Hôm 19/12, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhất trí kêu gọi các quan chức Liên Hợp quốc giám sát việc sơ tán hàng ngàn dân thường và các tay súng khỏi những quận do phiến quân kiểm soát ở thành phố Aleppo.
Dấu ấn của Nga
Quân chính phủ của Tổng thống Assad và các đồng minh gồm Nga, Iran cùng lực lượng dân quân của người Hồi giáo Shi’ite từ Lebanon và Iraq đã thực hiện chiến dịch bao vây kéo dài, không kích và đánh bom liên tục vào các khu vực ở Aleppo do phiến quân kiểm soát.
Từ chiến thắng này, ông Assad gửi đi tín hiệu rằng ông sẽ tận dụng điểm yếu của các đối thủ và sẽ tiến lên các vùng ở miền bắc Syria đang nằm trong tay phiến quân.
Nhưng với một lực lượng bị dàn trải và suy yếu sau nhiều năm chiến đấu, quân của ông Assad không dễ giữ đất ở các vùng khác của Syria.
Hôm 11/12, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng giành lại thành phố cổ Palmyra, 9 tháng sau khi bị quân đội Syria đẩy ra khỏi địa danh được UNESCO công nhận là di sản thế giới này.
Sự sụp đổ của Palmyra cho thấy IS vẫn còn xa mới bị đánh bại, và chắc chắn sẽ tận dụng thực tế là các nguồn lực của chính phủ Syria, Nga và Iran bị dàn trải khắp Syria.
Nó cũng cho thấy tổng thống đắc cử Mỹ Donald trump sẽ đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn trong việc giữ lời hứa khi tranh cử về việc sẽ đánh bại IS.
Mỹ đưa thêm quân đến Syria
Trong bài bình luận vừa đăng trên Reuters, ông Mohamad Bazzi, giáo sư báo chí tại ĐH New York và là tác giả của một cuốn sách về chiến tranh đại diện giữa Ả-rập Xê-út và Iran, cho rằng, sau sự sụp đổ ở vùng phía đông Aleppo, có những dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ ngày càng lớn giữa một chính quyền Trump sắp lên nắm quyền và chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nga sẽ tiếp tục các cuộc không kích tăng cường và hỗ trợ hậu cần để ông Assad giành lại lãnh thổ từ lực lượng nổi dậy, còn Mỹ vẫn sẽ đi đầu trong cuộc chiến chống IS.
Cuộc nội chiến ở Syria đã mở rộng ra thành cuộc chiến tranh đại diện ở khu vực, với sự tham gia của Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út, Qatar và Mỹ.
Nga và Iran, hai nước hậu thuẫn chính cho chính quyền Syria, chủ yếu nhắm vào các nhóm phiến quân chống lại ông Assad. Ngược lại, không lâu sau khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út và Mỹ bắt đầu hậu thuẫn nhiều nhóm phiến quân chống lại chính quyền Assad.
Chính quyền Obama phối hợp quân sự với Nga ở mức độ hạn chế, nhưng Washington cũng chỉ trích Mátxcơva tham gia vào cuộc chiến để chống đỡ cho ông Assad và không dành mấy nguồn lực để đánh bại IS.
Trong khi đó, ông Trump tuyên bố rõ rằng ông không coi việc loại bỏ Tổng thống Assad là ưu tiên, mà sẽ sẵn sàng hợp tác nhiều hơn với Nga. Ông Assad hài lòng ra mặt với thông điệp này.
Nhưng từ quan điểm của Syria và Nga, liên minh có nghĩa là sẽ dựa vào Mỹ để đi đầu trong cuộc chiến chống lại IS, điều mà cả ông Assad lẫn những người chống lưng đều không coi là khẩn cấp như nhiệm vụ giành lại lãnh thổ bị phiến quân chiếm.
Các quan chức của Lầu Năm Góc nói rằng họ sẽ chuẩn bị để tấn công IS ở Palmyria nếu quân Nga và Syria không sớm lấy lại được thành phố này. Giới chức Mỹ cho biết họ quan ngại các tay súng cực đoan đã có trong tay những vũ khí rất mạnh sau khi giành lấy thành phố này từ quân đội Syria, trong đó có các xe bọc thep và hệ thống phòng không.
Các quan chức Lầu Năm góc cảnh báo lực lượng Syria và Nga quá tập trung vào việc tấn công phiến quân ở Aleppo nên đã để IS dễ dàng giành lại Palmyria.
Mỹ thay đổi chiến lược chống IS ở Syria
Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức hôm 20/1, ông Trump sẽ phải đối mặt với một quyết định quan trọng: Có tiếp tục để Lầu Năm góc hỗ trợ và huấn luyện lực lượng phiến quân ở Syria để họ đẩy IS ra khỏi Raqqa hay không?
Chiến dịch này bắt đầu từ đầu tháng 11 vừa qua với việc huy động khoảng 30.000 quân nổi dậy Syria để bao vây Raqqa và chặn các tuyến đường tiếp tế của lực lượng cực đoan. Những phiến quân được Mỹ hậu thuẫn giờ đang cách thành phố khoảng 15 dặm, nhưng chiến dịch đó có thể kéo dài vài tháng như từng diễn ra ở thành phố Mosul của Iraq.
Ông Trump muốn tránh sa lầy vào cuộc chiến phức tạp ở Syria nên đã gửi tín hiệu rằng họ muốn Nga tiếp tục vai trò dẫn đầu. Nhưng các cường quốc khác có thể kéo Washington can dự sâu hơn vào cuộc xung đột, hoặc dùng vấn đề đó để khiến ông Trump xao lãng những mực tiêu khác, ví dụ như từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Lãnh đạo Iran tuyên bố họ đóng góp phần lớn vào chiến thắng quân sự ở Aleppo, rằng chính quyền của ông Assad sẽ không thể lấy lại thành phố này nếu không có sự hỗ trợ từ Iran và các đồng minh khác, đặc biệt là lực lượng Hezbollah từ Lebanon.
Một số quan chức Iran cũng sử dụng chiến thắng ở Aleppo để gửi tín hiệu đến chính quyền Trump về tầm ảnh hưởng của Tehran ở khu vực.
“Aleppo được giải phóng nhờ liên minh giữa Iran, Syria, Nga và Hezbollah ở Lebanon,” ông Yahya Rahim Safavi, cố vấn quân sự cấp cao của lãnh đạo tối cao Iran nói tại Tehran hôm 14/12.
“Iran là một bên của liên minh này, và đang tiệm cận chiến thắng, điều này thể hiện sức mạnh của chúng ta. Tổng thống mới của Mỹ nên chú ý đến sức mạnh của Iran”, Safavi nói.
Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ
Trong một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Mỹ suy giảm ở Syria, Nga vừa đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để cho phép Ankara kiểm soát khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria bằng quân đội của họ và các nhóm phiên quân thân thiết.
Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ không giúp các nhóm phiến quân ở Aleppo chống lại chiến dịch tấn công của Nga – Syria. Đây có thể trở thành hình mẫu cho những thỏa thuận khác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, và có thể sẽ khiến những nhóm phiến quân bị cô lập hơn ở những căn cứ còn lại tại miền bắc Syria.
Hôm 16/12, ông Putin thông báo ông đang làm việc với các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ để tổ chức một loạt cuộc đối thoại về hòa bình cho Syria mà không có sự tham gia của Washington.
Về phần mình, ông Assad sẽ được khuyến khích hơn sau chiến thắng quân sự ở Aleppo – cho dù chiến thắng đó phụ thuộc rất nhiều vào Nga, Iran và các lực lượng nước ngoài khác, nên sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn và từ chối thỏa hiệp chính trị với phiến quân.
Và cũng nhờ đó, ông Assad và các đồng minh có thể “nhường” nhiệm vụ chiến đấu với IS khó nhằn cho Washington.