Bất ngờ
Hồi đó, tôi làm phóng viên thời sự báo Minh Hải (sau này tách ra báo Cà Mau và báo Bạc Liêu). Thông tin trên đài phát thanh cho biết, ngày 2/11/1997, tâm bão số 5 có tên quốc tế là Linda đi qua phía Nam Côn Đảo với sức gió cấp 10, giật cấp 11,12.
Sau đó, bão Linda vào vùng bờ biển Cà Mau, Bạc Liêu và đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, cấp 9. Sáng 3/11/1997, bão Linda ngoặt sang vùng biển Cà Mau-Kiên Giang và đi về phía Tây vịnh Thái Lan.
Hôm ấy là thứ 7, đài phát thanh loan tin bão Linda đi theo hướng Tây Tây Nam, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Cà Mau - Kiên Giang và vùng vịnh Thái Lan nhưng không ai chú ý. Bởi lẽ, trước đó, khoảng 1 tháng, nhà đài từng dự báo có cơn bão mạnh vào Cà Mau. Bà con vùng biển Năm Căn, Phú Tân, Đầm Dơi… lục đục thuê đò máy, chở người và tài sản đến nơi an toàn để tránh bão, nhưng bão không xảy ra.
Sáng Chủ nhật, mùng 3/10, thành phố Cà Mau có nắng dịu, gió hiu hiu, thời tiết đẹp.
Buổi chiều, ngày 3/10/1997, mưa lất phất, gió nhè nhẹ, mây đen bắt đầu kéo về. Những người dân không biết bão và chẳng nhận thấy dấu hiệu của bão, nhưng có người linh cảm bất an đã đi chợ, mua mì ăn liền, đèn cầy, vài lít dầu…
Xế chiều, gió giật mạnh, vài chục phút nổi lên một cơn. Gió bắt đầu giật mạnh. Truyền hình không có thông tin nào về bão.
Bão đến. Nhà tôi bị gió giật tốc mái. Tôi kêu vợ ôm con nhỏ sang hàng xóm, có nhà xây kiên cố.
Đến tối, khoảng 11 giờ đêm 3/10/2017, tôi chạy xe đi thăm hỏi nhà người em. Ngoài đường, cây ngã chắn ngang, dây điện đứt, phố phường mất điện, tất cả tối đen. Tôi gọi điện thoại bàn cho người thân ở Cái Nước không được, liên lạc với đồng nghiệp ở đài truyền thanh huyện cũng bị mất liên lạc.
Khoảng nửa đêm, gió lặng, trời êm, vợ chồng con cái lục tục về nhà mà không dám ngủ.
Quá nửa đêm, vợ anh Hai Bế (Nguyễn Thanh Bế) lúc đó làm giám đốc Sở Tài chính Minh Hải gọi với sang, báo cho tôi có điện thoại của anh Lê Hiền, Trưởng phòng thư ký tòa soạn báo Minh Hải.
Anh Lê Hiền nói: “5 giờ sáng, em đến UBND tỉnh, đi công tác gấp với anh Bảy Hiền (Lê Minh Hiền, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy) khắc phục bão”.
Anh Lê Hiền nói tiếp: “Em vừa chụp ảnh được, vừa viết được, cố gắng đi vì anh em bủa đi khắp nơi, không còn người. Bão lớn lắm, tàu bè chìm, ngư dân bị trôi dạt trên biển nhiều lắm!”.
Tôi chuẩn bị máy ảnh, phim, sổ tay vào ba lô, đi bộ đến Văn phòng UBND tỉnh Minh Hải. Trên đường, cây cối gãy đổ, nhà cửa tốc mái, một khung cảnh hoang tàn không thể ngờ được.
Tang thương
Trời vừa hừng sáng, chiếc ca-nô rẽ sóng sông Rạch Rập, về sông Đốc (Trần Văn Thời). Không thể hình dung nổi cơn bão đã tác oai tác quái khiến vùng đất này bầm dập, tang thương. Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc cho biết, rất nhiều tàu mắc kẹt trên biển, nhiều tàu bị đánh chìm. Chưa biết bà con sống chết ra sao?
Anh Lê Minh Hiền vừa gọi điện thoại vừa khóc, vừa nói với người đầu dây: “Hàng trăm tàu chìm, hàng ngàn người trôi dạt trên biển. Biển còn động nhưng phải cho tàu cứu hộ ra biển để cứu bà con”.
Trụ sở UBND thị trấn Sông Đốc là căn nhà cấp 4, ở giữa chợ Sông Đốc. Nhiều người vác gạo, chiếu, mùng… chất đống, rồi ra về. Bà con thị trấn Sông Đốc mở cửa nhà, trải chiếu, nấu cơm, bưng nước… cho người dân tìm người thân bị nạn trên biển.
Sau một ngày đi trong đau thương, hoang tàn vùng biển, tôi không thể diễn tả hết tâm trạng của mình. Bàng hoàng, xót xa, đau đớn...
Về trụ sở báo Minh Hải, anh Lê Hiền gọi lên phòng: “Bài vở viết chưa, biết số fax báo nào ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đọc đi, anh truyền. Báo Minh Hải mất điện, nhà in cũng mất điện, không ra báo được. Em cố gắng gởi thông tin cho nhiều báo để cứu giúp bà con”.
Cứ thế, mỗi ngày, tôi có thể đi cửa biển Sông Đốc (Trần Văn Thời), Khánh Hội (U Minh) đôi ba lần để nắm tư liệu. Ngày trước, công nghệ thông tin chưa phát triển nên phải viết tay, chụp ảnh bằng phim, gửi bằng đường thư cho các tòa soạn đăng tải.
Lúc bấy giờ, tôi đã là cộng tác viên báo Tiền Phong. Phóng sự “Một vùng biển nhốm màu tang tóc” đăng kín trang ngay sau đó.
Anh Sáu Nghệ (Phạm Duy Tương- Trưởng văn phòng báo Tiền Phong tại ĐBSCL) đặt hàng gợi ý: “Bây giờ, Tiến Hưng đừng viết đau thương, mất mát nữa, Tiến Hưng nên phản ánh người Cà Mau gượng đứng dậy, đi tới, vượt qua đau thương thế nào”.
Bây giờ, tôi nghiệm lại, rõ ràng, anh Sáu Nghệ rất tỉnh táo, đã định hướng thông tin và tôi đã thực hiện chuyển tải thông tin đến bạn đọc. Những bài báo thấm đẫm tình người ra đời: “Tình người xứ biển”, “Con gái Sông Đốc”…
Sức sống người dân xứ biển
Sau bão Linda, đội tàu khai thác biển Cà Mau phát triển hơn 5.000 chiếc, công suất mạnh, trọng tải lớn hơn để bám biển dài ngày. Lão ngư Nguyễn Tấn Biểu, ở thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời) nói: “Cửa biển Sông Đốc hôm nay, có đội tàu khai thác biển hơn 1.100 chiếc, khôi phục và phát triển nhiều lần so với thời điểm trước bão”.
Ngư dân Sông Đốc gượng dậy, huy động sức người, sức của, sửa chữa đội tàu lớn hơn, mạnh hơn, vươn xa hơn. Cảng cá Sông Đốc ngày càng nhộn nhịp. Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, cảng Năm Căn đang hiện đại hóa từng ngày.
Cửa biển Khánh Hội (U Minh) bây giờ có phố xá khang trang, sầm uất. Ông Châu Minh Đảm, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hội nói: “Cửa biển Khánh Hội hồi sinh, xóa dấu vết cửa biển nghèo khó, đau thương sau bão Linda. Bà con ngư dân ở đây tự dìu nhau vươn lên thể hiện bản lĩnh của mình”.
Ông Huỳnh Chuông, Bí thư Chi bộ ấp 4, xã Khánh Hội (U Minh) chia sẻ: “Sau bão, cửa biển Khánh Hội có tên “Cửa biển không chồng”, kinh Xáng Mới gọi “làng góa phụ” bởi 64 gia đình có chồng, con chết hoặc mất tích trên biển trong bão Linda. Những chị em mất chồng, mất con đã không gục ngã, họ gượng dậy thay chồng nuôi con, làm ăn khá giả trong sự tương thân, tương ái của cộng đồng”.
Bà Lý Hồng Mận, Phó chủ tịch UBMTTQ xã Khánh Hội có chồng là ông Trần Văn Nhanh cùng 6 ngư phủ cùng với con tàu nằm lại biển khơi trong cơ bão Linda này chia sẻ: “Anh ấy mất lúc đó tôi 31 tuổi. Trắng tay, nghèo quá. Tôi hoang mang, làm gì nuôi con? Không lẽ gục ngã? Tôi tự nhủ phải tự cứu mình để xứng đáng với ảnh”.
Bà Lý Hồng Mận cho biết, xã Khánh Hội có 69 gia đình mất chồng, mất con. Trong những người có hoàn cảnh như bà, còn 5 góa phụ không “đi bước nữa”, để tập trung chu toàn cho 2 bên nội ngoại. Bà Nguyễn Thị Xíu, ngụ ấp 4, có chồng là ông Trần Văn Bông mất tích, để lại mẹ già và 3 con nhỏ, đứa lớn nhất mới 6 tuổi, đứa nhỏ mấy tháng tuổi.
Căn nhà bà cùng toàn bộ tài sản bị cuốn theo cơn bão. Bây giờ, bà đã chuyển vô chợ Khánh Hội buôn bán. Các con của bà được học hành tử tế, có việc làm ổn định.
Ông Châu Minh Đảm- Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hội cho biết, tỷ lệ hộ nghèo từ 40-50% sau bão Linda, nay giảm xuống còn 17%, thu nhập bình quân đầu người gần 40 triệu đồng/người/năm. Bà con vay vốn đóng mới, nâng cấp 234 phương tiện khai thác thủy sản công suất trên 90 CV có khả năng bám biển dài ngày”.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói: “Chúng ta tổ chức tưởng niệm đồng bào tử nạn bão số 5 (Linda). Các hoạt động trước, trong và sau ngày 2/11 nhằm hỗ trợ, chia sẻ, động viên bà con và tuyên truyền phòng chống thiên tai ở vùng đất chót mũi này trong thời biến đổi khí hậu”.
Ngày 2/11/1997, bão Linda gây thiệt hại tại 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ làm 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương, nhà sập 10.892…ước thiệt hại 7.200 tỷ đồng. Riêng Cà Mau, có 128 người chết, 601 người bị thương, 1.164 người mất tích, hư hỏng 574 tàu thuyền và mất tích 318 chiếc, tổng thiệt hại vật chất 2.711 tỷ đồng thời điểm đó.