mạnh việc sử dụng tổng hàm lượng thủy ngân để đánh giá độc tính của ACNHH nói riêng, các thuốc Đông y có chứa chu sa nói chung, có vẻ là không phù hợp.
4. Sử dụng ACNHH ở Việt Nam
ACNHH đã được sử dụng ở Việt Nam từ rất lâu. Trước kia ACNHH theo chân những thầy thuốc từ phương Bắc sang, nhưng chỉ được sử dụng trong những trường hợp bệnh nặng và gia đình khá giả bởi giá viên thuốc khá đắt. Trong những năm gần đây, khi giao thương mở rộng, đời sống kinh tế phát triển, việc mua một viên thuốc giá vài triệu đồng từ một khoảng cách vài nghìn ki-lô-mét trở nên dễ dàng hơn thì ngày càng có nhiều người mua và tích trữ viên thuốc này như bùa hộ mệnh trong nhà. Người ta giữ thuốc trong nhiều năm, thế nhưng theo nhà thuốc Đồng Nhân Đường (Trung Quốc), một cơ sở sản xuất ACNHH khá nổi tiếng thì hạn sử dụng của ACNHH chỉ là 5 năm.
Có cầu tất có cung, nhiều cơ sở kinh doanh nhận thấy việc mua bán ACNHH là thị trường đầy tiềm năng nên hiện nay có rất nhiều loại ACNHH khác nhau, xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên... Cách trình bày rất đa dạng, từ hộp nhung xanh, nhung đỏ, hộp gỗ xanh đến hộp thiếc có vỏ đỏ. Có người còn quảng cáo cả loại ACNHH có sừng tê giác trong khi Dược điển 2010 của Trung Quốc quy định ACNHH sản xuất bằng sừng trâu. Giá cả mỗi loại cũng rất là "trên trời", đắt rẻ, thực hư, giả thật lẫn lộn, ngay cả thầy thuốc cũng ít người phân biệt được rõ ràng. Ví dụ riêng loại hộp gỗ màu xanh có ít nhất 3 loại khác nhau, bề ngoài nhìn qua hoàn toàn giống nhau về màu sắc, kích thước, tem, kiểu chữ, hạn sử dụng, ... nhưng thực chất khác nhau rất nhiều về giá và chất lượng.
Một vấn đề nảy sinh khi trào lưu sử dụng ACNHH lan rộng, đó chính là việc tự ý dùng thuốc. Thầy thuốc Tây y ở các bệnh viện không có thông tin đầy đủ về ACNHH nên không thể tư vấn cho người bệnh. Vậy là người bệnh mầy mò, nghe những người khác rỉ tai, một đồn mười, mười đồn trăm, càng nghe đồn đại nhiều càng tin, và cứ thế sử dụng. Đã có không ít trường hợp người bệnh được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hấp hối, đường thở đầy vụn ACNHH. Đó là những người bệnh bị đột quỵ mất khả năng tự nuốt, nhưng người thân cứ ấn ACNHH bắt nuốt. Những trường hợp này, nếu muốn uống thuốc cần nghiền nhỏ viên thuốc, hòa nước và cho uống qua ống thông dạ dày. Bên cạnh đó, việc quá tin tưởng vào ACNHH khiến cho nhiều người bị đột quỵ không chịu đi bệnh viện ngay, mà nằm nhà chờ tác dụng của viên thuốc đắt tiền này. Hậu quả là thời gian quý báu để có thể can thiệp giải quyết đột quỵ trôi qua, người bệnh có những tổn thương thần kinh không hồi phục, sống lệ thuộc và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Thuốc nào cũng có hai mặt của nó, kể cả thuốc Đông y có hàng trăm năm lịch sử. Việc sử dụng thuốc đúng chỉ định và có sự theo dõi thích hợp của người thầy thuốc sẽ phát huy được mặt ưu điểm của thuốc và hạn chế được các tác dụng không mong muốn. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn đọc có thêm hiểu biết để chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân mình và gia đình.