Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em vừa có công văn gửi Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, nơi các trẻ sơ sinh từ Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Bắc Ninh đã được chuyển lên các bệnh viện này để chăm sóc và điều trị.
Theo đó, nhằm để hỗ trợ việc chăm sóc và điều trị cho các trẻ sơ sinh được chuyển đến, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện này huy động tối đa nhân lực có kinh nghiệm và chuyên môn cao nhất. Đồng thời, các bệnh viện này đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và thuốc để chăm sóc và điều trị các trẻ sơ sinh trong điều kiện tốt nhất.
Trước đó, vào ngày 20/11/2017, tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Bắc Ninh đã xảy ra 4 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong, đến nay Hội đồng chuyên môn và cơ quan liên quan đang tiến hành điều tra xác định tìm nguyên nhân tử vong của các trẻ sơ sinh này. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, để đảm bảo an toàn cho các trẻ sơ sinh đang được điều trị tại Đơn vị Hồi sức sơ sinh thuộc Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Bắc Ninh, các trẻ sơ sinh đã được chuyển lên các bệnh viện: Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương và Bạch Mai để chăm sóc và điều trị.
Theo đó, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đối với 6 bé đang nằm ở khoa Hồi sức Sơ sinh, có 4 cháu trong tình trạng nhiễm trùng nặng hiện đang phải thở máy hoặc hỗ trợ thở oxy, 2 cháu còn lại tình trạng nhẹ hơn, tự thở được.
Trường hợp thứ 2 là trẻ đẻ non 30 tuần tuổi thai, 1.4kg. Khi sinh ra trẻ có cơn ngừng thở, tím tái, phải thở máy, nuôi dưỡng tĩnh mạch, đã được làm xét nghiệm tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh kết quả cho thấy có tình trạng nhiễm trùng. Hiện tại bệnh nhân vẫn phải thở máy, dạ dày bẩn, chảy máu, bạch cầu máu tăng cao, tiểu cầu thấp (nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu). Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm phổi suy hô hấp, theo dõi nhiễm trùng huyết.
Trường hợp thứ 3 là trẻ đẻ thường, 2.8kg, sau đẻ trẻ ăn nôn trớ, không tiêu, đi ngoài phân su. Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh, trẻ được chẩn đoán nhiễm khuẩn sơ sinh, theo dõi viêm ruột và điều trị kháng sinh. Khi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ tự thở, hô hấp ổn định, bạch cầu tăng nhẹ, tiểu cầu rất thấp, có tình trạng nhiễm trùng nặng. Trẻ được chẩn đoán viêm ruột và theo dõi nhiễm khuẩn huyết.
Trường hợp thứ 4 là trẻ sinh non 37 tuần thai, 2.6kg, bị down, sau sinh trẻ có cơn ngừng thở, được theo dõi nhiễm khuẩn nặng. Khi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ tự thở, thở oxy qua gọng mũi, bụng mềm, ăn tiêu. Hiện các bác sĩ cũng đang theo dõi đặc biệt.
Hai bệnh nhi còn lại tình trạng nhẹ hơn. Một trẻ đẻ thường, 3.3kg, bị down, thở oxy do khi đến thở nhanh và một trẻ đẻ thường 2.5kg, sau sinh trẻ thở rên, đã được thở máy và điều trị 5 ngày, chiếu đèn tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Bắc Ninh. Hiện trẻ không có tình trạng nhiễm trùng, tự thở, tuần hoàn tốt, ăn tiêu. Bệnh nhi có tình trạng vàng da hiện được các bác sĩ chiếu đèn, cho ăn sonde và tiếp tục theo dõi.
Theo PGS Điển, các bệnh nhi khi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương đều được thăm khám lại toàn trạng để đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn. “Tình trạng nhiễm khuẩn phụ thuộc khá nhiều vào bệnh nền của các cháu. Với 4 cháu trên, mỗi cháu lại có nền bệnh riêng như: viêm ruột, thiểu sản hàm, đẻ non… Đây đều là những yếu tố nguy cơ cao do cơ địa và hệ thống miễn dịch của trẻ mới sinh, đặc biệt là trẻ đẻ non và trẻ bị dị tật bẩm sinh rất non yếu, khả năng chống đỡ lại vi khuẩn của môi trường rất kém.”- PGS Điển cho hay.
Thông tin về tình hình sức khỏe của các cháu, ThS.BS Nguyễn Thành Nam – Phụ trách khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, 3 bệnh nhi sơ sinh được chuyển đến Khoa Nhi vào ngày 20/11. Sau khi vào viện, cả 3 cháu đều được tiếp nhận khẩn trương, điều trị tích cực, theo dõi sát sao để kịp thời phát hiện những diễn biến bất thường, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn hàng ngày về tình trạng bệnh của trẻ.
Trẻ thứ 2 – con dạ, mổ đẻ thai 35 tuần, mẹ rối loạn chảy máu, vào viện ngày tuổi thứ 4. Cân nặng lúc sinh 3000gam, chẩn đoán lúc chuyển viện: Suy hô hấp, đẻ non 35 tuần, nhiễm khuẩn sơ sinh. Tại BV Bạch Mai, bệnh nhi có tình trạng suy hô hấp, da vàng được điều trị tích cực kháng sinh, dinh dưỡng, theo dõi sát toàn trạng 1h/lần. Trẻ được chiếu đèn, hiện trẻ còn vàng da, các phản xạ có tốt hơn, đã ăn được nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi toàn trạng, tình trạng hô hấp, tuần hoàn và dinh dưỡng để có quyết định xử trí kịp thời.
Trẻ thứ 3 – con so, đẻ thường thai 34 tuần, cân nặng 2900gam, vào viện ngày tuổi thứ 4, suy hô hấp sau đẻ đã được hỗ trợ thở máy. Chẩn đoán chuyển viện: Suy hô hấp, nhiễm khuẩn sơ sinh/ đẻ non 34 tuần. Khi vào viện, bệnh nhi có suy hô hấp da vàng, siêu âm tim phát hiện bệnh tim bẩm sinh: còn ống động mạch. Các bác sĩ xử trí kháng sinh, thở oxy, chiều đèn, dinh dưỡng. Hiện trẻ còn vàng da, tình trạng huyết động trong giới hạn ổn định, không phải thở oxy, đã ăn được.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai - người có nhiều kinh nghiệm trong điều trị cho trẻ sơ sinh cho biết, ngoài tình trạng nhiễm trùng, vì đều là những trẻ sinh non, sức đề kháng kém hơn các trẻ khác, lại có tổn thương rất nhiều cơ quan: Phổi, tim, gan, não... nên việc điều trị cho các cháu là rất khó khăn.