Án chung thân cho 'nữ quái' lừa cả người dân lẫn ngân hàng

Siêu lừa Mông Thị Ngọc bị tuyên tù chung thân
Siêu lừa Mông Thị Ngọc bị tuyên tù chung thân
TP - Cho vay tiền rồi lừa bị hại làm hợp đồng chuyển nhượng thửa đất tiền tỷ để làm tin, “siêu lừa” ung dung mang tấm “sổ đỏ” mới coóng đi thế chấp ngân hàng... Trước vụ án này, bị cáo còn lừa đảo 2 vụ khác với mức án tổng cộng 24 năm tù.

Lừa cả người dân lẫn ngân hàng


Ngày 31/7, TAND TP Hà Nội mở tòa theo trình tự hình sự sơ thẩm đối với Mông Thị Ngọc (SN 1972, ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, cơ quan chức năng nhận được đơn của ông Nguyễn Tiến Hùng (ở xã Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) tố cáo Ngọc giả danh chữ ký của mình, qua đó chiếm đoạt “sổ đỏ” của gia đình rồi mang tới Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (gọi tắt VIB) vay tiền. Tiếp đó, VIB cũng có đơn tố cáo Ngọc cùng chồng có dấu hiệu trốn nợ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp. 

Ngay sau đó, vụ việc nhanh chóng được làm rõ: Khoảng đầu tháng 3/2010, bà Nguyễn Thị Điệp có nhu cầu vay tiền để làm ăn. Thông qua người quen, bà Điệp tìm đến Ngọc. Theo thỏa thuận, phía Ngọc sẽ cho bà Điệp vay 1,5 tỷ đồng, lãi suất 2%/tháng. Bù lại, bà Điệp phải thế chấp nhà và đất 106m2 của gia đình, thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. “Khi nào bà Điệp trả đủ cả gốc và lãi, Ngọc sẽ trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hủy hợp đồng chuyển nhượng” - đoạn nội dung thể hiện sự thỏa thuận giữa hai bên.

Sau đó, Ngọc yêu cầu bà Điệp phô tô các tài liệu liên quan đến thửa đất. Phát hiện chỉ bà Điệp đứng tên trong cuốn “sổ đỏ”, Ngọc yêu cầu bà này về chính quyền địa phương xác nhận chuyện ông Hùng (chồng bà Điệp) đồng ý cho vợ mình toàn quyền định đoạt thửa đất.

Hệ lụy của việc thẩm định hớ hênh

Tháng 4/2010, Ngọc liên hệ với Văn phòng công chứng Việt (ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhờ tư vấn và làm hợp đồng, đồng thời đề nghị dịch vụ công chứng tại nhà. Nhận lời, Văn phòng công chứng Việt đã cử cán bộ đến địa chỉ theo hướng dẫn của Ngọc. 

Tại đây, Ngọc đã “dựng” lên một người đàn ông tên Hùng (nhận là chồng bà Điệp) để cán bộ công chứng làm hợp đồng ủy quyền, với nội dung: “Bà Điệp đồng ý chuyển nhượng thửa đất 106m2 cho bà Mông Thị Ngọc”. Tháng 5/2010, “siêu lừa” đã mang “bảo bối” là bản hợp đồng chuyển nhượng tới Văn phòng đăng ký đất và nhà huyện Từ Liêm (cũ) để làm thủ tục sang tên cho mình. 

Do thấy đủ điều kiện, chỉ một thời gian ngắn sau, siêu lừa đã “đàng hoàng” đứng tên trong tấm “sổ đỏ” mới coóng. Ngay khi nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới, Ngọc cùng chồng đến Ngân hàng VIB (chi nhánh Hoàn Kiếm) vay 5 tỷ đồng. Tại thời điểm kết thúc điều tra, Ngọc đã trả được hơn 300 triệu đồng, số còn lại chiếm đoạt.

Theo luật sư Hằng Nga (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong vụ án) để xảy ra vụ án có phần lỗi từ việc thẩm định hồ sơ tắc trách của một số cơ quan chuyên môn. Đơn cử như văn phòng công chứng, khi trình bày tại cơ quan điều tra, công chứng viên cho rằng, sở dĩ cho các bên ký kết hợp đồng chuyển nhượng là do “đối chiếu chứng minh thư nhân dân của chồng bà Điệp và người đàn ông do Ngọc tự giới thiệu, thấy giống nên đồng ý”.

Trước phiên tòa này, “siêu lừa” đang phải thụ án 24 năm tù về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong quá khứ, sau khi TAND tỉnh Lạng Sơn tổng hợp hình phạt 2 bản án (11 và 13 năm tù cùng hành vi lừa đảo). Mặc dù tại tòa, kiểm sát viên chỉ đề nghị mức án từ 16 đến 18 năm tù, nhưng, sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX cho rằng, hành vi của bị cáo đặc biệt nguy hiểm, trong quá khứ từng nhiều lần phạm tội lừa đảo, với thủ đoạn tinh vi, do vậy quyết định tuyên tù chung thân đối với Mông Thị Ngọc.

Toà cho rằng hành vi của bị cáo đặc biệt nguy hiểm, trong quá khứ từng nhiều lần phạm tội lừa đảo, với thủ đoạn tinh vi, do vậy quyết định tuyên tù chung thân.

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.