Ai thao túng đất nông lâm trường? - Bài 3: Dân không nơi “cắm dùi”

Ông Mừng nói “rừng sát ngay hàng rào UB xã nhưng xã không có quyền quản lí”.
Ông Mừng nói “rừng sát ngay hàng rào UB xã nhưng xã không có quyền quản lí”.
TP - “Nhìn rừng núi bạt ngàn vây quanh xã rứa chớ dân ở đây được mấy hộ có đất để sản xuất mô chú. Ngay cả trụ sở ủy ban xã đây này, rừng nằm sát hàng rào nhưng xã cũng không có quyền quản lí. Đất đai, rừng núi ở đây đa số là của nông, lâm trường, của cán bộ dưới xuôi hết đó” - ông Trần Văn Mừng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đứng ở tầng 2 trụ sở xã, khoát tay một vòng, nói.

Giao đất trên giấy

Trước thực trạng sống giữa rừng núi bạt ngàn nhưng đồng bào lại thiếu đất sản xuất, từ năm 2012, tỉnh Quảng Bình có chủ trương thu hồi một số diện tích đất kinh doanh không hiệu quả của các nông, lâm trường quốc doanh để giao cho người dân bản địa. Tuy nhiên, chủ trương này đang gặp một số vướng mắc, nên người dân vẫn dài cổ chờ đất sản xuất để ổn định cuộc sống.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, từ năm 2012 đến nay, sở này đã trình UBND tỉnh thu hồi hơn 8.300 ha đất của các nông, lâm trường giao về địa phương quản lí và xét giao đất sản xuất ổn định lâu dài cho các hộ dân thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, cho đến nay, sau gần 5 năm thực hiện, toàn tỉnh Quảng Bình chỉ giao được hơn 2.800 ha cho các hộ (bằng 1/3 số diện tích đất thu hồi).

Cũng theo sở này, việc giao đất, giao rừng cho người dân thực tế là bài toán khó, bởi tỉ lệ diện tích đất giao cho người dân sử dụng còn thấp so với diện tích thu hồi.

Nguyên nhân của thực trạng trên do: Một số diện tích đất thu hồi có vị trí không thuận lợi, xa khu dân cư. Có một số khu vực rừng có trữ lượng và núi đá, nên không giao được cho dân; phần lớn diện tích thu hồi là đất rừng tự nhiên sản xuất chưa được chuyển đổi sang rừng trồng nên theo Luật Đất đai 2013 không thể giao cho dân. 

Một số diện tích đất thu hồi còn có tài sản của các nông, lâm trường (rừng trồng) chưa được xử lí, nên các địa phương chưa lập phương án giao đất đến hộ được. Thêm vào đó chính quyền địa phương một số nơi chưa thực sự quyết liệt trong việc giải quyết các vướng mắc, xây dựng, xét duyệt phương án và tổ chức giao đất cho dân.

Để tránh tình trạng “giao đất trên giấy”, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình: Các địa phương cần tập trung hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đã giao để người dân yên tâm sản xuất...

Cán bộ chây ỳ không trả lại đất cho dân

Theo điều tra của PV Tiền Phong, mặc dù được giao quản lí hàng trăm nghìn ha đất rừng, nhưng việc quản lí đất đai các nông, lâm trường trên địa bàn Quảng Bình còn hạn chế, yếu kém. Thậm chí một số đơn vị buông lỏng quản lí để xảy ra lấn chiếm, tranh chấp, cho thuê, cho mượn đất trái pháp luật.

Đơn cử, như xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, là địa phương vùng biên giới Việt - Lào, đa số đồng bào người Vân Kiều, sống giữa bạt ngàn rừng núi nhưng người dân ở đây lại thiếu đất sản xuất. Theo ông Trần Văn Mừng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Kim Thủy cho biết: Địa giới hành chính xã có 48.000 ha nhưng đa phần là đất của các lâm trường, công ty và Ban quản lí rừng phòng hộ. Trên danh nghĩa, xã quản lí 4.000 héc ta, nhưng thực chất hơn 1/2 diện tích bị người ta xâm canh, hậu quả của thời lâm nông trường để lại.

Theo ông Mừng, khoảng chục năm lại đây đã có 3 đợt, các lâm trường thuộc Công ty Lâm công nghiệp Long Đại cắt đất giao về cho xã để chia cho dân, nhưng đến nay vẫn chưa giao được mét vuông nào. Đợt đầu tiên cắt hơn 100 ha đất ngay sau lưng trụ sở xã, nhưng đất đó, các lâm trường đã cho các cán bộ dưới xuôi mượn, thuê, nhận khoán thời hạn đến 45 năm, nên họ không chịu trả lại vì chưa hết thời hạn.

Đợt thứ 2, tiếp tục cắt 7 ha để giao cho 3 bản gần biên giới nhưng cũng vướng mắc. Nguyên nhân trước đây Công ty Long Đại thiết kế trồng cao su, sau đó cắt về cho xã, nhưng diện tích này toàn là rừng già, kiểm lâm không dám ký, nên xã cũng không thể giao cho dân.

Đợt thứ 3 mới đây nhất, Công ty Long Đại tiếp tục cắt về cho xã 90 ha ở vùng Khe Khế, nhưng cũng không thể giao cho dân vì quá xa khu dân cư, không ai đủ sức để khai hoang, sản xuất và quản lí.

Theo ông Mừng, đất ở Kim Thủy hiện nay đa số do cán bộ dưới xuôi sử dụng, quản lí. Có người đứng tên, có người giấu tên, rồi mua đi bán lại, nhưng họ đang thu nhập cao trên diện tích đất đáng ra là của người dân Kim Thủy. “Cách đây hơn 1 năm, xảy ra tranh chấp giữa người mua bạch đàn với người bán bạch đàn. Được  biết năm, sáu cán bộ kiểm lâm bán trên 100 ha bạch đàn, nhưng người ta chưa chặt đủ thì chấm dứt hợp đồng nên xảy ra kiện tụng” – ông Mừng kể.

Ông Mừng bày tỏ: “Về nguyên tắc, khi chặt bạch đàn xong (tài sản trên đất đã được thu hồi), thì đất đó thuộc quyền quản lí của xã để chia cho dân, nhưng họ nói là đã thuê 45 năm nên phải làm đủ thời gian đó mới trả. Tui nói với lãnh đạo lâm trường: Các anh giao đất cho xã thì các anh xóa hợp đồng với họ để xã còn biết đường mà tính. Nhưng họ nói, đã giao về cho xã rồi, họ hết trách nhiệm”.

Thực tế xã Kim Thủy có hơn 1.000 hộ dân, hơn 4.000 nhân khẩu, trong đó có 180 hộ không có đất sản xuất, các hộ còn lại có nhưng nhỏ lẻ, chưa thể nuôi sống họ ngay trên chính mảnh đất của mình. “Theo quy định, mỗi hộ dân miền núi có 0,5 ha đất là đủ định mức. Nhưng, nếu từng đó diện tích là đất trồng rừng thì không đủ sống. Người dân ở đây có rừng cũng như không đều đi làm thuê, làm mướn, nhưng công việc cũng không có thường xuyên” - ông Mừng cho biết.

Bà Lê Thị Mến, cư dân trong vùng cho hay: Mặc dù là con dân của Kim Thủy, nhưng gia đình bà không có một khoảnh đất rừng nào. Bà mở quán nước cạnh khu du lịch suối nóng Bang với hi vọng đắp đổi qua ngày. Nhưng từ khi suối Bang được UBND tỉnh Quảng Bình cấp phép đầu tư khu du lịch sinh thái cho Công ty Đông Dương, họ phá nát dòng suối, nên chẳng ai đến suối Bang.

Lãnh đạo Công ty Lâm công nghiệp Long Đại, thừa nhận có cho thuê, nhận khoán 45 năm đối với một số diện tích rừng, nhưng đúng luật. Việc tỉnh thu hồi diện tích đất rừng của công ty để giao lại cho dân, thì nghiễm nhiên các hợp đồng đó hết hiệu lực. Việc lấy lại đất từ các hộ đang sử dụng là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Kỳ tiếp theo sẽ  được báo Tiền Phong đăng tải vào số ra thứ Hai ngày 10/10

Quảng Bình hiện có hơn 400.000 ha rừng giao cho các công ty, nông, lâm trường, Ban quản lí rừng phòng hộ… quản lí. Tuy nhiên, hiệu quả về mặt kinh tế, cũng như xã hội còn rất hạn chế. Ngay như Công ty Lâm công nghiệp Long Đại, được xem là công ty lâm nghiệp lớn nhất miền Trung, quản lí gần 100.000 ha rừng, trong đó có lâm trường Trường Sơn được khai thác rừng theo chứng chỉ rừng bền vững, nhưng nộp ngân sách năm 2015 chỉ hơn 3 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG